Coteccons đặt mục tiêu doanh thu trở lại mốc tỷ USD

Coteccons đặt mục tiêu doanh thu năm tài chính 2025 đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ năm 2019.

Coteccons là một trong những nhà thầu xây dựng dân dụng lớn hiện nay. Ảnh: CTD

Coteccons là một trong những nhà thầu xây dựng dân dụng lớn hiện nay. Ảnh: CTD

CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2024 (1/7/2023-30/6/2024), dự kiến tổ chức vào sáng ngày 19/10 tới đây bằng hình thức trực tuyến.

Theo tài liệu, năm tài chính 2025 (1/7/2024-30/6/2025), Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm tài chính 2024 và là mức cao nhất kể từ năm 2019; lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, tăng 39%. Công ty dự kiến không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 30/6/2024 là 698 tỷ đồng.

Trong lịch sử, Coteccons từng đạt mức đỉnh doanh thu hơn 28.500 tỷ đồng vào năm 2018, sau đó dần sụt giảm cùng sự suy thoái của thị trường xây dựng. Việc đặt mục tiêu doanh thu trở lại mức tỷ USD dựa trên định hướng duy trì tăng trưởng xây dựng dân dụng, phát triển mạnh xây dựng công nghiệp và xây dựng nền tảng cho xây dựng hạ tầng. Công ty cũng sẽ tham gia thị trường quốc tế và các ngành kinh doanh mới.

Năm tài chính 2024, công ty xây dựng đạt doanh thu 21.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng; lần lượt tăng 31% và gấp 4,6 lần kết quả thực hiện trong năm tài chính 2023. Lợi nhuận tăng trưởng vượt trội nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện, từ mức 2,25% năm 2023 lên 3,39%.

Theo đánh giá của Ban kiểm soát công ty, nhờ vào doanh số và lợi nhuận tăng nên các chỉ số liên quan đến hiệu quả kinh doanh đều tăng. Tuy nhiên, hiệu suất kinh doanh cần cải thiện khi số vòng quay hàng tồn kho và khoản phải thu đều giảm. Công ty cần tập trung thu hồi công nợ nhanh chóng.

Coteccons thay đổi năm tài chính từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau kể từ giữa năm 2023.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, doanh nghiệp có tổng tài sản ở mức gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn một nửa với hơn 12.000 tỷ đồng. Riêng phần phải thu ngắn hạn từ khách hàng là 12.245 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng 1.355 tỷ đồng cho khoản hơn 2.243 tỷ đồng nợ xấu. Phần lớn trong số này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư siêu dự án The Spirit of Saigon đối diện chợ Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers).

Trong buổi đối thoại với cổ đông diễn ra chiều ngày 18/9 vừa qua, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết, nguyên tắc của doanh nghiệp là khi thấy nợ khó thu hồi, chắc chắn phải trích lập khoản dự phòng, nhưng nhìn chung vấn đề này không ảnh hưởng lớn nếu so với sức khỏe tài chính của công ty.

Theo ông Bolat Duisenov, nợ xấu là bệnh đau đầu chung cho cả ngành xây dựng thời gian qua. Tuy nhiên, Coteccons có quy trình nội bộ để xử lý khi sở hữu những bộ phận chuyên trách quản lý và phân tích rủi ro, quản lý nợ xấu, quản lý các nguồn vốn ra - vào công ty, có kiểm toán độc lập thuộc "Big 4" và có bên thứ ba chuyên rà soát và đánh giá.

Vì vậy, Chủ tịch CTD cho rằng việc trích lập dự phòng không phải là điều tệ hại hay quá tiêu cực, không có nghĩa là khoản đó sẽ đi vào quên lãng và không đòi được. Công ty sẽ có đội ngũ chuyên trách theo dõi sát sao, hối thúc chủ đầu tư thanh toán. “Cá nhân tôi tự tin Coteccons sẽ sớm nhận lại phần lớn số tiền trên,” ông Bolat nói về khoản nợ xấu của công ty.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/coteccons-dat-muc-tieu-doanh-thu-tro-lai-moc-ty-usd-33844.html