Công viên phần mềm gần 1.000 tỷ đồng của Đà Nẵng được tháo gỡ vướng mắc như thế nào?
Từ kiến nghị của Đà Nẵng, Chính phủ đã có nghị định sửa đổi một số điều trong quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng.
Dự án Khu Công viên phần mềm số 2 được khởi công vào tháng 10/2020, gồm khối tòa nhà văn phòng ICT cao 20 tầng; khối tòa nhà văn phòng, trụ sở ICT1 cao 8 tầng; khối tòa nhà văn phòng; tòa ICT2 cao 8 tầng cùng hệ thống sân bãi, giao thông nội bộ, cảnh quan cây xanh thảm cỏ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ... Sau nhiều lần triển khai thu hút đầu tư, đấu giá không thành công, TP. Đà Nẵng quyết định đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để xây dựng. Vì vậy, dự án Công viên phần mềm số 2 là tài sản công.
Trong khi đó, các quy định của pháp luật về quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng công lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn chưa được Chính phủ ban hành. Đây là vướng mắc chính khiến dự án Công viên phần mềm số 2 được xây xong phần thô mà chưa đưa vào sử dụng.
Từ năm 2022, TP. Đà Nẵng nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án này. Đến ngày 21/3/2023, Thủ tướng Chính phủ cho phép TP. Đà Nẵng bổ sung nội dung này vào Nghị định 144/2016. Bộ Tài chính cũng đã 2 lần lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. TP. Đà Nẵng cũng 3 lần có văn bản giải trình, đề xuất kiến nghị Bộ Tài chính các cơ chế quản lý, vận hành công trình này.
Mới đây, 1/2/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 09 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Đà Nẵng
Theo đó, Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm do UBND TP. Đà Nẵng quản lý. UBND thành phố đầu tư theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật về đầu tư công là tài sản kết cấu hạ tầng thông tin. HĐND TP. Đà Nẵng được xem xét quyết định việc đầu tư nâng cấp, mở rộng, phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thông tin đối với khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm từ ngân sách thành phố.
Nghị định mới của Chính phủ cũng quy định, việc quản lý, khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung đảm bảo đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm công khai, minh bạch, hiệu quả; được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài sản phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Đối tượng được giao Khu công nghệ thông tin tập trung là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND TP. Đà Nẵng.
Việc tổ chức khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung phải được lập thành đề án và được UBND thành phố phê duyệt. Căn cứ đề án được phê duyệt, đơn vị quản lý Khu công nghệ thông tin tập trung tổ chức thực hiện theo quy định.
Việc lựa chọn đối tượng được cung cấp hạ tầng, cung ứng dịch vụ trong Khu công nghệ thông tin tập trung thực hiện theo hình thức đấu giá. Đối tượng được giao đấu giá phải thuộc các đối tượng theo quy định... Đơn vị quản lý Khu công nghệ thông tin tập trung có trách nhiệm giám sát quá trình tổ chức thực hiện đấu giá và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khác của người có tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản...
Về quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác tài sản, nghị định mới của Chính phủ yêu cầu đơn vị quản lý Khu công nghệ thông tin tập trung có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thu được từ khai thác vào ngân sách Nhà nước... HĐND thành phố quy định nội dung chi, mức chi cho đơn vị quản lý Khu công nghệ thông tin tập trung.
Trường hợp không có đối tượng đề xuất nhu cầu khai thác Khu công nghệ thông tin tập trung hoặc việc khai thác không hiệu quả, đơn vị quản lý phải xác định nguyên nhân, đề xuất phương án xử lý, báo cáo cơ quan chuyên môn để báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.