Công ước Hà Nội: Chiến thắng của chủ nghĩa đa phương!

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá 'Công ước Hà Nội' về chống tội phạm mạng sẽ tạo nền tảng hợp tác quốc tế quan trọng nhằm đảo bảo quyền con người trên không gian mạng.

Chiều 24/12 tại New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Công ước LHQ về chống tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của công ước, công ước sẽ được mở ký tại thủ đô Hà Nội trong năm 2025 tới đây và có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.

Đại hội đồng LHQ đã thông qua “Công ước Hà Nội” về chống tội phạm mạng. Ảnh: UN.org

Đại hội đồng LHQ đã thông qua “Công ước Hà Nội” về chống tội phạm mạng. Ảnh: UN.org

Bày tỏ hoan nghênh việc công ước được thông qua, theo bà Stephanie Tremblay, phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Guterres đã khẳng định đây là thỏa thuận hợp tác quốc tế đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được Đại hội đồng LHQ thông qua trong hơn 20 năm qua.

"Công ước này là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương có thể thành công trong thời kỳ khó khăn và phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên (LHQ) trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và chống lại tội phạm mạng", tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Guterres nêu rõ.

Theo tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Guterres, Công ước sẽ "tạo ra một nền tảng hợp tác quốc tế chưa từng có" trong việc trao đổi bằng chứng, bảo vệ các nạn nhân và phòng ngừa tội phạm mạng, đồng thời bảo vệ quyền con người trên không gian mạng.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: UN Photo/Mark Garten

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: UN Photo/Mark Garten

"Tổng thư ký (Guterres) tin tưởng rằng, công ước mới sẽ thúc đẩy một không gian mạng an toàn và kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia công ước, đồng thời thực hiện văn kiện này bằng cách hợp tác với các bên liên quan", phát ngôn viên Tremblay nhấn mạnh.

Cùng ngày, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang, cũng khẳng định: "Chúng ta đang sống trong thế giới số, nơi công nghệ thông tin và truyền thông mang lại tiềm năng to lớn phục vụ sự phát triển của xã hội, nhưng cũng làm gia tăng mối đe dọa tiềm tàng của tội phạm mạng".

Bởi vậy, ông cho rằng, với việc thông qua "Công ước Hà Nội", các nước thành viên sẽ có các công cụ và phương tiện cần thiết để tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mạng, bảo vệ mọi người và quyền của họ trên không gian mạng.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang. Ảnh: UN Photo/Evan Schneider

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philémon Yang. Ảnh: UN Photo/Evan Schneider

Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) thì đánh giá, việc Đại hội đồng LHQ thông qua "Công ước Hà Nội" về chống tội phạm mạng là một "chiến thắng lớn" của chủ nghĩa đa phương.

"Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết các loại tội phạm như xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến, lừa đảo trực tuyến tinh vi và rửa tiền", bà nói và tái khẳng định cam kết của UNODC trong hỗ trợ tất cả các nước ký kết, phê chuẩn và thực hiện công ước.

Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành UNODC. Ảnh: UN.org

Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành UNODC. Ảnh: UN.org

Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng to lớn với sự phát triển của nhân loại, công nghệ số đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia. Sự gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính gây thiệt hại cho kinh tế thế giới 8.000 tỷ USD năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ USD năm 2025.

Trong bối cảnh đó, "Công ước Hà Nội" sẽ khẳng định vai trò trung tâm của LHQ trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tội phạm mạng, một vấn đề gây nhức nhối hiện nay.

Ngoài ra, "Công ước Hà Nội" sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đầu tiên ở cấp độ toàn cầu cho không gian mạng, khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng, góp phần thu hẹp những khác biệt giữa pháp luật các nước, thiết lập cơ chế hợp tác chuyên trách 24/7, qua đó thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho nỗ lực chuyển đổi số của các quốc gia.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cong-uoc-ha-noi-chien-thang-cua-chu-nghia-da-phuong--i754462/