COP29 kêu gọi tăng gấp 6 lần lượng dự trữ năng lượng toàn cầu

Chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP29) năm nay sẽ kêu gọi hơn 190 quốc gia ủng hộ mục tiêu của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) nhằm tăng gấp 6 lần khả năng lưu trữ năng lượng toàn cầu vào năm 2030, thông tin mới trên trang The Business Times cập nhật.

COP kêu gọi đến năm 2030 đạt 1.500 gigawatt (GW) công suất lưu trữ năng lượng. Ảnh minh họa: Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông

COP kêu gọi đến năm 2030 đạt 1.500 gigawatt (GW) công suất lưu trữ năng lượng. Ảnh minh họa: Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông

Cụ thể, bản dự thảo đề xuất có tên Cam kết lưu trữ năng lượng xanh toàn cầu dự kiến sẽ được trình bày tại hội nghị thượng đỉnh COP29, diễn ra tại thủ đô Baku (Azerbaijan) vào tháng 11 tới. Trong đó, bản dự thảo sẽ tương tự như thỏa thuận mà G7 đã ký vào tháng 4 vừa qua, đáng chú ý với việc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 1.500 gigawatt (GW) công suất lưu trữ năng lượng, tăng cao từ mức 230 GW ghi nhận vào năm 2022.

Mục tiêu này phù hợp với khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tức cần thiết để đạt được các mục tiêu giảm phát thải được nêu tại COP28 diễn ra vào năm ngoái.

Để đạt được mục tiêu đề xuất, đến năm 2030, trung bình mỗi năm thế giới sẽ cần bổ sung hơn 158 GW công suất lưu trữ năng lượng.

Sẽ cần một lượng lớn pin để cho phép các lưới điện trên toàn thế giới lưu trữ năng lượng mặt trời và gió dư thừa để có thể sử dụng vào những thời điểm mặt trời không chiếu đủ sáng hoặc gió không thổi. Một nguồn lưu trữ năng lượng ngày càng phổ biến khác là thủy điện tích năng, được giải nghĩa là nhà máy thủy điện kiểu bơm tích lũy, sử dụng điện năng của các nhà máy điện phát non, tải trong hệ thống điện vào những giờ thấp điểm, hoặc phụ tải đêm để bơm nước từ bể nước thấp lên bể cao, sau đó giải phóng trở lại để tạo ra điện khi cần.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thủy điện Quốc tế (IHA) và IEA, thế giới có khoảng 179 GW thủy điện tích năng và khoảng 85 GW năng lượng lưu trữ bằng pin ghi nhận vào năm 2023.

IEA thông tin, pin hiện rẻ hơn 90% so với 15 năm trước. Khi kết hợp với tấm pin mặt trời, pin có thể trở thành giải pháp thay thế rẻ hơn cho việc xây dựng các nhà máy điện than ở Ấn Độ.

Theo BloombergNEF, chi phí trung bình của các bộ pin lithium-ion đã giảm mạnh xuống còn 139 USD/kilowatt giờ vào năm 2023, tức giảm sâu từ mức gần 800 USD của 10 năm trước đó.

Dù vậy, các nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng cần phải giảm thêm nữa để ngành công nghiệp năng lượng phát triển. Theo đó, các chuỗi cung ứng do Trung Quốc đứng đầu cần trở nên đa dạng hơn. Ngoài ra, đề xuất của Azerbaijan khuyến khích các thành viên COP29 khám phá các loại pin mới có thể rẻ hơn để sản xuất và chuẩn hóa các mô hình tái chế, từ đó giúp tái sử dụng pin hết hạn dễ dàng hơn trong tương lai.

Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/cop29-keu-goi-tang-gap-6-lan-luong-du-tru-nang-luong-toan-cau-146004.html