Công việc của những người thầm lặng

Theo Thầy thuốc Ưu tú Đào Mỹ Diễm Kiều, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Phú Yên, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để hình ảnh người điều dưỡng đẹp hơn trong mắt mọi người, mấu chốt là ở cách giao tiếp, ứng xử. Lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ thân thiện, thể hiện sự quan tâm, động viên của điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân yên tâm, tuân thủ điều trị. Khi tạo được thiện cảm ban đầu thì việc chăm sóc, điều trị sẽ tốt hơn, vì bệnh nhân sẽ hợp tác tốt hơn với nhân viên y tế.

Điều dưỡng làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Điều dưỡng làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Chuyện về một bức ảnh ấm áp tình người

Chiều cuối năm 2021, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một “chiến sĩ áo trắng” ôm, động viên bệnh nhân cao tuổi. Ảnh chụp qua camera, không sắc nét, nhưng đó là hình ảnh rất đẹp về tình người, tại một nơi đặc biệt: khu cách ly y tế điều trị COVID-19.

Bệnh nhân trong ảnh sinh năm 1937, ở TP Tuy Hòa, có bệnh nền tăng huyết áp, nhiễm SARS-CoV-2 dẫn đến viêm phổi nặng, được chuyển đến khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Tại đây, bệnh nhân được điều trị, chăm sóc chu đáo, hiện đã ổn định, ra viện. Trong một lần chăm sóc bệnh nhân, thấy bà ấy khóc vì cảm giác cô đơn, điều dưỡng đã ôm và động viên bà. Hình ảnh đó được camera ghi lại.

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, bức ảnh nhận được nhiều bình luận tích cực, bày tỏ sự cảm phục, trân quý những nhân viên y tế tận tâm. Điều đáng nói là nhân viên y tế làm việc tại khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên không muốn chia sẻ gì thêm về bức ảnh này. Họ nói rằng chăm sóc, động viên bệnh nhân là công việc thường ngày của họ.

“Đổ mồ hôi để người bệnh nở nụ cười”

Tại các cơ sở y tế, điều dưỡng là những người chăm sóc bệnh nhân. Việc chăm sóc người bệnh trong bệnh viện bao gồm hỗ trợ, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mỗi người bệnh nhằm duy trì hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt, ăn uống, bài tiết, tư thế, vận động, vệ sinh cá nhân, ngủ, nghỉ; chăm sóc tâm lý; hỗ trợ điều trị và tránh các nguy cơ từ môi trường bệnh viện cho người bệnh. Bên cạnh đó, điều dưỡng còn là người truyền tin, người hướng dẫn, tư vấn nhằm giáo dục sức khỏe cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.

Thầy thuốc Ưu tú Đào Mỹ Diễm Kiều, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Phú Yên, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Trong hệ thống ngành Y tế, điều dưỡng là lực lượng đông đảo nhất. Điều dưỡng là nghề “đổ mồ hôi để người bệnh nở nụ cười”. Công việc thầm lặng của những người điều dưỡng đóng góp không nhỏ vào kết quả điều trị, giúp bệnh nhân sớm ổn định và xuất viện. Do tính chất đặc thù của công việc nên có những hôm trắng đêm điều dưỡng không chợp mắt; những bữa cơm ăn dở, vội vàng, quá bữa, hay vắng mặt trong những buổi đoàn tụ gia đình vào dịp lễ tết… cũng là chuyện bình thường. Đó là chưa kể các yếu tố nguy cơ mà điều dưỡng phải đối mặt. Công việc vất vả, áp lực thường xuyên nên có lúc sinh ra cáu gắt, nhưng yêu cầu đòi hỏi người điều dưỡng phải biết làm chủ cảm xúc của mình để phục vụ bệnh nhân. Đây là một lĩnh vực vô cùng quan trọng mà mỗi người điều dưỡng khi đã chọn nghề này thì cần phải trau dồi, rèn giũa mình; phải biết hy sinh lợi ích riêng của bản thân, của gia đình nhỏ bé để chăm lo cho sức khỏe của người dân.

Điều dưỡng làm việc trong khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên an ủi, động viên bệnh nhân. Ảnh: BVĐKPY

Điều dưỡng làm việc trong khu cách ly y tế điều trị COVID-19, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên an ủi, động viên bệnh nhân. Ảnh: BVĐKPY

Ông Trần Văn Kiên, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Phú Yên, Điều dưỡng Trưởng Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nói rằng điều dưỡng là những người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, từ lúc bệnh nhân vào bệnh viện. Trong quá trình bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, điều dưỡng phối hợp với bác sĩ kiểm tra những thông số, dấu hiệu sinh tồn để các bác sĩ có hướng chẩn đoán chính xác, đồng thời theo dõi sát sao tình hình sức khỏe của người bệnh… Khi bệnh nhân làm thủ tục ra viện, hướng dẫn họ làm thủ tục cũng là điều dưỡng.

Tại Phú Yên, hơn 800 điều dưỡng là hội viên Hội Điều dưỡng tỉnh; hội viên có trình độ cao đẳng, đại học có mặt đều khắp 14 chi hội trực thuộc. Thời gian qua, lực lượng điều dưỡng đã góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành Y tế Phú Yên nói chung, ngành Điều dưỡng nói riêng.

Để người bệnh tin yêu

Theo Thầy thuốc Ưu tú - bác sĩ Huỳnh Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội Y học Phú Yên, nhìn nhận của xã hội về nghề này, công việc này đã có cải thiện, tuy nhiên trong chừng mực nào đó, chính sách, chế độ đãi ngộ không được như những ngành nghề khác. Trong khi điều dưỡng hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều nguy cơ và khả năng bị lây bệnh truyền nhiễm là rất cao, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cụ thể như COVID-19.

Ông Trần Văn Kiên nói: Trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc, hướng dẫn cho bệnh nhân, điều quan trọng là làm thế nào để bệnh nhân tin tưởng. Điều đó tùy thuộc vào cách giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân.

Năm 2014, Bộ Y tế đã có Thông tư 07 quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Các cơ sở khám chữa bệnh cũng đã có nhiều giải pháp nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hàng năm, các đơn vị đều khảo sát sự hài lòng của người bệnh nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị của đơn vị mình, bao gồm cả việc đánh giá về thái độ ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân.

Theo bà Đào Mỹ Diễm Kiều, để hình ảnh người điều dưỡng ngày một đẹp hơn trong mắt mọi người, mấu chốt quan trọng là ở cách giao tiếp, ứng xử với người bệnh. “Một lời nói nhẹ nhàng, một ánh mắt dịu dàng, một cử chỉ thân thiện thể hiện sự quan tâm đến người bệnh; những lời động viên nhẹ nhàng, đúng lúc của điều dưỡng sẽ giúp bệnh nhân yên tâm hơn và tuân thủ điều trị tốt hơn. Tạo thiện cảm ban đầu, gây ấn tượng tin tưởng ngay từ lúc người bệnh vào bệnh viện là vô cùng quan trọng; điều này thể hiện rõ ở sự giao tiếp, ứng xử của người điều dưỡng và là điều vô cùng quan trọng mà các bệnh viện đang hướng đến. Khi tạo được thiện cảm ban đầu thì việc chăm sóc, điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn, kết quả sẽ tốt hơn, bệnh nhân sẽ hợp tác tốt hơn với nhân viên y tế. Và điều này sẽ tạo nên hình ảnh đẹp của điều dưỡng trong mắt bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, trong cái nhìn của xã hội”, bà Diễm Kiều cho biết.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/417/269641/cong-viec-cua-nhung-nguoi-tham-lang.html