Cột điện gãy đổ ở Quảng Ninh do bão Yagi: Đừng suy diễn, quy chụp thiếu căn cứ

Cột điện gãy đổ ở Quảng Ninh, nhiều người quan sát thấy lõi thép không lớn nên vội vàng quy chụp hoặc tỏ ý nghi ngờ về quá trình thi công xây lắp cột điện.

Vừa qua, cơn bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) đi qua đã gây ra những thiệt hại đáng kể khi đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh. Đáng chú ý, một trong những hậu quả lớn nhất của bão là 254 cột điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị gãy đổ.

Nhận định thiếu căn cứ

Ngay sau việc này một số trang mạng xã hội đăng hình ảnh trên quốc lộ 18, đoạn qua địa bàn thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), với nhiều cột điện lớn bị gãy đổ.

254 cột điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị gãy đổ, dẫn đến mất điện trên diện rộng. - Ảnh: MXH

254 cột điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị gãy đổ, dẫn đến mất điện trên diện rộng. - Ảnh: MXH

Theo mô tả trên các trang mạng xã hội, các cột điện bị gãy có đường kính lớn, song bị đổ tại những điểm khác nhau. Lớp bê tông bên ngoài của cột điện bị vỡ, để lộ ra lõi thép bên trong, vốn có kích thước nhỏ và thưa thớt hơn so với kỳ vọng của tác giả bài viết.

Các bài viết cũng dẫn dắt thông tin theo hướng: những lõi thép này đã trở thành mối lo ngại của người dân sống hai bên quốc lộ 18, bởi họ lo sợ rằng những cột điện còn đứng vững cũng sẽ không đủ an toàn trong trường hợp xảy ra thêm sự cố.

Một số người dân nêu ý kiến, lõi thép bên trong các cột điện quá nhỏ và không đủ chắc chắn qua đó bức xúc khi nhận xét rằng lõi thép bên trong cột điện còn chưa đạt kích thước tiêu chuẩn, điều này khiến họ cảm thấy không yên tâm về sự an toàn của các cột điện còn lại.

Các nội dung tin tức này mô tả các lõi thép phía trong của một số cột điện bị gãy đổ rất nhỏ đường kính khoảng 6 mm và khá thưa.

Tác giả bài viết này còn “bằng mắt thường quan sát” sau đó đưa ra nhận định: “Những cây cột điện có đường kính phía chân cột là 40 cm, cao gần chục mét, mà sử dụng lõi thép nhỏ và thưa như vậy khiến người dân địa phương lo lắng là điều dễ hiểu”.

Ngay bên dưới các bài viết là các bình luận bày tỏ sự bất đồng với các lo lắng mang tính thiếu căn cứ, thiếu cơ sở của tác giả bài viết và ý kiến của một số người dân có thể đã không được cung cấp thông tin một cách khách quan, toàn diện. Việc này là vô cùng tắc trách và nguy hiểm.

Thực tế, các cột điện bị gãy đổ trong các bài viết được xác định là cột điện bê tông ly tâm dự ứng lực. Các cột này có kết cấu và tiêu chuẩn khác so với cột điện thông thường do đặc tính kỹ thuật, tính chất của vật liệu tạo nên cột điện.

Thực tế như thế nào?

Lý giải việc sau khi cột điện gãy mà không nhìn thấy cốt thép ở trong, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây (thuộc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1) cho biết, cột điện bê tông ly tâm ở Việt Nam được chế tạo theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN: 5847-2016.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại cột điện bê tông cốt thép ứng lực trước và không ứng lực trước sản xuất theo phương pháp ly tâm. Nếu là bê tông ly tâm ứng lực trước, thì khi sản xuất, cốt thép được căng trước.

Các loại cột điện bê-tông hiện đại trên thế giới hiện nay đều được sản xuất theo công nghệ bê-tông ly tâm cốt thép ứng lực trước. - Ảnh: MXH

Các loại cột điện bê-tông hiện đại trên thế giới hiện nay đều được sản xuất theo công nghệ bê-tông ly tâm cốt thép ứng lực trước. - Ảnh: MXH

Vì vậy, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bê tông với độ sâu khoảng 1cm. Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê tông.

"Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bê tông này cũng tương tự như vậy", ông Hùng lý giải.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp Trường Sơn, các loại cột điện bê-tông hiện đại trên thế giới hiện nay đều được sản xuất theo công nghệ bê-tông ly tâm cốt thép ứng lực trước. Công nghệ này mang lại nhiều ưu điểm vượt trội về kết cấu, độ bền và chi phí, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như truyền tải điện, viễn thông và chiếu sáng. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sản xuất cột điện bê-tông ly tâm ứng lực trước, trong khi một số đơn vị khác đang có kế hoạch đầu tư để nâng cấp công nghệ.

Cột điện bê-tông ly tâm dự ứng lực, hay cột điện bê-tông cốt thép ly tâm, được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016, thay thế cho TCVN 5847:1994 và TCVN 5846:1994. Quy trình sản xuất bao gồm việc tạo lồng thép theo bản vẽ thiết kế, sau đó lồng thép được đặt vào khuôn và kéo căng sơ bộ để căn chỉnh. Bê-tông trộn sẵn sẽ được đổ vào khuôn và đưa vào quay ly tâm, sau đó dưỡng hộ bằng hơi nước nóng. Thông tin kỹ thuật của cột như chiều cao, loại bê-tông và tải trọng giới hạn đều được ghi rõ trên sản phẩm.

So với cột bê-tông thông thường, cột bê-tông ly tâm sử dụng cốt thép ứng lực trước và công nghệ quay ly tâm, giúp giảm tiết diện cốt thép và trọng lượng sản phẩm, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển và lắp dựng. Vì vậy, không thể chỉ “bằng mắt thường” so sánh giữa cột bê-tông dự ứng lực và cột bê-tông thông thường do sự khác biệt rõ rệt về kết cấu và vật liệu.

Sức mạnh của siêu bão Yagi phá vỡ nhiều kỷ lục

Ngoài ra theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính tới thời điểm này cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão có sức gió mạnh trên nhất thế giới trong năm 2024.

Nó cũng là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào biển Đông trong vòng 30 năm qua. Không chỉ vậy, cơn bão này còn có sức mạnh khủng khiếp khi có cấp độ tăng cấp nhanh nhất trong lịch sử các cơn bão tại Việt Nam. Chỉ trong 8 tiếng Yagi đã tăng 4 cấp, từ cấp 12 lên cấp 16.

Yagi cũng là cơn bão có thời gian hoành hành trên đất liền Việt Nam lâu nhất từ trước đến nay. Thông thường các cơn bão khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng sau khoảng 4 giờ sẽ suy yếu thành áp thấp. Song bão Yagi khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng đã "đứng im" tại đây khoảng 5 giờ mới di chuyển.

Với cấp độ mạnh, di chuyển chậm, bão Yagi đã gây ra những thiệt hại ngoài sức tưởng tượng. Sức mạnh mà Yagi đã phá vỡ kỷ lục nhiều năm về các cơn bão thông thường.

Có thể thấy rằng, trước khi đưa ra bất kỳ nhận định hay bình luận nào về sự cố, người đọc cần tiếp cận đầy đủ thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia có thẩm quyền. Cần nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ, tránh chỉ dựa vào quan sát cá nhân hay thông tin thiếu cơ sở để đưa ra những kết luận vội vàng. Việc quy chụp trách nhiệm một cách thiếu cân nhắc có thể dẫn đến hiểu lầm về công tác xây lắp và vận hành hệ thống lưới điện, một lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thế Duy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cot-dien-gay-do-o-quang-ninh-do-bao-yagi-dung-suy-dien-quy-chup-thieu-can-cu-344842.html