Cốt lõi giúp doanh nghiệp cạnh tranh và trường tồn

Quản trị tốt không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn phục hồi và chống chọi tốt hơn với các cú sốc có thể xảy đến.

Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp chịu nhiều sức ép

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh.

Đóng góp vào kết quả đáng trân trọng của nền kinh tế có sự chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông nhận định tại Diễn đàn “Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp – phục hồi và phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức.

Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) gần đây cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Đơn cử, có tới 92% doanh nghiệp, trong đó có 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho biết bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

3 khó khăn của các chuỗi cung ứng hậu đại dịch

Hầu hết doanh nghiệp trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề, và tại các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, thiếu hụt nhân công, mất cân đối dòng tiền, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Ngoài các tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, kết quả PCI cũng cho thấy các doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn khác trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Phó chủ tịch VCCI, những yếu tố này đã khiến cho các doanh nghiệp dè dặt hơn khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cùng với đó, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phong, đa phương, khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt.

Theo ông Phòng, bên cạnh sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc phát triển đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh để tiếp sức và lãnh đạo, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đầu tư những lĩnh vực mới, hiện đại. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường.

Cốt lõi tạo nên sự cạnh tranh và trường tồn

Tại diễn đàn, bà Hà Thị Thu Thanh – Chủ tịch HĐQT VIOD, nhận định trong thế kỷ của quản trị công ty và phát triển bền vững, với những nguyên tắc cốt lõi là liêm chính, bình đẳng, minh bạch, hài hòa và trách nhiệm, doanh nghiệp rất cần xây dựng một khung quản trị tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng để phát triển bền vững.

Một hệ thống quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lợi ích về tài chính, như nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng tiếp cận thị trường vốn, giảm chi phí.

Cùng với đó, quản trị tốt còn giúp nâng cao uy tín của công ty, hội đồng quản trị và ban điều hành, tiến tới mục đích cuối cùng là phát triển bền vững.

Biến quản trị tài chính thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho rằng tư duy của người lãnh đạo là cốt lõi để xây dựng một doanh nghiệp trường tồn và có sức cạnh tranh. Không chỉ vậy, doanh nghiệp cũng cần có hệ thống quản trị, điều hành hiệu quả, thúc đẩy từng nhân sự cống hiến, sáng tạo, vượt qua các giới hạn của bản thân.

Lấy ví dụ tại Tân Hiệp Phát, bà cho biết các cấp quản lý là những người sẵn sàng tạo nên sự khác biệt, đầu tư, tìm kiếm những hệ thống, mô hình quản trị, đồng thời tiên phong triển khai mô hình quản trị hướng tới phát triển bền vững.

Những nỗ lực này đã giúp Tân Hiệp Phát trở thành công ty đầu tiên trong ngành đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001, đi cùng với xây dựng thương hiệu và cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia trên toàn cầu.

Trong đại dịch, việc điều hành hiệu quả được thể hiện ở việc các giải pháp đưa ra đạt được sự đồng thuận và được thực hiện ở mọi cấp, giúp doanh nghiệp này “bảo toàn lực lượng” trong những ngày thực hiện 3 tại chỗ.

Một bước chuyển sáng tạo của Tân Hiệp Phát là vận hành hệ thống SAP- ARIBA kết nối toàn bộ quy trình mua sắm trong doanh nghiệp, từ quản lý, tìm nguồn cung ứng đến thanh toán, từ đó thúc đẩy sự minh bạch, công khai trong quá trình đấu thầu; mở rộng quy trình mua sắm toàn cầu…

Cùng với đó là vận hành hệ thống SAP trên Amazon cloud, và triển khai chu trình dịch vụ E2E, đưa nhiều giấy tờ lên trực tuyến, và tận dụng năm 2021 tăng tốc chuyển đổi số.

Sau tất cả, bà Phương nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất là người lãnh đạo dám nghĩ, dám làm để thực thi khát vọng đã định. “Ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi hạnh phúc khi được dẫn dắt bởi một đội ngũ những người say mê công việc, nhiều người đã làm việc nhiều năm ở các tập đoàn đa quốc gia, nhưng đã chọn về Tân Hiệp Phát vì cùng chung khát vọng phát triển”, bà cho biết.

Theo bà, công nghệ tốt, quản trị tốt, quy trình tốt đã giúp Tân Hiệp Phát tạo ra sản phẩm tốt và đặc biệt, ổn định được giá bán sản phẩm trong bối cảnh nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng giá.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cot-loi-giup-doanh-nghiep-canh-tranh-va-truong-ton-1660964337728.htm