Cột mốc không đáng để ăn mừng của Hàn Quốc

Ngay cả khi 'quay xe' với kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần, Hàn Quốc vẫn nằm top đầu các quốc gia có số giờ làm nhiều nhất thế giới. Và điều này không đáng để ăn mừng.

 Người trẻ Hàn Quốc phẫn nộ với đề xuất tuần làm việc 69 giờ của chính phủ. Ảnh minh họa: Reuters.

Người trẻ Hàn Quốc phẫn nộ với đề xuất tuần làm việc 69 giờ của chính phủ. Ảnh minh họa: Reuters.

Một ngày làm việc điển hình của Im (30 tuổi), nam nhân viên tại một công ty ở Hàn Quốc, bắt đầu lúc 9h và kết thúc tận 22h.

Anh làm việc tới 70 giờ vào những tuần nhiều việc - cao hơn rất nhiều so với giới hạn 52 giờ/tuần do chính phủ Hàn Quốc quy định vào năm 2018. Tuy nhiên, anh không được trả thêm tiền làm thêm giờ, Washington Post đưa tin.

Im nằm trong số hàng triệu người Hàn Quốc, ở độ tuổi 20 và 30, rất tức giận trước đề xuất gần đây của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm nâng thời gian làm việc tối đa hàng tuần lên 69 giờ. Đứng trước làn sóng chỉ trích của những người lao động trẻ tuổi, ông Yoon yêu cầu các cơ quan chức năng nước này xem xét lại kế hoạch trên.

 Nhân viên Hàn Quốc được khuyến khích tan ca muộn để xử lý việc tồn đọng. Ảnh minh họa: Woohae Cho/Bloomberg News.

Nhân viên Hàn Quốc được khuyến khích tan ca muộn để xử lý việc tồn đọng. Ảnh minh họa: Woohae Cho/Bloomberg News.

Thực tế khắc nghiệt

Theo luật pháp, một tuần làm việc của Hàn Quốc là 40 giờ với tối đa 12 giờ làm thêm, miễn là người sử dụng lao động đền bù cho người lao động bằng kỳ nghỉ hoặc trả thêm tiền.

Nhưng trên thực tế, những người trẻ xứ kim chi cho biết họ chẳng nhận được gì. Thay vào đó, các công ty khuyến khích họ ở lại văn phòng để làm nốt những phần việc còn tồn đọng.

Ở một số trường hợp, họ thậm chí bị buộc tội làm việc kém hiệu quả, nhờ đó công ty có thể “lách luật” và tránh sự giám sát của chính quyền suốt thời gian dài.

Daniel Kim (35 tuổi), một nhà nghiên cứu làm việc trong ngành y tế, cho biết anh từng không thể trở về nhà trước 22h suốt 8 tháng ròng. Tuần làm việc 80 giờ khá phổ biến ở công ty anh. Vợ của Kim, nhân viên của một công ty dược phẩm, cũng thường xuyên làm việc tận đêm.

 Dân văn phòng Hàn Quốc chờ tàu điện ngầm vào một tối thứ 4 muộn năm 2018. Ảnh: Jean Chung/Wall Street Journal.

Dân văn phòng Hàn Quốc chờ tàu điện ngầm vào một tối thứ 4 muộn năm 2018. Ảnh: Jean Chung/Wall Street Journal.

Trung bình, người Hàn Quốc làm việc 1.915 giờ/năm, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi đó, con số ở Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 1.791 giờ và 1.607 giờ năm 2022.

Cách đây 2 thập kỷ, Nhật Bản có số giờ làm việc cao hơn mức trung bình của các quốc gia OECD. Hiện nay, chính quyền nước này vẫn đang thực hiện các bước nhằm khắc phục tình trạng karoshi - tử vong do làm việc quá sức.

Motohiro Morishima, giáo sư quản lý nguồn nhân lực tại Đại học Gakushuin ở Tokyo (Nhật Bản), cho biết ngày nay, “làm việc quá nhiều giờ bị phản đối” tại xứ hoa anh đào. Ông nói rằng Hàn Quốc nên tìm cách tăng năng suất chứ không phải tăng giờ làm việc.

“Nếu còn tồn nhiều việc, các công ty Hàn Quốc nên thuê thêm nhân sự”, Lee Jong-sun, giáo sư về quan hệ lao động tại Trường Đại học Nghiên cứu Lao động của Đại học Hàn Quốc (Seoul), nói. Bằng cách đó, nhiều việc làm sẽ được tạo ra và giúp giảm tình trạng làm việc quá sức.

 Đèn vẫn sáng trong nhiều tòa nhà văn phòng ở khu tài chính của Seoul vào một tối muộn. Ảnh: Jean Chung/Wall Street Journal.

Đèn vẫn sáng trong nhiều tòa nhà văn phòng ở khu tài chính của Seoul vào một tối muộn. Ảnh: Jean Chung/Wall Street Journal.

Thế nhưng, giáo sư Lee cho biết các doanh nghiệp hiếm khi làm như vậy vì không đủ khả năng tài chính, hoặc chi phí sẽ rẻ hơn nếu các nhân viên nhận thêm việc.

“Tuyển dụng thêm người đồng nghĩa đắt đỏ hơn, với nhiều quyền lợi, bảo hiểm và tiền lương”, ông nói.

Khó cứu vãn tỷ lệ sinh

20 năm trước, người Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ làm việc 5,5 ngày/tuần. Do đó, sáng thứ 7, trẻ em sẽ đến trường trong khi cha mẹ đến văn phòng trong nửa ngày.

Mãi đến năm 2011, tuần làm việc ở quốc gia này giảm còn 5 ngày/tuần. Năm 2018, Hàn Quốc giới hạn số giờ làm việc hàng tuần ở mức 52 giờ.

Nhớ lại thời điểm phải hy sinh những buổi tụ họp gia đình diễn ra vào thứ 7 để đi làm, Lee (58 tuổi) khẳng định không ai muốn quay lại thời phải đi làm nhiều ngày. Theo ông, việc hợp pháp hóa tuần làm việc dài 69 giờ chẳng khác nào đưa đất nước quay ngược thời gian.

“Chúng tôi đã cảm nhận được lợi ích của những tuần làm việc ngắn ngày. Sao lại có người muốn trở lại giống hồi trước chứ?”, ông nói.

 Thời gian làm việc kéo dài sẽ khiến Hàn Quốc càng khó cứu vãn tỷ lệ sinh. Ảnh minh họa: Yonhap/EPA-EFE/Shutterstock.

Thời gian làm việc kéo dài sẽ khiến Hàn Quốc càng khó cứu vãn tỷ lệ sinh. Ảnh minh họa: Yonhap/EPA-EFE/Shutterstock.

Im, mới kết hôn năm nay, cho biết tuần làm việc 69 giờ đồng nghĩa rằng vợ chồng anh sẽ từ bỏ hy vọng sinh 2 con.

“Ai sẽ chăm sóc lũ trẻ nếu cả bố và mẹ đều phải đi làm cả ngày. Thật bực mình, nhưng tôi chẳng thể làm gì khác”, anh nói. Im cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng Hàn Quốc có thể cải thiện tỷ lệ sinh của mình, hiện thấp nhất thế giới, dưới hệ thống như vật.

Rae Cooper, giáo sư về quan hệ giới và việc làm tại Đại học Sydney, khẳng định làm việc nhiều giờ có liên quan đến tỷ lệ sinh thấp, bởi chúng “gây xung đột giữa công việc và chăm sóc gia đình”.

“Hàn Quốc hiện đứng gần đầu danh sách những quốc gia có thời gian làm việc dài. Nhưng đây không phải một cột mốc đáng để ăn mừng”, bà nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cot-moc-khong-dang-de-an-mung-cua-han-quoc-post1413143.html