Công viên địa chất toàn cầu nhìn từ Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức đón nhận Bằng chứng nhận Công viên địa chất toàn cầu do tổ chức UNESCO trao. Đây là công viên địa chất toàn cầu thứ 3 ở Việt Nam sau Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang và Non nước Cao Bằng.

Theo kế hoạch thì tháng 7.2020 vừa rồi, đoàn chuyên gia của UNESCO sẽ có chuyến khảo sát thực địa toàn bộ không gian Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã không cho phép số chuyên gia này có mặt tại Quảng Ngãi như dự định.

Tôi có dịp đặt chân đến hầu hết các địa điểm được xác định là không gian của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông gồm những hang động, miệng núi lửa lẫn những sản phẩm văn hóa phi vật thể của người dân bản địa như cồng chiêng và cả các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia thì thấy rằng, cả chính quyền và người dân rất ý thức đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa mà thiên nhiên đã tặng cho họ.

Lấy ví dụ như có một doanh nghiệp dù đã được cấp phép khai thác mỏ đá để phục vụ cho việc xây dựng ở vùng Krông Nô- nơi có hệ thống hang động khổng lồ nằm trong không gian của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là lập tức chính quyền địa phương yêu cầu dừng ngay, chấp nhận đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp vì đã lỡ cấp phép cho họ. Hoặc như ngành văn hóa đã đầu tư rất mạnh cho việc phục dựng các lễ hội của đồng bào thiểu số. Họ làm rất bài bản và khoa học chứ hoàn toàn không mang tính phong trào.

Ngay tại tổng hành dinh thành phố Gia Nghĩa, tỉnh này cũng hình thành hẳn một gian trưng bày về hình ảnh, hiện vật một cách khoa học để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về toàn bộ không gian của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông cho du khách trong nước và quốc tế. Họ cử hẳn một cô nhân viên rất duyên dáng du học từ Singapore về để thuyết minh bằng tiếng Anh rất bài bản và khoa học cho khách quốc tế. Những ai không có thời gian lưu lại Đắk Nông cũng có thể hình dung được phần nào về các địa chỉ rất hấp dẫn ở Đắk Nông và hiểu vì sao UNESCO lại công nhận đây là Công viên địa chất toàn cầu.

Các tỉnh có Công viên địa chất toàn cầu không phải là để “giải quyết khâu oai” với bè bạn, mà đây là cơ sở để họ hình thành các điểm nhấn về du lịch - ngành công nghiệp không khói này mang lại nguồn thu rất lớn cho địa phương. Giữ gìn các giá trị văn hóa là để nó mang lại lợi ích về vật chất cho người dân tại chỗ. Điều này khác hoàn toàn với việc “cày ủi” ở Ba Làng An để mở quán ăn nhậu hoặc đào san hô ở xã Bình Hải (Bình Sơn) để về làm hòn non bộ như đã diễn ra trong thời gian qua ở Quảng Ngãi.

Để Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh được UNESCO công nhận, thì có lẽ, Quảng Ngãi cũng cần rút tỉa được những bài học quý từ tỉnh Đắk Nông!

TRẦN ĐĂNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2022/202012/cong-vien-dia-chat-toan-cau-nhin-tu-dak-nong-3033378/