Công ty Yến Sào Khánh Hòa trục lợi hàng trăm tỷ đồng từ việc xây 'chui' ki-ốt ở chợ đêm?
Xây dựng trái phép hơn 75 ki-ốt không có trong phê duyệt quy hoạch của TP Nha Trang đã giúp Công ty Yến Sào Khánh Hòa 'đút túi' hàng trăm tỷ đồng. Việc làm sai trái này được duy trì công khai trong suốt 10 năm qua, song chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp xử lý triệt để.
“Cháy nhà” mới ra “mặt chuột”?
Chợ đêm Yến Sào Khánh Hòa (hay còn gọi là Khu ki-ốt phố đi bộ Nguyễn Thi, Chợ đêm Nha Trang) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/1/2010, tính đến này đã gần 10 năm. Qua nhiều lần sang nhượng và cho thuê lại thì giá thuê mỗi gian hàng ở chợ đêm này khoảng 30 triệu đồng/tháng. Khi mới thành lập, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Công ty Yến sào Khánh Hòa (248 Thống Nhất, Phương sơn, TP Nha Trang, Khánh Hòa) triển khai chợ đêm Yến sào Khánh Hòa thành một điểm du lịch mới cho TP Nha Trang về đêm.
Tuy nhiên, đến năm 2018, khi dự án Panorama Nha Trang do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây Dựng Vịnh Nha Trang (Công ty Vịnh Nha Trang) làm chủ đầu tư sắp đi vào hoạt động, thì câu chuyện “phía sau” về những khuất tất trong quá trình xây dựng các ki-ốt nói trên mới bắt đầu được hé lộ.
Cụ thể, trong gần 2 năm Công ty Vịnh Nha Trang đã gửi 4 văn bản kiên nghị lên UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND TP Nha Trang, để xin được giải tỏa các ki-ốt bán hàng tại đường Nguyễn Thi, tiếp giáp với dự án Panorama Nha Trang mà doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.
Sau nhiều lần day dưa, đến ngày 23/11/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, xem xét nội dung đề nghị của Công ty Vịnh Nha Trang. Theo báo cáo ngày 13/12/2018, của Sở này, trong cuộc họp giữa Sở và 2 công ty liên quan (Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Vịnh Nha Trang) thì Công ty Yến Sào Khánh Hòa không đưa ra được bất cứ văn bản nào của UBND tỉnh về Đề án quy hoạch phố đi bộ trên địa bàn TP Nha Trang, có liên quan đến đường Nguyễn Thi.
Sự việc kéo dài từ năm 2018, nhiều năm trôi qua, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục “phối hợp” giải quyết, bất chấp Công ty Vịnh Nha Trang đã 4 lần đề nghị giải tỏa các ki-ốt gây ảnh hưởng đến lối thoát PCCC của dự án Panorama Nha Trang.
Ngày 9/10/2019, trong công văn số 455/2019/VNT Công ty Vịnh Nha Trang cho biết, theo báo cáo của Công ty Yến sào, tại thời điểm thành lập Phố đi bộ chỉ phê duyệt 25 gian hàng, nay đã lên đến hơn 100 gian hàng và tại khu vực tiếp giáp dự án là Bãi đậu xe không cho phép mở rộng gian hàng.
Vì vậy, Công ty Vịnh Nha Trang “tố cáo” Công ty Yến sào Khánh Hòa đang vi phạm nghiêm trọng 2 vấn đề: Thứ nhất là bố trí 100 gian hàng trong khi phê duyệt chỉ có 25 gian hàng; Thứ hai là bố trí các gian hàng kín toàn bộ các khu vực không được phép bố trí (theo sơ đồ UBND TP Nha Trang đang lưu giữ).
Đồng thời, Công ty Vịnh Nha Trang cũng nhấn mạnh về việc, đã gửi nhiều văn bản, khẩn thiết kêu gọi lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo dứt điểm việc di dời các ki-ốt tiếp giáp mặt bố trí phương tiện PCCC của dự án Panorama Nha Trang, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách, toàn bộ tài sản của dự án nếu có xảy ra hỏa hoạn nhưng đã gần 1 năm vẫn không được giải quyết dứt điểm.
“Chúng tôi hiểu là quyền lợi, lợi ích của các cá nhân trong các ki-ốt chợ đêm là rất lớn nhưng không vì thế mà bỏ qua tất cả sự an toàn của hàng nghìn con người, du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi thiết nghĩ Công ty Yến Sào đã hưởng quá nhiều quyền lợi trong hơn 10 năm qua, nay cần phải trả lại đúng quy hoạch của vị trí con đường Nguyễn Thi là Bãi xe, là đất trống để không ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của du khách và tài sản của dự án Panorama Nha Trang”, công văn của Công ty Vịnh Nha Trang nêu rõ.
Căn cứ theo nội dung trong các văn bản kiến nghị từ phía Công ty Vịnh Nha Trang, có thể khẳng định rằng, tại thời điểm thành lập, chợ đêm Yến Sào Khánh Hòa chỉ được cơ quan chức năng phê duyệt quy mô khu chợ là 25 ki-ốt, nhưng doanh nghiệp này vẫn bất chấp xây dựng hơn 100 ki-ốt. So sánh với sơ đồ quy hoạch mà UBND TP Nha Trang đang lưu giữ, chợ đêm Yến sào Khánh Hòa đã bố trí “chui” hơn 75 ki-ốt ở các khu vực không được phép, trong đó có 16 ki-ốt nằm trên diện tích sân sau bãi đỗ xe bị cho là chắn hắn thực hiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) của dự án Panorama Nha Trang có vị trí ngay bên cạnh.
Sự việc sai trái này đã duy trì công khai trong suốt 10 năm, đêm về nguồn thu “khổng lồ” ước tính hàng trăm tỷ đồng cho Công ty Yến Sào Khánh Hòa, song chính quyền địa phương vẫn không có các biện pháp cứng rắn để giải quyết triệt để. Sự việc chỉ vỡ lở khi Công ty Vịnh Nha Trang lên tiếng yêu cầu tháo dỡ 16 ki-ốt tiếp giáp với dự án Panorama Nha Trang, lúc này những sai phạm kéo dài hàng chục năm qua trong việc xây dựng ki-ốt trái phép của Công ty Yến Sào Khánh Hòa bỗng nhiên bị bại lộ.
“Che mắt” dư luận?
Sau 4 lần kiến nghị trong gần 2 năm của Công ty Vịnh Nha Trang, thì đến ngày 17/1/2020, UBND tỉnh Khánh Hòa mới phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng về việc nghe báo cáo các nội dung liên quan việc bố trí ki-ốt bán hàng trên đường Nguyễn Thi.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa giao trách nhiệm cho Công ty Yến Sào Khánh Hòa khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sắp xếp lại toàn bộ khu vực phố đi bộ (bao gồm di dời khu vực khoảng 16 ki-ốt) đảm bảo mỹ quan, quy hoạch đô thị… nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu tạo sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu, thu hút khách du lịch của thành phố, đồng thời đảm bảo an toàn PCCC, cứu hộ cứu nạn, tổ chức giao thông và hoạt động dự án Khách sạn Panorama Nha Trang.
Cũng theo thông báo này, công ty Vịnh Nha Trang, chủ đầu tư Khách sạn Panorama Nha Trang có trách nhiệm phối hợp, làm việc với UBND TP Nha Trang và Công ty Yến Sào Khánh Hòa để thống nhất phương án hỗ trợ kinh phí trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên...
Với những chỉ đạo này, rõ ràng UBND tỉnh Khánh Hòa đã xác định việc xây dựng ki-ốt của Công ty Yến sào Khánh Hòa là sai phạm. Vì nếu như các ki-ốt ở phố đi bộ Nguyễn Thi là đúng pháp luật thì với vai trò là cơ quan chức năng, UBND tỉnh Khánh Hòa phải chỉ rõ việc căn cứ vào đâu để yêu cầu tháo dỡ? Đằng này, UBND tỉnh Khánh Hòa giao các bên thống nhất phương án hỗ trợ kinh phí trên tinh thần hài hòa lợi ích…gây khó hiểu, vì không nêu rõ bên nào đúng, bên nào sai, hình thức xử phạt…Và hơn hết, vai trò của UBND tỉnh Khánh Hòa lúc này là cơ quan quản lý Nhà nước hay bên hòa giải mẫu thuẫn cho hai doanh nghiệp?
Thêm vào đó, một vấn cần đáng lưu ý khác là trong suốt 10 năm hoạt động, với vai trò quản lý vì sao UBND tỉnh Khánh Hòa lại “ngồi yên” để Công ty Yến sào Khánh Hòa “trục lợi” trên sai phạm?
Chưa kể, trong suốt 10 năm đó, Công ty Yến sào Khánh Hòa có thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước hay không? Nếu có, thì việc thực hiện nghĩa vụ tài chính là trên 25 ki-ốt được phê duyệt ban đầu, hay dựa theo số lượng ki-ốt hoạt động thực tế tại chợ đêm?
Ngày 4/5/2020, theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế và Đô thị, 16 ki-ốt tiếp giáp với dự án Panorama Nha Trang đã được di dời theo đúng chỉ đạo trước đó của UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, hơn 59/75 ki-ốt trái phép vẫn còn tồn tại gây khó hiểu.
Việc tháo dỡ, di dời 16 ki-ốt tiếp giáp với dự án Panorama Nha Trang, là Công ty Yến Sào Khánh Hòa đang khắc phục sai phạm, hay chỉ là hành vi “che mắt” dư luận, hòng dẹp yên những tranh chấp tố cáo với Công ty Vịnh Nha Trang, từ đó tạo điều kiện để những ki-ốt trái phép còn lại có thể tiếp tục hoạt động?
Liệu rằng những ki-ốt trái phép vẫn đang tồn tại sẽ được UBND tỉnh Khánh Hòa xử lý thế nào? Dư luận đang chờ sự minh bạch thông tin và chính trực của những lãnh đạo mới nhận chức của tỉnh Khánh Hòa, sau nhiều bê bối của các đời lãnh đạo trước vừa bị kỷ luật.