COVAX và sứ mệnh phân bổ vaccine đến các quốc gia nghèo
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại nhằm phân phối các liều vaccine tới 190 quốc gia và giới hạn nguy cơ gây ra các đột biến nguy hiểm. COVAX ra đời, đã giúp phân bổ vaccine tới những nước nghèo...
Virus corona đã lan đến mọi châu lục, đến nay đã lây nhiễm cho ít nhất 128 triệu người trên thế giới. Dịch lây lan đến đâu tàn phá các nền kinh tế ở nơi đó. Nhiều người dân ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh đang chờ đợi được tiêm chủng. Cho đến nay, gần 600 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên khắp thế giới, nhưng 2/3 trong số chúng lại chỉ nằm ở 6 quốc gia. Khoảng 60% người Israel được chủng ngừa 1 lần, 50% người Anh đã được tiêm, và cứ 10 người Đức thì có 1 người được tiêm. Ở Namibia, nơi dân số hơn 2 triệu người, có dưới 1500 người được tiêm vaccine. Ngoài Namibia, chưa có quốc gia châu Phi nào nhận được vaccine.
Để ngăn chặn thực trạng đó, dự án COVAX đã ra đời. WHO đã khởi động COVAX từ 1 năm trước và liên minh vaccine (GAVI) và Liên minh đổi mới chuẩn bị phòng chống dịch (CEPI) cũng tham gia ở gần như mọi quốc gia trên thế giới. Mục tiêu là để cho 92 thành viên nghèo nhất nhận nhiều vaccine bằng 98 thành viên giàu nhất. Dự kiến cuối năm 2021 này, mỗi quốc gia sẽ nhận lượng vaccine cho 1/5 dân số. UNICEF muốn rằng nguồn vaccine phải đến được đích của chúng, cung cấp cho mọi người không phân biệt chủng tộc hay giàu nghèo.
Vậy làm thế nào COVAX có thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình?
Dự án 2 tỉ liều vaccine đến với các quốc gia nghèo
Ông Benjamin Schreiber, điều phối viên của COVAX ở Connecticut (Mỹ) khẳng định rằng, thách thức lớn nhất cho các quốc gia là “chuẩn bị chủng ngừa trong thời gian ngắn”. Mục tiêu tuyên bố của COVAX là xuất xưởng 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2021, tương đương 850 tấn vaccine/tháng và 1 tỷ ống tiêm. Hàng ngàn hộp chứa vaccine sẽ đến những góc xa xôi nhất của trái đất bằng các phương tiện: Xe Jeep, thuyền, thiết bị không người lái và xe lừa kéo. Những nước nhận viện trợ vaccine rất đa dạng, một số có nền kinh tế đang phát triển, một số quốc gia chậm phát triển.
Các quốc gia được yêu cầu gửi văn bản cho UNICEF về cách họ lên kế hoạch để quản lý hậu cần vaccine viện trợ: Bộ phận nào trong dân cư cần vaccine nhất; kế hoạch phân bổ vaccine từ sân bay đến phần còn lại của đất nước. Ngày 24/2/2021, lô hàng COVAX đầu tiên đã hạ cánh ở Ghana. Đến cuối tháng 3.2021, UNICEF đã chuyển 20 triệu liều vaccine cho 47 quốc gia.
Sức mạnh của các nhà sản xuất
Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) có trụ sở chính ở Pune (Tây Ấn), là xưởng sản xuất vaccine lớn nhất thế giới với 2.4 triệu liều vaccine /ngày. SII là nơi tạo ra loại vaccine đang được dùng để tiếp cận với nhiều nơi trên thế giới và giá thành của nó lại không thể nhân rộng ngay lúc này. Trong số hơn 39 triệu liều vaccine do COVAX vận chuyển đến nay thì 28 triệu liều là đến từ các phòng thí nghiệm ở Pune. Ấn Độ là nhà cung cấp chính cho COVAX. Hiện tại, nước này chủ yếu sản xuất vaccine AstraZeneca. Song cuối tháng 3.2021, chính phủ Ấn Độ quyết định dừng xuất khẩu vaccine xuống mức tối thiểu khi mà số ca nhiễm virus corona mới tăng chóng mặt ở nước này. Chính quyền New Delhi quyết định dự trữ vaccine, đồng nghĩa COVAX sẽ chậm giao 90 triệu liều vaccine cho 63 quốc gia tiếp nhận chúng. Hiện tại không có giải pháp sản xuất thay thế nào ngoài Ấn Độ.
Ông Mounir Bouazar (người đứng đầu bộ phận hậu cần của COVAX ở Copenhagen) đã chuẩn bị suốt 3-4 tháng cho những lô hàng vaccine đầu tiên. Cuối năm 2020, ông Bouazar chắc chắn rằng nửa tỷ ống tiêm sẽ được phân bổ đến 4 nhà kho của UNICEF ở Copenhagen, Dubai, Panama và Thượng Hải.
Giờ đây COVAX sẽ chuyển hàng nghìn ống vaccine đến đích mỗi ngày. Nhưng đại dịch gây khó khăn thêm, có rất ít hoặc không có chuyến bay nào do giới hạn đi lại. Không có chuyến bay nào đến Đông Timor hoặc quốc đảo Thái Bình Dương theo yêu cầu của UNICEF. Vaccine và ống tiêm chuyển đến Yemen phải đi Nairobi - nơi ông Bouazar thuê một máy bay nhỏ để chở theo vaccine và ống tiêm. Bouazar hy vọng vận chuyển nhiều vaccine hơn vào giữa năm 2021 này. Hiện đang có một ý tưởng khiến cho công việc của ông Bouazar trôi chảy hơn: Đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine theo một cách thức giới hạn trong thời gian diễn ra đại dịch. Ấn Độ và Nam Phi đã đệ yêu cầu lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đình chỉ các bằng sáng chế về vaccine COVID-19 và thuốc, được sự ủng hộ cho 100 quốc gia. Sau đó những công ty khác cũng có thể sản xuất vaccine.
Ông Benjamin Schreiber điều phối viên của COVAX đang triển khai đưa vaccine COVID-19 đến tận tay những quốc gia nghèo và hẻo lánh nhất trên thế giới. Kết nối với ông là 2 đồng nghiệp của UNICEF chi nhánh ở Panama và Haiti - 2 quốc gia bị đình trệ về tiêm chủng. Ở Haiti, đội tiêm chủng đã sẵn sàng, nhưng nhiều vấn đề đang làm cản trở lô hàng vaccine. Nhiên liệu ở Haiti khá đắt đỏ, đường xá nghèo nàn... Schreiber đã kiên trì kết nối với người ở Haiti mỗi ngày.
Nguyễn Thanh Hải
((Theo spiegel, 24/4/2021))