Công ty Việt Á nhập nguyên liệu kit test Covid-19 từ Trung Quốc
Công ty Việt Á nhập nguyên liệu Trung Quốc rồi phù phép thành 'Đề tài khoa học cấp quốc gia' để moi gần 20 tỷ ngân sách, vừa bán kit lại cho chính Nhà nước được gần 4.000 tỷ đồng.
Toàn hàng nhập từ Trung Quốc và nhiều nước
Tổng cục Hải quan vừa thông tin về số liệu nhập khẩu của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) liên quan vụ kit xét nghiệm Covid-19.
Theo Tổng cục Hải quan, Phan Quốc Việt làGgiám đốc điều hành Công ty Việt Á (có 5 chi nhánh) và đứng tên Giám đốc trên 11 công ty, trong đó chỉ có Công ty Việt Á hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm...
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Công ty Việt Á trong 5 năm (từ 2017-2021) gồm: “bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2” và “nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm”.
Đối với bộ thành phẩm que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty nhập khẩu sản phẩm chủng loại: Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với số lượng 3 triệu test, giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng hơn 20.000 đồng/test), tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
Về nguyên liệu hóa chất, chất thử, phụ kiện, dụng cụ, máy móc dùng trong phòng thí nghiệm, nguyên liệu sản xuất sinh phẩm chuẩn đoán xét nghiệm, Công ty nhập từ nhiều nước khác nhau.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 năm qua (2017-2021), Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu 286 tỷ đồng. Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỷ đồng (gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Hô biến thành đề tài nghiên cứu cấp... quốc gia, thành hàng "madein Việt Nam"?
Cần lưu ý, Công ty Việt Á không bán kit test nhanh mà kit test PCR. Kit test nhanh theo Hải quan báo cáo là que thử thành phẩm, một trong những nguyên liệu trong bộ kit test PCR, dùng để lấy mẫu bệnh phẩm rồi đưa về máy PCR phân tích cho ra kết quả chính xác hơn kit test nhanh thông thường. Thế nên, Việt Á mới nhập "74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm".
Như vậy, với các que thủ thành phẩm cùng các hóa chất, chất thử... kia mới hình thành nên bộ kít test PCR hoàn chỉnh. Như vậy, tổng chi của Việt Á là 286 tỷ đồng, bao gồm cả máy móc test PCR. .
Tại cơ quan điều tra, nhân viên Công ty Việt Á khai, kít test PCR Việt Á có 5 loại hóa chất khác nhau trộn lại theo công thức. Khi công an tới khám xét, nhà máy sản xuất chính của Công ty Việt Á lại chỉ là nơi phối trộn nguyên liệu, không sản xuất nguyên liệu.
Logic thông tin nhập khẩu mà Tổng cục Hải quan thông tin nêu trên cùng thực tế hiện trường nên dư luận mới nghi vấn cho rằng toàn bộ nguyên liệu (ngoại trừ bao bì) mà Công ty Việt Á dùng làm kit test Covid 19 là nhập từ Trung Quốc và nhiều nước khác.
Khu trộn nguyên liệu kit test Công ty Việt Á.
Thế nhưng, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hồi tháng 3/2020, cơ quan chức năng lại công bố kit test Công ty Việt Á là một nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia có tên đầy đủ là: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV)”, mã số ĐTĐL.CN.29/20. Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng, không có thêm nguồn tiền ngoài. Tham gia nhiệm vụ nghiên cứu có 17 thành viên, trong đó chỉ có 4 người thuộc Công ty Việt Á (bao gồm cả thành viên chính là ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á, người vừa bị khởi tố hình sự); 13 người thuộc Học viện Quân y.
Rồi cơ quan chức năng công bố rầm rộ trên trang điện tử của mình là hàng "madein Việt Nam", tổ chức WHO công nhận, nhiều nước đặt hàng...
Tất cả giúp sức cho Công ty Việt Á bán lại Kit test cho nhà nước (các CDC và bệnh viện) moi tiếp gần 4.000 tỷ đồng ngân sách (tính tới thời điểm bị cơ quan công an khởi tố).
Tổng cục Hải quan cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty Việt Á bao gồm: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty cổ phần Vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần Kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH Thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH Thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần công nghệ TBR.