Công viên trước Hội trường Thống Nhất chính thức mang tên Công viên 30 tháng 4

Công viên 30 tháng 4 không chỉ là một địa danh, mà còn là biểu tượng của hòa bình, đoàn kết và khát vọng vươn lên của nhân dân TPHCM cũng như cả nước.

19-1, UBND TPHCM tổ chức lễ công bố việc đặt tên Công viên 30 tháng 4.

Dự lễ công bố có các đồng chí: Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng bày tỏ, cách nay gần nửa thế kỷ, nơi đây đã chứng kiến đoàn xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền. Gần 50 năm qua, tên gọi Công viên 30 tháng 4 đã đi vào ký ức người dân thành phố, thân quen và hiển nhiên. Tuy nhiên, đến khi rà soát lại tên đường, công viên, quảng trường, TPHCM nhận thấy cần chính thức trình HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết và công bố đặt tên Công viên 30 tháng 4.

 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi lễ

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại buổi lễ

“Công viên 30 tháng 4 không chỉ là một địa danh, mà còn là biểu tượng của hòa bình, đoàn kết và khát vọng vươn lên của nhân dân TPHCM cũng như cả nước. Cái tên “30 tháng 4” gợi nhớ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải và là niềm tự hào không chỉ của thế hệ hôm nay mà còn của bao thế hệ cha ông đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do”, đồng chí nhấn mạnh.

Khẳng định việc đặt tên Công viên 30 tháng 4 ngay tại vị trí lịch sử này mang ý nghĩa sâu sắc, theo đồng chí, vì nơi đây không chỉ là nơi để người dân thư giãn, tận hưởng bầu không khí trong lành, mà còn là không gian để các thế hệ trẻ nhìn lại quá khứ, trân trọng giá trị hòa bình và cùng hướng tới tương lai phát triển bền vững.

 Các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại buổi lễ

Các tiết mục văn nghệ biểu diễn tại buổi lễ

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng mong muốn chính quyền và nhân dân quận 1 tiếp tục xây dựng và phát triển Công viên 30 tháng 4 trở thành một không gian xanh kiểu mẫu giữa lòng đô thị nhộn nhịp; một công viên lịch sử - văn hóa với các công trình nghệ thuật công cộng hoặc triển lãm nhằm tái hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc, giúp mỗi người dân và du khách khi đến đây đều cảm nhận được niềm tự hào về lịch sử oai hùng của đất nước.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng kêu gọi người dân hãy tiếp tục phát huy ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ cây xanh và cùng tham gia các hoạt động xây dựng công viên trở thành một điểm đến văn minh, thân thiện.

“Công viên 30 tháng 4 không chỉ là một phần của quận 1 mà còn là tài sản quý giá của toàn thành phố. Tôi tin rằng nơi đây sẽ ngày càng phát triển, trở thành niềm tự hào của TPHCM, là điểm đến ý nghĩa cho người dân, du khách trong và ngoài nước”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM kỳ vọng.

 Các đại biểu cắt băng khánh thành đặt tên Công viên 30 tháng 4, phía trước Hội trường Thống Nhất

Các đại biểu cắt băng khánh thành đặt tên Công viên 30 tháng 4, phía trước Hội trường Thống Nhất

Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2024, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND đã thống nhất thông qua đề xuất của UBND TPHCM đặt tên cho công viên trước Hội trường Thống Nhất là Công viên 30 tháng 4.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận 1 Mai Thị Hồng Hoa, Công viên 30 tháng 4 là công viên trước Hội trường Thống Nhất - một địa chỉ đặc biệt gắn liền với sự kiện ngày 30-4-1975.

Trước năm 1975, nơi đây là khoảng không gian gắn liền với cảnh quan khuôn viên Dinh Tổng thống của chế độ cũ (lúc đầu từng được gọi là Dinh Norodom, sau được gọi là Dinh Độc lập). Nơi đây đã hình thành các con đường đi qua như đường Công lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch), Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes, chia cắt và tạo thành khoảng trống vuông vức rộng khoảng 3,5ha và không có tên chính thức; ở giữa có một đại lộ Norodom, nên có khi gọi khoảng trống hai bên đường là “Quảng trường Norodom”. Nơi đây, chiều ngày 2-9-1945, hàng vạn người dân Sài Gòn đã dự mít tinh chào mừng thành phố và đất nước độc lập, chào mừng sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau đó là 30 năm kháng chiến trường kỳ. Đến ngày 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn. Như vậy, tính từ ngày 2-9-1945 đến ngày 30-4-1975, không gian công viên trước Hội trường Thống Nhất đã hai lần chứng kiến sự kiện trọng đại của thành phố và của đất nước. Từ đó, nơi đây cũng trở thành điểm trung tâm của nhiều sinh hoạt chính trị lớn, trọng đại của thành phố và đất nước. Tròn nửa thế kỷ sau giải phóng, công viên ở trung tâm thành phố đã lần đầu tiên chính thức mang tên Công viên 30 tháng 4.

THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-vien-truoc-hoi-truong-thong-nhat-chinh-thuc-mang-ten-cong-vien-30-thang-4-post778488.html