COP26: Cần giải pháp đột phá để phát triển kinh tế biển xanh bền vững

Được xem là một trong những ngành kinh tế biển mũi nhọn, những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế chung. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở nước ta hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu là thực hiện theo phương pháp truyền thống khiến cho công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập.

Nhận thức được những ưu điểm của việc thay đổi theo phương thức nuôi biển công nghiệp là hướng đi cần thiết, gia đình anh Thái Tổ Trấn đã cho xây dựng và vận hành hệ thống lồng cá công nghệ HDPE trên 30ha mặt nước biển để nuôi cá thương phẩm và cá giống. Ngoài ra, để giảm thiểu các vấn đề về rủi ro cũng như ảnh hưởng đến môi trường, anh cũng thiết kế khu quản lý thiết bị công nghệ cao trên mặt biển, trong đó có hệ thống kiểm soát môi trường. Thế nhưng, theo anh Trấn chia sẻ, để đầu tư được hệ thống này, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với các hộ nuôi biển đó là thiếu nguồn vốn.

Anh THÁI TỔ TRẤN, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Dịch vụ XNK Trấn Phú: Chúng tôi đã đầu tư quy mô xuống đó thứ nhất là hệ thống ao, lồng bè… Và song song với đó, chắc chắn là phải vay của ngân hàng.

Sự chuyển đổi áp dụng công nghệ cao trong nuôi biển mang lại hiệu quả cao, có thể chống chịu trước các cơn bão lớn, lại thay thế cho các vật liệu cũ làm bằng tre, gỗ, xốp nên không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 50.000 hộ nuôi biển, nhưng chủ yếu vẫn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ là hộ gia đình; và theo phương pháp thủ công, truyền thống.

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Hiện nay thì cái nuôi biển của chúng ta chủ yếu là nuôi ở cửa sông ven biển cho nên mức độ tập trung cao quy hoạch không chuẩn cho nên tác động đến môi trường và làm suy giảm các nguồn tài nguyên chính vì vậy nên là nuôi biển theo hướng bền vững là giải pháp để thay thế những hình thức đánh bắt hải sản đang có nguy cơ cạn kiệt không bền vững.

Tính đến năm 2021, diện tích nuôi biển của nước ta đạt khoảng 85 nghìn ha, 9 triệu m3 lồng bè và sản lượng khoảng 730 nghìn tấn. Theo Bộ NN & PTNT, đây là một con số khiêm tốn. Dù định hướng tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 7 triệu tấn vào năm 2030, và trở thành quốc gia có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến phát triển bền vững vào năm 2045, nhưng nghề nuôi biển vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế, chính sách về việc giao và cho thuê mặt nước biển. Đây cũng là rào cản lớn cần sớm được tháo gỡ.

PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: Đầu tư bài bản cần có chuyện là chúng ta có được quyền sử dụng vùng biển đó một cách lâu dài đây là một khó khăn còn nhiều vấn đề chính sách khác về chính sách tín dụng cho dân chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư chính sách về bảo hiểm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực và các công nghiệp phụ trợ thì chúng ta cũng cần xây dựng tiếp.

Ngoài thủy sản, ngành công nghiệp điện gió là một ngành kinh tế biển mới, có sức thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Điện gió phát triển không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra lượng lớn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển ngành điện gió, tận dụng nguồn năng lượng từ biển.

Theo Bản đồ Gió Toàn cầu ước tính, hơn 39% diện tích của Việt Nam có tốc độ gió trung bình hàng năm trên 6 m/s ở độ cao 65 m. Điều này tương ứng với tiềm năng tài nguyên gió là 512 GW. Tiềm năng gió ngoài khơi lớn hơn nhiều so với tiềm năng gió trên bờ do địa hình bờ biển dài và gió ngoài khơi thường có tốc độ cao, ổn định hơn.

PGS.TS BÙI THỊ AN, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng: “Chúng ta là nước nhiệt đới gió mùa ở trong vùng này phải nói là gió có tiềm năng gió rất lớn và tốc độ gió cũng rất cao và trong chuyện phát triển năng lượng nó phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ gió chúng ta có trên 3200km bờ biển cho nên đây là một lợi thế phải nói là ít nước nào có được.…”

Ông NGUYỄN TUẤN ANH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:“Việt Nam thì có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng tái tạo đọc biệt là điện gió và điện mặt trời tuy nhiên với thiên nhiên yêu đãi như vậy thì năng lượng tái tạo vẫn đang trong giai đoạn sơ khai và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.....”

Với tiềm năng hiện có, dự tính, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển thị trường điện gió ngoài khơi với quy mô 5-10 GW vào năm 2030, giúp tạo ra tổng giá trị gia tăng hơn 60 tỷ USD cho nền kinh tế. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để có thể trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần hoàn thiện khung thể chế chính sách quốc gia, cần có quy hoạch tổng thể, tháo gỡ những “điểm nghẽn” để tận dụng nguồn năng lượng tái tạo trên biển này.

Bà NGUYỄN THỊ THANH BÌNH, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T: “Hiện nay chúng ta đang thiếu một quy hoạch tổng thể đầy đủ để hỗ trợ đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi như quy hoạch không gian biển, quy hoạch điện gió ngoài khơi cũng như những hướng dẫn chỉ dẫn cần thiết rõ ràng cho các cấp trong quá trình thực thi ví dụ như xin giấy phép khảo sát, đo gió, khu vực địa điểm nào?....”

Phải thừa nhận rằng, thời gian qua, một số ngành kinh tế biển được xác định ưu tiên tạo bước đột phá nhưng phát triển còn chậm, chưa tương xứng với điều kiện tiềm năng. Vậy cần những bước chuyển và giải pháp gì để phát triển kinh tế biển xanh, bền vững? Xin mời quý vị và các bạn cùng nghe ý kiến của một số chuyên gia.

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI, Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Biển vẫn phải quản trị liên ngành và vai trò quản trị của nhà nước rất lớn và thực hiện của người dân và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định bài học rất rõ như vậy. Điểm thứ hai Điểm giữa các địa phương vì quy mô nhỏ thì phải trang bị tốt phân vùng chức năng biển cho mục đích sử dụng của chúng ta.

PGS.TS BÙI THỊ AN, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng: Chính phủ chúng ta luôn cam kết chúng ta không đánh đổi kinh tế lấy môi trường thì tôi nghĩ trong trường hợp đối với Việt Nam khi khai thác theo hướng điện gió là một bước rất có lợi và tôi nghĩ là có tiềm năng và tôi nghĩ sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của Việt Nam quan trọng nhất là vấn đề cơ chế chính sách đặc biệt là việc xây dựng hạ tầng điện trong đó vấn đề truyền tải là vấn đề rất là quan trọng.

PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: Tất cả hoạt động con người đều phải hướng đến việc bảo vệ môi trường của biển, hệ sinh thái của biển và tính đa dạng sinh học của biển. ngành kinh tế biển trong đó có ngành nuôi biển cần phải trước khi phát triển phải đặt ra những quy chế những chuẩn mực cho các thành phần kinh tế tuân thủ để có thể phát triển lâu dài.

Để phát triển kinh tế biển xanh bền vững, một số kịch bản đến năm 2030 đã được phát triển cho từng ngành, lĩnh vực bao gồm kịch bản cơ sở và kịch bản " phát triển bền vững" hay còn gọi là "xanh lam", phù hợp và bám sát khái niệm kinh tế xanh và kinh tế biển xanh. Trong đó, kịch bản xanh lam mang lại lợi ích vượt trội về sự đóng góp GDP, tổng thu nhập quốc dân của các ngành kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người cho các lao động nghề biển. Từ đó kỳ vọng có thể thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia biển mạnh trong tương lai.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cop26-can-giai-phap-dot-pha-de-phat-trien-kinh-te-bien-xanh-ben-vung