Cột cờ Lũng Cú về niềm tự hào thiêng liêng nơi cực Bắc của Tổ Quốc Việt Nam
Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) là Di tích lịch sử Quốc gia, nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng có độ cao khoảng 1.470 m so với mực nước biển.
Đến tỉnh Hà Giang vào những ngày cuối năm để lên thăm cột cờ Lũng Cú - điểm cao nhất của cực Bắc Việt Nam. Trải qua chặng đường gần 200 km đường núi với những khúc cua chóng mặt của “con đường Hạnh Phúc” từ thành phố Hà Giang đến địa phận phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, chúng tôi mới đặt chân đến nơi có Di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú.
Nhìn từ xa, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió đầy kiêu hãnh trên cột cờ Lũng Cú, tâm trạng ai cũng thấy xúc động và tự hào, đó như một phần thưởng, sự đền đáp xứng đáng sau hành trình gian nan bởi đèo cao, vực thẳm với những khúc cua tử thần.
Các chiến sĩ canh gác nơi cột cờ Lũng Cú.
Cột cờ Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng. Bước qua 839 bậc đá, đứng trên đỉnh núi phóng tầm mắt thấy cả một vùng giang sơn của Việt Nam. Ngước nhìn lên, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 đang tung bay trong gió-biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Một cảm giác đầy tự hào, xúc động đến khó tả khi được chạm tay vào cột mốc quốc gia nơi cực Bắc biên cương được mệnh danh là “nóc nhà của Việt Nam".
Lũng Cú có nhiều tên gọi, theo cách gọi dân dã, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mông, thì Lũng Cú là Lũng ngô (vì theo tiếng Mông, cú có nghĩa là ngô). Còn đồng bào dân tộc Lô Lô thì gọi Lũng Cú là Long Cư - nơi rồng ở theo phiên âm tiếng Hán.
Tương truyền rằng trước đây, Lý Thường Kiệt hội quân về trấn ải vùng đất này, đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng để khẳng định chủ quyền. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược phương Bắc đã nhận ra tầm quan trọng của vùng đất này nên cho xây dựng đồn gác, ông cho đặt một trống đồng, mỗi canh giờ được đánh lên 3 hồi, tiếng trống vang xa để khẳng định chủ quyền.
Sau này, lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam cho cắm cột cờ trên đỉnh núi Rồng bằng cây sa mộc, cao 12 m, lá cờ rộng 1,2 m2. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, nơi này được canh giữ ngày đêm và bảo vệ từng tấc đất của cha ông để lại. Ngày 12/ 8/1987, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 được chính thức tung bay trên đỉnh Lũng Cú.
Các họa tiết xung quang cột cờ.
Những năm sau đó như 1992, 200, 2002 cột cờ tiếp tục được trùng tu. Cột cờ Lũng Cú hiện nay được khởi công ngày 8/3/2010, hoàn thành vào đúng ngày Quốc khánh, ngày 2/9/2010 và chính thức khánh thành vào ngày 25/9/2010. Cột cờ tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, có độ cao 1.468 m so với mặt nước biển.
Tổng chiều cao cột cờ gần 35m, lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú - điểm đến của rất nhiều người dân trên mọi miền Tổ Quốc Việt Nam.
Sau nhiều lần trùng tu, cột cờ ngày nay được xây dựng hình bát giác, có chiều cao 33,15m, xung quanh thân cột gắn hình 8 mặt trống đồng Ðông Sơn và dưới chân cột cờ là 8 tấm phù điêu minh họa cho các thời kỳ lịch sử của đất nước. Đây vừa là biểu trưng của văn hóa Việt Nam, vừa để nhớ đến tiếng trống của vua Quang Trung khi xưa, để con cháu ngàn đời sau nhớ đến công dựng nước của ông cha ta ngày trước.