Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được giới thiệu để phát hành tem

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông tại tỉnh Đắk Nông có diện tích 4.760km với hàng chục điểm di sản địa chất, địa mạo, gần 50 hang động tổng chiều dài hơn 10.000m,...

Núi lửa Băng Mo, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. (Nguồn: TTXVN)

Núi lửa Băng Mo, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, giới thiệu Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông) để xem xét phát hành tem bưu chính vào năm 2023 nhằm quảng bá, tuyên truyền tầm quan trọng của thiên nhiên với đề tài về ngành tài nguyên và môi trường.

Công viên Địa chất Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thành phố của tỉnh, bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thành phố Gia Nghĩa.

Theo đánh giá của các nhà khoa học trong và ngoài nước, toàn bộ Công viên địa chất Đắk Nông hiện có hàng chục điểm di sản, địa mạo, bao gồm hệ thống các miệng núi lửa, hệ thống hang động núi lửa và các thác nước.

Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất Đông Nam Á với 50 hang động, tổng chiều dài hơn 10.000m. Công viên địa chất Đắk Nông còn có nhiều nét độc đáo về văn hóa của các dân tộc thiểu số bản địa như M’Nông, Mạ, Êđê...

Đến đây, du khách có thể đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; không gian sinh hoạt văn hóa của người M’Nông, dân tộc bản địa đông và cư trú lâu đời nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; tham quan và chiêm ngưỡng đàn đá Đắk Kar, Đắk Sơn... cùng nhiều lễ hội văn hóa, ẩm thực của các dân tộc thiểu số bản địa.

Thác Liêng Nung, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)

Thác Liêng Nung, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: TTXVN phát)

Công viên địa chất Đắk Nông là thành viên của hệ thống công viên địa chất toàn cầu đồng thời là công viên địa chất thứ ba được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu này. Đây cũng là một trong sự kiện tiêu biểu, nổi bật ngành tài nguyên và môi trường năm 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã giới thiệu nhân vật, đề tài, chủ đề tham gia phát hành tem bưu chính kỷ niệm đối với năm 2021. Đó là Giáo sư Nguyễn Xiển (1907-1997): Người đầu tiên đặt nền móng phát triển ngành khí tượng thủy văn cách mạng Việt Nam; Trạm Phù Liễn được Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công nhận là “Trạm khí tượng trên 100 năm tuổi”; Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng; Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; Quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An; Vườn di sản Bái Tử Long.

Một số địa danh khác cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu tham gia phát hành tem bưu chính như: Các khu Ramsar của Việt Nam đã được thế giới công nhận như Vườn quốc gia Xuân Thủy; Vườn quốc gia Cát Tiên; Hồ Ba Bể; Vườn quốc gia Tràm Chim; Vườn quốc gia Mũi Cà Mau; Vườn quốc gia Côn Đảo; Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; Vườn quốc gia U Minh Thượng../.

Hùng Võ (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cong-vien-dia-chat-toan-cau-dak-nong-duoc-gioi-thieu-de-phat-hanh-tem/705728.vnp