Công viên rừng

Nằm ở đầu bắc dãy Hoàng Liên Sơn, những năm gần đây, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát là điểm du ngoạn lý tưởng của khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Lào Cai.

Từ thành phố Lào Cai theo Tỉnh lộ 156 đi chừng 30 cây số, lên đến dốc chín quai thuộc Bản Xèo là vào giữa thảm rừng già treo trên vách đá. Trong nắng sớm đầu xuân, những giọt sương đọng trên chồi non long lanh như vô vàn viên ngọc bích. Hơn 52.000 ha rừng Bát Xát là nơi quần cư của hơn 200 loài thực vật, nhưng nhiều nhất vẫn là cây thân gỗ. Hiện diện khắp rừng là các họ nhà dẻ, re, dổi, kháo. Người Bát Xát thích dùng kháo lông đỏ ngọn, dù bị sâu đục thân lỗ chỗ nhưng chôn xuống đất vài trăm năm vẫn trơ như đá. Có những loài gỗ nằm trong sách đỏ được bảo vệ nghiêm ngặt như sến, đinh, táu mật, thông tre, thông nàng và cả quần thể thiết sam chừng 100 cây, đường kính gần 1 mét trở lên, là loài thông chỉ có ở Lào Cai. Lạ lùng thay, những loài cây quý hiếm này chỉ sống ở núi đá trên lưng chừng trời lạnh giá.

Vào rừng Bát Xát là du khách vào vườn hoa “trời trồng” với hàng nghìn loài đua nở quanh năm. Thay mặt rừng đón xuân là đào phai hồng tươi và đào rừng thắm đỏ. Đâu chỉ có làm nhà, đóng đồ gia dụng, cây re gừng, dổi tía, lát xoan… hoa nhỏ xíu nhưng lại là kho mật dồi dào của vô vàn đàn ong. Đứng trên núi cao lộng gió, vào mùa hoa nở, đỗ quyên khoe vẻ đẹp đủ màu giữa trời mây. Hoàng trà, bạch trà, hồng trà cứ vào đông giá buốt mới nở hoa, khoe màu giữa tuyết trắng. Dù chỉ sống nhờ trên cây gỗ hoặc kiên gan bám vào kẽ đá, các loài phong lan vẫn là loài hoa quý phái. Giữa tiết tiểu hàn giá buốt, lan chi kê khoe màu trắng tinh khiết rồi chuyển dần sang màu tím huế lên mép cánh hoa. Tiếp đến là địa lan màu vàng chanh thanh nhã đón tết Nguyên đán. Thay nhau nở suốt mùa xuân là hoàng lan cánh nhạn, hài gấm, giáng hương, bạch hỏa hoàng… cuốn hút khách bằng màu sắc rực rỡ, thứ tỏa mùi hương dìu dịu giúp du khách thảnh thơi xua tan mệt mỏi. Giữa tiết hạ chí, kiều lan vàng xòe nhụy như pháo hoa, kết thúc mùa loài hoa phong lan nở.

Du khách trải nghiệm nhảy dù trên vùng cao Bát Xát. Ảnh: Gia Chiến

Du khách trải nghiệm nhảy dù trên vùng cao Bát Xát. Ảnh: Gia Chiến

Khách đến với rừng Bát Xát còn là đến thăm công viên chim khổng lồ với hơn 300 loài. Từ sáng sớm, du khách đã được nghe bản hợp xướng rừng bởi tiếng của vô vàn loài chim. Đi qua vùng thấp, nơi nào du khách cũng thấy cò bay trắng cánh đồng bắt sâu bọ, lúc lúc lại ào lên không trung trình diễn vũ điệu trắng trời. Khi ánh hoàng hôn vàng rực rải xuống cánh đồng là tiếng chuông không âm thanh báo giờ cò về những cánh rừng trồng.

Đi dưới tán rừng, du khách sẽ được nghe tiếng hót của khiếu, họa mi, sáo đen, chào mào. Các loài chim gõ kiến mỏ vàng, giẻ cùi, trèo cây… thường sống ở núi cao 1.500 mét trở lên cũng chọn rừng Bát Xát làm nơi định cư. Nhiều loài chim quý hiếm như công, phượng hoàng đất, gà lôi, vẹt xanh… tưởng chừng bay đi mất, nhưng từ ngày rừng được hồi sinh, lại tìm về rừng Bát Xát làm tổ. Phần vì khí hậu phù hợp, lại là nơi thức ăn dồi dào nên mùa đông đến, nhiều loài chim từ phương Bắc bay về rừng Bát Xát tạm trú.

Trước đây, rừng Bát Xát là “chuồng thú rừng” không có hàng rào, chẳng có cửa đóng, then cài. Do nạn săn bắt bừa bãi, nạn tự do phá rừng làm nương nên “chuồng thú rừng” bị thu hẹp, thú lớn, thú nhỏ bỏ rừng Bát Xát tìm nơi khác để sinh tồn. Từ ngày nhiều tán rừng được hồi sinh, thú rừng dần dần hồi cư. Không riêng gì trên rẻo cao, những đêm xuân, du khách nghỉ đêm ở mấy bản vùng thấp vẫn được nghe tiếng hoẵng kêu toang toác gọi bạn tình...

Rừng tự nhiên quanh năm xanh tươi trở thành kho trữ nước khổng lồ. Nước mưa thấm vào lòng đất rồi nhả dần thành những mạch nhỏ rỏ tí tách. Nước kết lại thành khe, thành suối nhỏ, suối to để Bát Xát có tới 8 dòng suối lớn hòa mình vào sông Hồng. Qua thành phố Lào Cai, du khách được bước chân trên cầu vòm bê tông soi bóng xuống dòng Ngòi San, con suối đầu tiên của Bát Xát. Trên đầu bắc là suối Lũng Pô, nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào nước ta và làm đường biên giới Việt - Trung. Con suối lớn nhất vẫn là Ngòi Phát vì nơi cấp nước cho nó rộng gần 400 km2. Mỗi năm các dòng suối Bát Xát đang tạo nên hàng trăm mê ga oát điện. Các nhà máy thủy điện là sự hiện diện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm nên những mùa xuân của thời đại mới trên núi rừng Bát Xát.

Từ độ cao trung bình 2.600 m của dãy bắc Hoàng Liên Sơn, những dòng suối vẽ ra vô vàn con thác, hòa thành bản nhạc nước suốt ngày đêm, vẫy mời du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng. Đẹp nhất vẫn là thác Pờ Hồ Thượng trên địa bàn xã Trung Lèng Hồ, dội từ trên cao gần năm chục mét rồi dàn thành một mảng nước xanh phẳng lặng. Muốn tẩy sạch mệt mỏi đường trường, xin mời du khách hãy ngâm mình dưới làn nước mát dịu trong vắt ấy. Đây là liều thuốc quý mà thiên nhiên ban tặng.

Rừng dày, núi cao đã tạo nên khí trời “hè mát hơn thu”. Nếu là ngày hè, dừng chân trên đỉnh dốc Cổng Trời, những làn gió rừng nhè nhẹ quạt ra dịu mát. Khắp sườn núi phía Bắc dãy Hoàng Liên này, quanh năm nằm ngủ đêm cũng như ngày đều phải đắp chăn giữ ấm. Để quên đi cái nắng vã mồ hôi ở miền xuôi, xin mời du khách lên bản Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, nơi có độ cao hơn 2.100 m so với mặt biển. Về mùa hè, lúc nào Ngải Thầu Thượng cũng mát dịu dàng hơn cả thị xã Sa Pa. Mùa đông đến, thỉnh thoảng vùng cao Bát Xát có nước đóng băng, tuyết rơi trắng rừng. Băng tuyết có khi chỉ ghé thăm thoáng qua vài ba ngày nhưng có năm kéo dài hơn nửa tháng, tạo nên cảnh sắc độc đáo cho vùng đất này. Cảnh sắc này đã được nhiều du khách và nhiếp ảnh gia ghi lại với những bức ảnh, thước phim đẹp huyền ảo…

Sau khi thỏa thích du lịch núi rừng Bát Xát, du khách có thể ghé vào các chợ Mường Hum, Y Tý, Trịnh Tường mua nấm hương, mộc nhĩ, măng khô… Đây là những thực phẩm không thể thiếu trên mâm cỗ ngày tết Nguyên đán, người thân và bạn bè ở nhà sẽ được thưởng thức hương vị của công viên rừng Bát Xát qua những món ăn dân dã.

Xuân Quý Mão – 2023

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363950-cong-vien-rung