Cột làm bằng tre, dây điện 'bò' dưới đất... hồ tôm ở Hà Tĩnh mất an toàn!
Cột điện làm bằng tre nứa xiêu vẹo, đường điện 'bò' lung tung trên mặt đất, thậm chí đi cả dưới nước… là những thực trạng mất an toàn điện tại các hồ nuôi tôm ở Hà Tĩnh hiện nay.
Hiện trường hồ tôm nơi xảy ra tai nạn do điện giật tối 8/4/2019 tại xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh.
Báo động mất an toàn
Tối 8/4/2019, trên địa bàn xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến ông Đoàn Văn X. (SN 1969) tử vong. Tối đó, ông X. nói với gia đình ra hồ tôm để sửa cống tiêu thoát nước. Đến khoảng 10 giờ đêm, không thấy ông trở về như thường lệ, người nhà đã đến khu vực hồ tôm để tìm kiếm thì phát hiện ông đã tử vong. Theo gia đình, nguyên do ông X. bất cẩn khi sử dụng bơm nước trong hồ tôm nên bị điện giật tử vong.
Đó chỉ là 1 vụ trong khá nhiều vụ tai nạn mà nguyên nhân chủ yếu là do mất an toàn về điện trong khu vực nuôi tôm những năm qua.
Cột điện được làm bằng tre nứa xiêu vẹo, đường dây điện "bò" lung tung dưới mặt đất...
Có mặt tại một số hồ nuôi vùng Hà Lầm (xã Thạch Sơn, Thạch Hà), điều dễ dàng nhận thấy là hạ tầng điện phục vụ cho quá trình nuôi tôm còn nhiều hạn chế, gây mất an toàn. Để tiết kiệm chi phí, người dân đúc cột điện không đảm bảo chiều cao, thậm chí dùng cọc tre, nứa hay gỗ để thay thế; sau mưa bão, cột xiêu vẹo, đường dây điện sà xuống thấp, không đảm bảo khoảng cách an toàn.
Đường điện “bò” lung tung dưới mặt đất, thậm chí chạy ngay dưới lòng hồ tôm; hệ thống cầu giao để giữa trời không đảm bảo an toàn, nhất là khi mưa bão.
...thậm chí dây điện đi ngay dưới lòng hồ nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Hoa – Giám đốc Điện lực Thạch Hà cho biết: “Ngoài Thạch Sơn, hiện đơn vị còn cung cấp điện phục vụ nuôi tôm cho nhiều địa phương của huyện Thạch Hà như: Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Hải, Thạch Long, Tượng Sơn… Trước khi cấp điện phục vụ vùng nuôi, ngành điện đã kiểm tra chặt chẽ, chỉ khi hạ tầng đảm bảo mới tiến hành cấp điện.
Tuy vậy, việc phối hợp để duy trì an toàn trong quá trình hoạt động rất khó. Thực tế cho thấy, hạ tầng điện sau công tơ tại các hồ nuôi qua quá trình hoạt động có sự xuống cấp, cùng với những hạn chế trong ý thức sử dụng điện của người dân nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn".
Kiểm tra nghiêm an toàn điện tại hồ tôm
Xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh hiện có khoảng 45 hộ nuôi tôm. Trước những sự cố liên quan đến việc mất an toàn điện trong hồ tôm trên địa bàn thời gian qua, tháng 5/2019, Điện lực TP. Hà Tĩnh đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương, tổ chức cuộc họp mời các hộ dân tham gia về nội dung đảm bảo an toàn điện trong khu vực nuôi.
Hạ tầng điện phục vụ cho quá trình nuôi tôm còn nhiều hạn chế, gây mất an toàn.
Ông Nguyễn Văn Nhật – Phó Giám đốc Điện lực TP. Hà Tĩnh, cho biết: “Tại cuộc làm việc với các hộ nuôi tôm, chúng tôi đã thông tin về các nội dung như: An toàn đường dây sau công tơ, hướng dẫn sử dụng cột điện, lựa chọn đường dây điện đạt chuẩn, các biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong hồ nuôi…
Đặc biệt, chúng tôi đã ký cam kết sử dụng điện an toàn với các hộ nuôi. Ngành điện cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra, rà soát thực tế tình hình an toàn điện. Đối với những hộ chưa đảm bảo an toàn, chúng tôi đã nhắc nhở và các hộ đã và đang khắc phục như: Đúc cột bê tông thay thế cột tre, gỗ, thay thế đường dây điện đạt chuẩn… Trong quá trình chỉnh trang, ngành điện hỗ trợ về nhân công, kỹ thuật".
Công nhân Điện lực TP. Hà Tĩnh kiểm tra hạ tầng điện tại vùng nuôi tôm xóm Liên Hà, xã Thạch Hạ.
Thời gian qua, Điện lực Hà Tĩnh đã có những động thái tích cực để tuyên truyền, đảm bảo an toàn điện trong hồ nuôi tôm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân, chỉ khi nào người dân hiểu biết, không chủ quan, lờ là khi sử dụng điện thì mới đảm bảo được an toàn tính mạng, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, hiệu quả cho người dân; thường xuyên, kiểm tra, nhắc nhở những trường hợp vi phạm sử dụng điện trong khu vực hồ nuôi…