Công Vinh có xứng đáng là 'huyền thoại bóng đá Đông Nam Á'?
Ngày 7-12-2016, trận bán kết lượt về AFF Cup trên sân Mỹ Đình (bị Indonesia gỡ hòa 2-2 ở phút 97 trên chấm 11m do thủ môn Nguyên Mạnh phạm lỗi nhận thẻ đỏ, Việt Nam dừng bước với tổng tỷ số 3-4) là lần cuối cùng Lê Công Vinh khoác áo đội tuyển quốc gia (ĐTQG) Việt Nam.
12 năm với 85 trận đấu, Công Vinh là cầu thủ có số lần khoác áo ĐTQG Việt Nam nhiều nhất và ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử cho ĐTQG (51 bàn). Cùng với thành tích vào tứ kết Asian Cup 2007, anh tham dự 7 kỳ AFF Cup liên tiếp, trong đó là tác giả bàn thắng quyết định mang về danh hiệu vô địch đầu tiên cho bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2008 và là chân sút xuất sắc trong nhóm thứ 2 của giải đấu khu vực này với 15 pha lập công (ngang bằng 2 tiền đạo Thái Lan Teerasil Dangda và Worrawood, chỉ kém Alam Shah của Singapore (17 bàn). Có lẽ đó chính là lý do vừa qua AFC chọn Công Vinh là một trong 5 huyền thoại của bóng đá Đông Nam Á cùng với Kiatisuk (Thái Lan), Bambang (Indonesia), Soh Chin Aun (Malaysia) và thủ môn Etheridge (Philippines).
Xét thuần túy về những con số thống kê chắc hẳn không ai hơn được tiền đạo xứ Nghệ. Trong màu áo 3 CLB: SLNA, Hà Nội T&T và B.Bình Dương, Công Vinh đã có 116 bàn thắng ở V.League, chỉ sau 2 chân sút nhập tịch Hoàng Vũ Samson (189 bàn) và Đỗ Merlo (với 2 pha lập công ở 2 vòng đầu tiên của V.League 2020 đã có 137 bàn thắng). Cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở châu Âu và Nhật Bản (dù chỉ là học việc tại Leixoes SC và được Consadole Sapporo mượn 1 năm) sở hữu đến 3 Quả bóng Vàng (các năm: 2004, 2006 và 2007), chỉ kém kỷ lục 4 lần của đàn anh Lê Huỳnh Đức, nhưng đến nay vẫn là cầu thủ trẻ nhất có được vinh dự này (ở lần đầu tiên vào năm 2004 Công Vinh mới 19 tuổi), đồng thời là người duy nhất nhận danh hiệu kép cả Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất và Quả bóng vàng trong cùng 1 năm.
Nhưng xét về tài năng, trong mắt giới chuyên môn và rất nhiều người hâm mộ nước nhà, Công Vinh không thể sánh với các đàn anh Huỳnh Đức, Hồng Sơn..., hay với chính những cầu thủ cùng lứa như: Minh Phương, Như Thành, Vũ Phong... Tuy nhiên, “thế hệ vàng” đầu tiên của bóng đá Việt Nam lại không có một danh hiệu nào, chỉ là “người về nhì vĩ đại”; còn những nhà vô địch AFF Cup 2008 khác lại kém hẳn về bảng thành tích cá nhân.
Để nói về sự tài hoa, người ta hay so sánh Công Vinh với người đồng đội cùng lứa, cùng quê Phạm Văn Quyến. Vinh “còm” không có những khả năng thiên phú, bẩm sinh như Quyến “béo”, mà chủ yếu là từ sự quyết tâm, nỗ lực tự rèn luyện, hoàn thiện không ngừng. Tiếc rằng sự nghiệp của Văn Quyến kết thúc quá sớm, bởi chính anh.
Nhưng dù thừa nhận hay không thì đây cũng là một vinh dự chung của bóng đá Việt Nam. Gạt ra những yêu ghét, thị phi bên ngoài sân cỏ; được tổ chức cao nhất của bóng đá châu lục vinh danh là “huyền thoại Đông Nam Á” và xét những cống hiến, Lê Công Vinh xứng đáng có một trận cầu tôn vinh, chia tay sân cỏ. Làm điều này cũng là cách VFF ghi nhận qua đó tạo động lực phấn đấu, noi gương cho các thế hệ cầu thủ nối tiếp.