Công ước ngăn chặn hiểm họa đối với nhân loại

Bảo đảm an toàn sinh học không chỉ là ưu tiên hàng đầu trong quốc phòng của mỗi quốc gia. Ngăn chặn vũ khí sinh học-kẻ thù vô hình-luôn là vấn đề cấp bách.

Vì sự nguy hiểm của vũ khí sinh học (VKSH), Công ước về Tiêu hủy và cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học, hay còn gọi là Công ước về Vũ khí Sinh học (BWC) càng khẳng định tầm quan trọng đối với hòa bình thế giới. Mới đây, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày BWC có hiệu lực (26-3-1975 / 26-3-2020), Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố BWC cần được củng cố về mặt pháp lý cũng như thực thi. Cơ quan này nhấn mạnh, chỉ có các quyết định của các nước tham gia công ước mới hạn chế được hiểm họa VKSH.

Trên thực tế, VKSH đã xuất hiện nhiều lần trong lịch sử. Năm 1346, trong trận vây hãm Caffa (Feodosia, bán đảo Crimea ngày nay), quân Mông Cổ đã ném thi thể người chết vì bệnh dịch hạch vào thành phố. Thủ đoạn này đã thành công khi phe phòng thủ người Italy phải rút chạy về nước, nhưng việc này được cho là một trong những lý do khiến dịch hạch bùng phát ở châu Âu. Vài năm sau đó, căn bệnh mệnh danh “Cái chết đen” này đã khiến hàng chục triệu người tử vong trên toàn thế giới.

 Một nhà khoa học bên trong phòng thí nghiệm vi sinh vật học. Ảnh: fas.org.

Một nhà khoa học bên trong phòng thí nghiệm vi sinh vật học. Ảnh: fas.org.

Một cách tự nhiên hơn, sau khi tìm ra châu Mỹ, các đoàn quân châu Âu nhanh chóng chinh phục được những nền văn minh tại đây do những bệnh dịch như sởi, đậu mùa hoặc quai bị đột nhiên tàn phá dữ dội cộng đồng người bản xứ. Người phương Tây nhận ra rằng, sự tách biệt về địa lý khiến người bản xứ không có khả năng miễn dịch đối với những căn bệnh thường gặp ở châu Âu. Hóa ra, họ đã tình cờ sử dụng VKSH ngay từ khi đặt chân đến vùng đất mới.

Thế nhưng, phải đến đầu thế kỷ 20 những tiến bộ về vi sinh vật học giúp con người nuôi cấy được các tác nhân gây bệnh cùng phương tiện phát tán chúng mới dẫn tới sự ra đời của các VKSH chuyên biệt. Tới Chiến tranh thế giới lần thứ hai, các cường quốc tham chiến đều sở hữu VKSH với quy mô khác nhau.

Việc phát triển VKSH không cần nguồn lực lớn, hoàn toàn có thể làm được chỉ bằng trang thiết bị dân sự và nhân lực có chuyên môn về y học. Không những thế, tính chất lây lan và tự sinh sôi của vi sinh khiến một lượng nhỏ cũng có thể gây thiệt hại nặng nề nếu gặp điều kiện thích hợp. Vì những ưu điểm đó, VKSH tiếp tục được nhiều nước theo đuổi trong nửa đầu Chiến tranh lạnh. Kể từ năm 1945, 6 nước đã thừa nhận có phát triển VKSH. Nhiều bằng chứng cho thấy, ít nhất một chục nước khác cũng có những nỗ lực tương tự.

Sự nguy hiểm của VKSH nằm ở khả năng lây lan của nó gây thiệt hại cho cả quân đội lẫn dân thường. VKSH có thể làm tê liệt hệ thống y tế, kinh tế, xã hội mà người dân phụ thuộc. Ngoài ra, rất khó phân biệt một đợt tấn công sinh học với một đợt bùng phát dịch bệnh do hầu hết VKSH đều có thể tìm thấy trong tự nhiên. Tuy nhiên, VKSH không phải là lựa chọn tin cậy do luôn có sự chậm trễ kể từ khi mầm bệnh được phát tán đến khi gây thiệt hại. Sự chậm trễ này có thể giúp cho bên bị tấn công thực hiện kịp thời các biện pháp ngăn chặn lây lan, phát triển phương pháp điều trị hoặc đáp trả.

Trên chiến trường, tính hiệu quả của VKSH bị hạn chế bởi nhiều yếu tố môi trường. Chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến việc triển khai thất bại, thậm chí gây thiệt hại cho bên tấn công. Quan trọng hơn cả, tuy dễ phát triển nhưng VKSH lại có nguy cơ rò rỉ cao, gây tác hại ngược lên chính quốc gia sử dụng, hoặc lây lan sang các nước không liên quan.

Với những rủi ro như vậy, năm 1969, Anh và khối Warsaw lần lượt đề xuất lên Liên hợp quốc về việc cấm VKSH. Tháng 11-1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ký quyết định hủy bỏ mọi chương trình phát triển VKSH của nước này, chỉ duy trì các chương trình nghiên cứu về an toàn sinh học và miễn dịch. Động thái này dẫn đến việc ngày 10-4-1972, 3 nước Anh, Mỹ và Liên Xô cùng khởi động ký BWC. Công ước có hiệu lực ngày 26-3-1975, sau khi có 22 nước tham gia.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 183 nước gia nhập BWC. Khoảng 5 năm một lần, một hội nghị đánh giá được tổ chức để các bên bổ sung, sửa đổi các quy định trong công ước cho phù hợp với tình hình. Năm 2021 tới đây, hội nghị lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ).

Kể từ khi có hiệu lực đến nay, bất kỳ dấu hiệu sản xuất hoặc tích trữ VKSH nào đều bị cộng đồng quốc tế phản đối dữ dội. BWC là cơ sở pháp lý hối thúc các bên tham gia phát triển công nghệ sinh học vì mục đích hòa bình. Tuy nhiên, BWC đang gặp chỉ trích rằng vẫn thiếu sát sao trong việc thanh tra và trừng phạt các dấu hiệu vi phạm. Hiểm họa VKSH vẫn luôn hiện hữu, đến từ các nhóm phiến quân hoặc khủng bố.

BWC là hiệp ước quốc tế đầu tiên cấm hoàn toàn một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, là ví dụ tiêu biểu về sự đồng lòng trong giải giáp vũ trang. Cho đến nay, dù khoa học đã phát triển hơn, vẫn chưa có thực thể nào phát triển được loại VKSH vượt quá khả năng phòng ngừa của con người. Nếu công ước này được thực thi mạnh mẽ hơn nữa, thế giới sẽ không chỉ được bảo vệ tốt hơn khỏi hiểm họa VKSH, mà còn khỏe mạnh hơn nhờ những tiến bộ về y học.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cong-uoc-ngan-chan-hiem-hoa-doi-voi-nhan-loai-613836