Công việc thầm lặng
Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, hàng chục năm gắn bó với nghề, các bác sĩ thường xuyên đối mặt với các cas phẫu thuật phức tạp để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Họ phải vượt qua rất nhiều sức ép và niềm vui lớn nhất đối với người bác sĩ là bệnh nhân khỏe mạnh.
Một cas phẫu thuật tim tại Bệnh viện Tim mạch An Giang
BS.CKII Hồ Thái Phong, Trưởng khoa Sanh - Cấp cứu (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang)
Với khẩu hiệu “Chúng tôi cùng bạn, vượt cạn an toàn”, BS Phong cùng tập thể đã khám và điều trị các trường hợp cấp cứu sản phụ khoa, tiếp nhận các trường hợp bệnh nặng về sản phụ khoa do các bệnh viện tuyến dưới chuyển đến. Theo dõi chuyển dạ và sanh an toàn các trường hợp sanh thường, sanh khó, phẫu thuật lấy thai. Tiếp nhận các chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên và chuyển giao, đào tạo cho nhân viên y tế tuyến dưới theo đề án 1816; tham gia các hoạt động tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho cộng đồng, áp dụng nhiều kỹ thuật dịch vụ mới và nâng cao tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế đem lại sự hài lòng cho sản phụ. Cùng với ban giám đốc, BS Phong tổ chức thực hiện các dịch vụ chăm sóc thiết yếu sơ sinh, tổ chức khu sanh dịch vụ, phòng sanh gia đình... mang lại sự hài lòng cho sản phụ.
BS.CKII Hồ Thái Phong
BS Phong chia sẻ: "Là bệnh viện chuyên khoa, tuyến chuyên môn cao nhất về lĩnh vực sản phụ khoa và nhi khoa của tỉnh nên thường xuyên tiếp nhận, mổ cấp cứu những cas nặng từ các huyện chuyển về. Bình quân phẫu thuật 5 cas/ngày. Bên cạnh đó, bản thân còn thường xuyên hỗ trợ cấp cứu những cas bệnh nặng hay đối mặt với những trường hợp tai biến sản khoa không cứu được...". 19 năm gắn bó nghề, BS Phong hạnh phúc nhất là sau mỗi lần phẫu thuật, nhìn "thiên thần nhí" chào đời khỏe mạnh".
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi An Giang chia sẻ: “BS Phong là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, lối sống giản dị, hòa đồng với mọi người; tận tâm với nghề và nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt nhiều kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, cứu chữa cho các bệnh nhân nặng, bệnh hiểm nghèo; xứng đáng là người thầy thuốc mẫu mực của bệnh viện”.
BS.CKI Lê Đức Hạnh, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức (Bệnh viện Tim mạch An Giang)
Năm 2017, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), BS Lê Đức Hạnh cùng ê-kíp Bệnh viện Tim mạch An Giang thực hiện thành công cas phẫu thuật tim bẩm sinh đầu tiên vá lỗ thông liên nhĩ và 1 trường hợp bệnh van tim (thay van 2 lá cơ học). ThS.BS Bùi Hữu Minh Trí, Giám đốc Bệnh viện Tim mạch An Giang chia sẻ. Sau khi triển khai thành công kỹ thuật can thiệp tim mạch qua da từ tháng 7-2013, phẫu thuật tim hở lần đầu tiên được triển khai tại An Giang và là tiến bộ quan trọng trong phát triển chuyên môn của Bệnh viện Tim mạch An Giang và ngành y tế tỉnh nhà". Từ đó đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật tim hơn 50 cas với các bệnh lý van tim, hẹp hở van 2 lá, hẹp hở van tim động mạch chủ, bệnh lý tim bẩm sinh, thông liên nhĩ, thông liên thất...
BS.CKI Lê Đức Hạnh
Theo BS Hạnh, hiện tại, bệnh viện thực hiện khám, điều trị bệnh nội, ngoại khoa về tim mạch, gây mê phẫu thuật bệnh lý ngoại khoa tim mạch; thực hiện kỹ thuật chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể, phẫu thuật bệnh lý ngoại khoa tim mạch, phẫu thuật bệnh lý tim bẩm sinh người lớn, bệnh lý van tim, bệnh lý mạch vành, bệnh lý động mạch chủ... Phẫu thuật tim là phẫu thuật siêu phẫu, vì thế bên cạnh chuyên môn và kỹ thuật cao còn đòi hỏi phải làm việc với rất nhiều áp lực. Hầu hết các trường hợp bệnh nặng là người nghèo, nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân "bỏ cuộc", bác sĩ phải động viên và tìm nguồn tài trợ kinh phí để phẫu thuật giành lại sự sống cho bệnh nhân. Điển hình như mới đây, một bệnh nhân nữ 37 tuổi bị hẹp nặng van động mạch chủ, hẹp van 2 lá... được chỉ định thay van động mạch chủ, sửa và thay van 2 lá nhưng gia đình khó khăn, không đủ tiền phẫu thuật, BS Hạnh phải thuyết phục, đứng ra bảo lãnh rồi tìm nguồn tài trợ để phẫu thuật, giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cong-viec-tham-lang-a265902.html