Cột mốc sống vùng biên Đắk Nông

Già Điểu Drây với uy tín, kinh nghiệm sống đã giúp các thế hệ con cháu giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế, giữ gìn biên giới ở Đắk Nông.

Già Điểu Drây với uy tín, kinh nghiệm sống đã giúp các thế hệ con cháu giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế, bảo vệ vùng biên giới ở Đắk Nông.

Sau những cơn mưa nặng hạt, tôi vẫn dễ dàng di chuyển đến nhà già Điểu Drây ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Đường từ trung tâm xã nối với bon đã được đầu tư bê tông và trải thảm nhựa.

Quảng Trực là xã biên giới tiên phong trồng mắc ca của tỉnh Đắk Nông. Dọc 2 bên đường vào bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực mùa này được phủ màu xanh của mắc ca.

Nhà của già Điểu Drây nằm ở đầu bon Bu P'răng 1. Ngôi nhà được xây dựng kiên cố từ khi bon tái lập. Dù đã có nhiều đổi thay về chỗ ở và lối sinh hoạt, nhưng gia đình già Điểu Drây vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Gia đình già Điểu Drây, ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vẫn duy trì việc làm rượu cần truyền thống

Gia đình già Điểu Drây, ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) vẫn duy trì việc làm rượu cần truyền thống

Gian bếp được già Điểu Drây dành 1 góc để làm rượu cần và trưng bày ché cổ. Gia đình già có gần chục ché rượu cần đang được ủ rượu để phục vụ sinh hoạt và tiếp đãi khách. Gùi truyền thống được già tự tay làm và treo giữa gian bếp.

Gia đình già Điểu Drây còn lưu giữ bộ chiêng truyền thống của người M'nông đến ông là đời thứ 3. Bộ chiêng vẫn thường xuyên được sử dụng trong các ngày lễ hội của bon làng.

Bản thân ông có thể đánh được những bài chiêng truyền thống của người M'nông. Ông còn lưu giữ và thường xuyên mặc trang phục truyền thống.

Già Điểu Drây, Trưởng bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) còn chơi được nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc M'nông

Già Điểu Drây, Trưởng bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) còn chơi được nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc M'nông

Già Điểu Drây chia sẻ: "Tôi lưu giữ thổ cẩm, làm rượu cần truyền thống, đánh cồng chiêng để con cháu và người dân trong bon noi theo cùng gìn giữ , bảo tồn những giá trị văn hóa của người M’nông".

Già Điểu Drây từng theo học ngành Nông nghiệp hệ trung cấp. Ông là người uy tín của bon làng, được đào tạo bài bản về kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ trên ghế nhà trường.

Già Điểu Drây làm cầu nối truyền tải nhiều kiến thức về sản xuất, văn hóa, chủ quyền biên giới cho người dân

Già Điểu Drây làm cầu nối truyền tải nhiều kiến thức về sản xuất, văn hóa, chủ quyền biên giới cho người dân

Năm 2012, bon Bu P'răng 1 được tái lập. Các hộ dân trong bon được Nhà nước hỗ trợ giống cây mắc ca, được cấp đất rẫy và nhà ở để sinh sống, ổn định canh tác.

Già Điểu Drây là người tiên phong cùng các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng canh tác mắc ca. Thời điểm đó, với người M’nông, tiếng phổ thông chưa rành, nhất là những người lớn tuổi, việc chuyển tải kiến thức bằng tiếng M’nông của già Điểu Drây đã giúp nhiều hộ dân hiểu và làm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật.

Già Điểu Drây, ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) thường xuyên giúp đỡ người dân trong bon về kỹ thuật nông nghiệp

Già Điểu Drây, ở bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) thường xuyên giúp đỡ người dân trong bon về kỹ thuật nông nghiệp

Để bà con noi theo, già Điểu Drây đã chăm sóc vườn cây trồng của gia đình mình bài bản theo kiến thức, kỹ thuật. Ông lấy vườn rẫy, cây mắc ca của gia đình mình làm ví dụ cho mọi người noi theo.

Hiện nay, gia đình già Điểu Drây đang chăm sóc 3ha cà phê, 5ha mắc ca. Mỗi năm gia đình già thu nhập khoảng 200 triệu đồng, nguồn thu nhập sẽ tăng trong những năm tới vì hiện nay diện tích cho thu hoạch chưa nhiều.

Già Điểu Drây từng bước phát triển kinh tế gia đình, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con trong các bon làng vùng biên. Ông hiểu rằng, khi “no cái bụng” đồng bào M’nông sẽ “yên tấm lòng”, thêm niềm tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức có hơn 41km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Xã có 11 bon, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 42% dân số.

Già Điểu Drây là cánh tay đắc lực của lực lượng biên phòng tỉnh Đắk Nông trong việc tuyên truyền và bảo vệ cột mốc biên giới Đắk Nông

Già Điểu Drây là cánh tay đắc lực của lực lượng biên phòng tỉnh Đắk Nông trong việc tuyên truyền và bảo vệ cột mốc biên giới Đắk Nông

Năm 1996, già Điểu Drây vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với uy tín và những đóng góp của mình cho cộng đồng, ông nhiều năm được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bon Bu P'răng 1.

Trong vai trò Phó Bí thư Chi bộ bon Bu P'răng 1, già Điểu Drây có nhiều đóng góp nổi bật trong các hoạt động chính trị, xã hội. Ông giữ vai trò quan trọng trong việc truyền tải các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc M'nông.

Già Điểu Drây tham gia tuyên truyền chủ quyền biên giới

Già Điểu Drây tham gia tuyên truyền chủ quyền biên giới

Ông là người dày dạn kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Ông nắm rõ tình cảm, tư tưởng của bà con, biết cách khơi dậy tinh thần cảnh giác cho Nhân dân.

Những thời điểm các thế lực thù địch ráo riết kích động, dụ dỗ bà con đi theo các đối tượng lưu vong, già Điểu Drây trở thành cánh tay đắc lực của lực lượng chức năng. Ông cung cấp nhiều thông tin có giá trị, góp phần ngăn chặn các vụ việc vi phạm quy chế biên giới.

Già Điểu Drây sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Trực. Mỗi tấc đất, mỗi cột mốc biên giới luôn gợi trong ông cảm xúc thiêng liêng. Tình cảm ấy lan tỏa cho bà con trong bon làng, để rồi người M’nông cũng trở thành “cột mốc sống”, “cái tai, cái mắt” của Bộ đội Biên phòng.

Người dân trong bon vừa lao động sản xuất, vừa hăng hái tham gia tổ tuần tra biên giới, trực tiếp góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ, già Điểu Drây là trưởng bon, người uy tín, bằng uy tín, vốn kinh nghiệm sống, sự ảnh hưởng lớn trong cộng đồng đã góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương, các lực lượng đóng chân trên địa bàn, vận động đồng bào trong bon phát huy truyền thống yêu nước, tích cực hưởng ứng tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.

Quá trình sống, sinh hoạt già Điểu Drây là người gắn bó, hiểu biết cụ thể hơn ai hết những người dân trong bon, trong gia đình, dòng tộc.

Già Điểu Drây sử dụng lợi thế lớn nhất của mình là ngôn ngữ của người M’nông để truyền đạt đến người dân một cách dễ hiểu và tiếp thu nhanh nhất các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Già Điểu Drây cũng là người nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng và những kiến nghị, đề xuất của bà con dân tộc để phản ánh với cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

Xã Quảng Trực và các bon làng M’nông nơi vùng biên giới Tuy Đức hôm nay cơ sở vật chất điện, đường, trường học đã được Nhà nước đầu tư cơ bản bảo đảm việc học của con em, giao thông thuận tiện.

Người dân trong các bon làng đã không còn cảnh thiếu ăn mùa giáp hạt. Các hộ gia đình canh tác hiệu quả với các loại cây trồng thế mạnh cà phê, mắc ca với mô hình đa cây.

Tháng 6/2024, trong chương trình "Điểm tựa của bản làng" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tại Hà Nội, già Điểu Drây được tuyên dương, chứng nhận là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới.

Tháng 6/2024, trong chương trình "Điểm tựa của bản làng" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tại Hà Nội, già Điểu Drây được tuyên dương, chứng nhận là người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới.

Cánh đồng lúa nước, những đồi cà phê, mắc ca tươi tốt mang đến nguồn thu quanh năm, từng bước giúp bà con xóa đói giảm nghèo, rút ngắn dần khoảng cách chênh lệch về kinh tế, về chất lượng cuộc sống của người dân ở bon làng biên giới với các địa phương khác.

Những ngày đầu tháng 9, tranh thủ ngày không lên rẫy già Điểu D'rây tìm gặp từng đứa trẻ trong bon để hỏi thăm chuyện chuẩn bị năm học mới.

Dưới tán cây mắc ca, già Điểu Drây ngồi bên cạnh những đứa trẻ, ông khuyên các cháu cố gắng học hành để có kiến thức, hiểu biết, giúp ích cho bản thân, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Vùng biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) ngày càng đổi thay, kinh tế dần ổn định, các bon làng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng

Vùng biên giới Tuy Đức (Đắk Nông) ngày càng đổi thay, kinh tế dần ổn định, các bon làng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng

Tác giả: Đức Hùng

Đức Hùng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cot-moc-song-vung-bien-dak-nong-229196.html