Công ước Hà Nội: Dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm trên không gian mạng
Tuần qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội, Việt Nam trong năm 2025 và có tên gọi là 'Công ước Hà Nội'. Với tư cách là văn kiện đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc sau 20 năm, Công ước trên là một chiến thắng hết sức ý nghĩa của chủ nghĩa đa phương, tạo dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa từ tội phạm mạng.
Với sự phát triển nhanh chóng của internet và các công nghệ số, tội phạm mạng đã trở thành một vấn đề đau đầu toàn cầu. Những hoạt động như lừa đảo trên không gian mạng, tấn công mã độc, đánh cắp dữ liệu và tình báo mạng đã vượt qua biên giới quốc gia, tạo ra những mối nguy to lớn cho an ninh toàn cầu. Theo thống kê của Liên hợp quốc, số lượng tấn công mạng đã tăng gấp nhiều lần trong thập kỷ qua, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành như ngân hàng, y tế và năng lượng. Liên hợp quốc nhận thấy rõ sự cần thiết phải thiết lập một khuôn khổ hợp tác quốc tế để đối phó với những thách thức này. Công ước Hà Nội được khởi xướng như một sáng kiến để đảm bảo một cơ chế phòng ngừa và đấu tranh hữu hiệu.
Công ước là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng phức tạp và nguy hiểm của tội phạm mạng. Công ước nhằm thiết lập một khung pháp lý quốc tế toàn diện để điều chỉnh và hợp nhất nỗ lực chống tội phạm mạng trên toàn cầu, đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia trong việc đối phó với các nguy cơ an ninh từ công nghệ thông tin. Việc thông qua Công ước bằng đồng thuận củng cố niềm tin vào vai trò của Liên hợp quốc và cách tiếp cận đa phương cũng như thể hiện thiện chí và mong muốn thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các quốc gia đối với các vấn đề quốc tế. Sự ra đời của Công ước có thể trở thành hình mẫu cho các khuôn khổ quốc tế trong tương lai về công nghệ số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI).
Công ước gồm 9 chương và 71 điều, xây dựng khuôn khổ quốc tế để xác định và phân loại các hành vi tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo tài chính, đánh cắp danh tính, tấn công hệ thống mạng và tấn công thương mại trái phép. Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên xây dựng hoặc sửa đổi các quy định pháp luật trong nước để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp đảm bảo các hành vi phạm tội không bị bỏ sót do sự khác biệt trong hệ thống pháp luật giữa các quốc gia. Công ước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế trong điều tra và xử lý các vụ việc tội phạm mạng, bao gồm chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và hợp tác tòa án. Công ước đảm bảo rằng, mọi biện pháp chống tội phạm mạng phải được thực hiện mà không ảnh hưởng đến quyền cơ bản, nhất là quyền bí mật thông tin và tự do biểu đạt. Công ước khuyến khích việc chia sẻ các nguồn lực và kinh nghiệm giữa các quốc gia để cải thiện khả năng đối phó với tội phạm mạng, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển. Các chương trình đào tạo kỹ thuật và cung cấp công cụ an ninh mạng đã giúp nhiều quốc gia nâng cao năng lực bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng. Bên cạnh đó, Công ước khuyến khích việc tham gia của các bên liên quan, bao gồm chính phủ, tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách chống tội phạm mạng. Sự hợp tác đa phương này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực, mà còn tạo điều kiện để chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ hiệu quả.
Ngay khi Công ước được thông qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã hoan nghênh kết quả này, nhấn mạnh đây là văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc đầu tiên được đàm phán trong hơn 20 năm qua. Ông António Guterres đánh giá Công ước là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương đang đi đúng hướng ở những thời điểm khó khăn và phản ánh ý chí chung của các thành viên Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và đương đầu với tội phạm mạng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc bày tỏ tin tưởng rằng khi có hiệu lực, Công ước mới sẽ giúp đảm bảo một không gian mạng an toàn, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia Công ước.
Đánh giá về việc Việt Nam đã được Liên hợp quốc chọn làm điểm đăng cai lễ ký Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam quan tâm và ủng hộ khởi động đàm phán Công ước và kiên trì quan điểm thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý quốc tế về không gian mạng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Xuyên suốt 8 kỳ họp của Ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn tham gia tích cực, chủ động và có những đóng góp thực chất cho nội dung Công ước. Có thể nói, với tinh thần thiện chí, xây dựng, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ quan điểm, Việt Nam được Liên hợp quốc và các quốc gia đối tác tin tưởng, đánh giá cao trong toàn bộ tiến trình. Vì vậy, khi đề xuất trở thành nước chủ nhà đăng cai Lễ ký Công ước lịch sử này trong năm 2025, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ tích cực, rộng rãi từ bạn bè quốc tế. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Công an, cơ quan chủ trì Lễ ký Công ước tích cực làm việc với Liên hợp quốc để tổ chức sự kiện quan trọng này. Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai Lễ ký một công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung.
Sự kiện Việt Nam đăng cai Lễ ký Công ước khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cho thấy lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó, tội phạm luôn là mối đe dọa đối với an ninh, kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn khẳng định, với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức Lễ ký Công ước, từ nay, địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ XXI. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện Công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Công ước Hà Nội một lần nữa thể hiện cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh. Đây không chỉ là công cụ pháp lý quan trọng, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu trước những thách thức mới của thời đại số. Việc các quốc gia cùng nhau tham gia và thực hiện Công ước sẽ góp phần bảo vệ lợi ích chung, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.