Công ty xuất khẩu lao động Sao Vàng tư vấn phí xuất khẩu lao động...'khó hiểu'?
Mặc dù đã có quy định rõ ràng về mức phí đối với các trường hợp đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), thế nhưng công ty CP Thương mại Và XKLĐ Sao Vàng (công ty XKLĐ Sao Vàng - PV) có địa chỉ chi nhánh văn phòng tại 471 Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy – Hà Nội) vẫn tư vấn 'vượt ngưỡng' phí cho người có nhu cầu đi lao động cũng như thêm những khoản tiền đặt cọc khó hiểu...?
Trước những thông tin người lao động phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam qua đường dây nóng về mức thu phí “vượt ngưỡng” so với quy định của Bộ Lao động TB&XH của Công ty XLĐ Sao Vàng; đồng thời, phản ánh Công ty này thu khoản tiền đặt cọc trước lúc đào tạo và trước khi xuất cảnh sai quy trình và quy định, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi “mục sở thị” tại công ty có địa chỉ tầng 4, tòa nhà 471 Hoàng Quốc Việt (P. Nghĩa Tân – Q. Cầu Giấy – Hà Nội).
Được biết, Công ty XKLĐ Sao Vàng có trụ sở chính tại địa chỉ số 201, đường Minh Khai, Phường Minh Khai (Hai Bà Trưng - Hà Nội). Ông Lê Tuấn Dũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thương mại & XKLĐ Sao Vàng (thuộc Tổng công ty CP Thương mại xây dựng).
Qua số điện thoại bàn của Công ty XKLĐ Sao Vàng, phóng viên được một người phụ nữ xưng tên Hiền mời đến công ty để được nghe tư vấn. Tại đây, chị Hiền đã giới thiệu với phóng viên mình là nhân viên văn phòng của Công ty.
Theo nội dung tư vấn, chị Hiền cho biết, muốn đi lao động tại Nhật Bản có 2 dạng: XKLĐ là lao động phổ thông và dạng kỹ sư. Nếu đi theo dạng kỹ sư phải có bằng cao đẳng hoặc đại học, yêu cầu kỹ thuật và có trình độ.
Chị Hiền cho biết, hiện Công ty vừa tuyển những đơn hàng như hàn xì, xây dựng công trình đối với nam, là nữ thì có những đơn hàng như may mặc, đóng gói cơm hộp...
Tùy thuộc vào từng đơn hàng cụ thể mà Công ty sẽ đưa ra để tư vấn cho người lao động cùng với đó là mỗi đơn hàng sẽ có một mức phí phải đóng khác nhau. Học viên tham gia học tiếng cho đơn hàng đi Nhật sẽ học tại văn phòng của công ty trong khoảng thời gian khoảng 6 tháng.
Theo lời giới thiệu, Công ty XKLĐ Sao Vàng ngoài địa số 471 đường Hoàng Quốc Việt, công ty này còn có một văn phòng đào tạo ở phường Giáp Bát (Q. Hoàng Mai – Hà Nội). Học viên khi tham gia ứng tuyển, thi tuyển, đào tạo có thể ở tại 471 đường Hoàng Quốc Việt hoặc sẽ được điều chuyển xuống văn phòng chi nhánh ở phường Giáp Bát.
Qua lời tư vấn của chị Hiền, khi có đơn hàng cụ thể từ đối tác hoặc người tìm kiếm đơn hàng phía bên Nhật Bản, Công ty sẽ giới thiệu từng đơn hàng, tính chất công việc mà người lao động sẽ làm tại Nhật Bản, mức lương được hưởng... Khi nhập học vào công ty, học viên sẽ phải đóng trước số tiền 10 triệu đồng, đây được gọi là tiền đặt cọc thi tuyển đơn hàng. Học viên được ở tại văn phòng công ty, ăn uống phải tự túc.
“Nếu là lao động phổ thông thì mức phí phải đóng cho công ty là 5.000 USD, tiền đặt cọc 1.000 USD, tiền học tiếng 10 triệu VNĐ. Tiền khám sức khỏe khoảng 1 triệu VNĐ.” – Chị Hiền liệt kê.
Đi Đài Loan cũng khoảng 5.000 USD
Ngoài thị trường XKLĐ sang Nhật Bản, công ty XKLĐ Sao Vàng còn tuyển dụng các đơn hàng XKLĐ tại Đài Loan với mức phí “ngất ngưởng”(?) Theo lời chị Hiền, người lao động có thể làm việc được tại Đài Loan 2 năm, nếu có nhu cầu ở lại làm tiếp thì phải có sự thỏa thuận giữa chủ và người lao động. Trong trường hợp có sự thống nhất giữa 2 bên thì gia hạn thêm 1 năm nữa. Mức phí người lao động sang thị trường Đài Loan phải đóng giao động trên dưới 5.000 USD, chưa kể tiền ăn, học...
Có thể nói, việc phản ánh của người lao động về Công ty này là có cơ sở. Người lao động vì muốn tìm kiếm việc làm nên đành phải “còng lưng” gánh một khoản phí không bắt buộc mà không hề hay biết. Việc nhân viên tư vấn của Công ty XKLĐ Sao Vàng đã làm sai lệch thông tin bản chất của sự việc. Còn người lao động bị “móc túi” một cách trắng trợn mà vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi nhỡ đăng ký tuyển dụng vào công ty XKLĐ này.
Được biết năm 2014, Công ty XKLĐ Sao Vàng đã bị đình chỉ XKLĐ sang Đài Loan do thu phí của người lao động sai quy định. Thông tin trên được Cục Quản lý Lao động Ngoài nước - Bộ Lao động TB&XH công bố kèm quyết định tạm dừng cung ứng lao động sang làm việc tại Đài Loan đối với Công ty này.
Theo quy định của Bộ Lao động TB&XH, các khoản phí doanh nghiệp thu không được vượt quá 3.600 USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200 USD/ người/hợp đồng một năm. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Nhật.
Bộ Lao động TB&XH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Về học phí đào tạo tiếng Nhật, không quá 5,9 triệu VNĐ/khóa.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin vụ việc./.
Tháng 4/2016, Bộ LĐ-TBXH đã có công văn 1123 yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản phải tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động.
Công văn quy định, các khoản phí DN thu không được vượt quá 3.600USD/người/hợp đồng ba năm và không quá 1.200USD/ người/hợp đồng một năm. Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí sau khi học viên, người lao động đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng với Nhật.
Bộ LĐ-TBXH nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với học viên thực tập sinh. Về học phí đào tạo tiếng Nhật, không quá 5,9 triệu đồng/ khóa.
Ngày 09/06/2016Bộ LĐ-TBXH đã có công văn 2176 yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan thực hiện đúng quy định.
Trong đó mức chi phí của người lao động trước khi đi
- Tổng chi phí của người lao động: 2.036 USD (chưa bao gồm tiền ký quỹ), trong đó:
+ Phí dịch vụ: 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm.
+ Tiền môi giới: 400 USD/hợp đồng 3 năm.
+ Chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết: 260 USD
+ Các chi phí vé máy bay, visa, khám sức khỏe...: 376 USD.
- Tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng: không quá 800 USD/người/hợp đồng (tối thiểu một lượt vé máy bay).