Covid-19: 5 sự thật nên biết về 'sát thủ Delta' để chủ động phòng ngừa

Biến chủng Delta đang kéo thế giới trở lại với sự bấp bênh. Như các chuyên gia y tế cảnh báo, tình hình còn 'rất đáng lo ngại', những đột biến mới của virus có thể khiến dịch bệnh nhanh chóng quay trở lại và tình hình có thể còn 'kinh hoàng' hơn trước.

Delta trở thành mối quan tâm lớn hiện nay với khả năng lây truyền chưa từng có từ khi đại dịch càn quét thế giới. Lần đầu tiên sau hơn một năm, thế giới cảm thấy có chút hy vọng — hoặc ít nhất là sự lạc quan thận trọng — rằng đại dịch có thể lùi dần về phía sau.

Nhưng các chuyên gia y tế đang muốn chúng ta biết rằng, tình hình vẫn còn "rất đáng lo ngại" về những đột biến mới của virus, có thể khiến dịch bệnh nhanh chóng quay trở lại và nó có thể còn "kinh hoàng" hơn trước.

Năm điều nên biết về ‘sát thủ Delta’ để chủ động phòng ngừa. (Nguồn: Yalemedicine)

Năm điều nên biết về ‘sát thủ Delta’ để chủ động phòng ngừa. (Nguồn: Yalemedicine)

TS. bác sỹ Inci Yildirim, cũng là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa của trường Y khoa nổi tiếng Yale (Mỹ) không ngạc nhiên trước những gì đang xảy ra. Bà cho biết, “tất cả các loại virus đều phát triển theo thời gian và trải qua những thay đổi khi chúng lây lan và nhân rộng.

Còn một nhà dịch tễ học khác cũng thuộc trường Y khoa Yale, TS. bác sỹ F. Perry Wilson cho biết, một điều đáng chú ý ở Delta là khả năng lây lan nhanh khủng khiếp. “Delta chắc chắn sẽ đẩy nhanh đại dịch trên khắp thế giới”, bác sỹ Wilson khẳng định.

Theo những gì chúng ta biết cho đến nay, những người được tiêm chủng đầy đủ chống lại virus corona dường như cũng có khả năng bảo vệ chống lại virus Delta, nhưng bất kỳ ai chưa được tiêm chủng và không thực hành các chiến lược phòng ngừa đều có nguy cơ bị lây nhiễm bởi biến thể mới, các bác sĩ cho biết.

Bởi vậy, các bác sỹ khuyến cáo mỗi người nên hiểu rõ hơn về Delta để chủ động phòng ngừa, bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Dưới đây là 5 điều mọi người đều nên biết về "kẻ thù vô hình" đang đe dọa thế giới.

Biến chủng Delta phát triển theo cấp số nhân, hoặc nhanh hơn

Delta là tên của biến thể B.1.617.2, một đột biến của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020. Với khả năng lây lan nguy hiểm, Delta sớm trở thành chủng virus thống trị ở cả Ấn Độ và sau đó là Vương quốc Anh, rồi lần lượt thăm viếng các nước khác, áp đảo hệ thống y tế của các nước này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trường hợp nhiễm chủng Delta đầu tiên ở Mỹ được chẩn đoán vào tháng 3; đến cuối tháng 6, Delta đã chiếm hơn 20% trường hợp mắc bệnh ở Mỹ; Con số đó tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đến đầu tháng 7, biến thể này đã chiếm hơn 50% số trường hợp mắc bệnh. Và đến nay, tỷ lệ đã lên đến 83%.

Các quy ước đặt tên mới cho các biến chủng virus SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thiết lập vào đầu tháng 6 thay thế cho cách gọi tên bằng các con số. Theo đó, ngoài biến chủng Delta xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ, hiện nay gia đình biến chủng SARS-CoV-2 còn có chủng Alpha phát hiện lần đầu ở Anh, chủng Beta ở Nam Phi, hai biến thể Epsilon lần đầu tiên xác định ở Mỹ và chủng Gamma được xác định ở Brazil.

Theo nhận định của TS. Wilson: “Thực sự khá ấn tượng về tốc độ biến đổi của virus nguy hiểm này. Delta đang lây lan nhanh hơn 50% so với Alpha, tức là khả năng lây lan cao hơn 50% so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.

TS. Wilson thông tin thêm, “trong một môi trường bình thường - nơi không ai được tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang, ước tính, một người bị nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm cho 2,5 người khác. Nhưng cũng trong môi trường đó, biến chủng Delta có khả năng lây cho 3,5 hoặc 4 người khác”. Hoặc nói theo toán học, Delta phát triển theo cấp số nhân, thậm chí nhanh hơn. Như chúng ta đang thấy, Delta đang phát triển vượt trội và trở thành chủng virus chiếm ưu thế trên toàn cầu.

Nguy cơ lớn đối với người chưa được tiêm phòng đầy đủ

Thực tế tại Mỹ, dù đạt tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc cao, nhưng tỷ lệ rất thấp ở các bang miền Nam và Appalachian, bao gồm Alabama, Arkansas, Georgia, Mississippi, Missouri và West Virginia, đang khiến số trường hợp mắc bệnh gia tăng trở lại từng ngày, ngay cả tại một số bang đang tiến hành dỡ bỏ các hạn chế tiếp xúc do ghi nhận tình hình khả quan trong thời gian qua.

Nguy cơ đối với trẻ em và những người trẻ tuổi sẽ là một mối quan tâm mang tính thời sự. TS. Yildirim cho biết, “một nghiên cứu gần đây của Anh cho thấy, trẻ em và người dưới 50 tuổi có nguy cơ bị nhiễm Delta cao hơn 2,5 lần. Nhưng cho đến nay, chưa có vaccine nào được chấp thuận cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi ở Mỹ. Đó là lý do, Delta dường như đang tác động đến các nhóm trẻ tuổi hơn so với các biến thể trước đó.

"Chinh phục Delta" - cuộc chạy đua giữa tỷ lệ tiêm chủng và biến thể

Nếu Delta tiếp tục "di chuyển" đủ nhanh, nó có thể đưa đại dịch bùng phát mạnh trở lại... Theo như TS. Wilson cảnh báo, số người nhiễm bệnh sẽ phụ thuộc một phần vào nơi đó có bao nhiêu người đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, TS. Wilson còn lo ngại về tình trạng ‘tiêm chủng theo kiểu chắp vá’ sẽ cho phép virus nhảy từ khu vực được tiêm chủng kém này sang khu vực khác, gây nên tình trạng "bùng phát siêu địa phương".

Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ đang ở vị thế tốt vì tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, nhưng việc chinh phục Delta sẽ là một cuộc chạy đua giữa tỷ lệ tiêm chủng và biến thể. Nếu Delta tiếp tục "di chuyển" nhanh hơn, dốc đường cong Covid-19 ở Mỹ rất có thể lại đi lên.

Biến chủng Delta vẫn là ẩn số

Một nghiên cứu mới nhất từ Scotland về mức độ nghiêm trọng khi nhiễm biến chủng Delta cho thấy, Delta khiến khả năng nhập viện tăng gấp đôi so với chủng Alpha, ở những người chưa được tiêm chủng. Thông tin có thể thay đổi khi các chuyên gia tìm hiểu thêm trong thời gian tới.

Một câu hỏi khác là, Delta có thể ảnh hưởng thế nào tới cơ thể? Theo TS. Yildirim đã có những báo cáo về các triệu chứng khác với những triệu chứng ban đầu liên quan đến chủng virus corona. “Có vẻ như triệu chứng ho và mất khứu giác ít gặp hơn, nhưng đau đầu, đau họng, sổ mũi và sốt đã xuất hiện với hơn 90% trường hợp nhiễm chủng Delta, theo khảo sát tại Anh”, TS. Yildirim thông tin.

Biến thể Delta nhân lên nhanh chóng trong tế bào, người nhiễm có thời gian ủ bệnh ngắn, virus tập trung ở đường hô hấp trên nên dễ phát tán ra môi trường. Thời gian ủ bệnh ở người nhiễm biến thể Delta ngắn hơn. Các triệu chứng sẽ biểu hiện sau 4 ngày, thay vì 6 ngày như chủng virus ban đầu. Chưa có thông tin cụ thể về khả năng Delta gây ra những trường hợp nguy hiểm hơn, nhưng đối với những người đã tiêm vaccine hoặc có khả năng miễn dịch tự nhiên, hiếm thấy tình trạng bệnh nặng đến nguy kịch.

Theo Bộ Y tế Công cộng Anh, ít nhất hai trong số các loại vaccine có hiệu quả chống lại Delta. Vaccine Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng và 96% hiệu quả đối với bệnh nhân nhập viện do Delta trong các nghiên cứu. AstraZeneca có hiệu quả 60% đối với bệnh có triệu chứng và hiệu quả 93% khi nhập viện do Delta.

Tiêm vaccine là cách bảo vệ tốt nhất

Các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ mình khỏi Delta là tiêm phòng đầy đủ (theo khuyến nghị của bác sỹ). Tuy nhiên, cho dù được tiêm chủng hay chưa, điều quan trọng là bạn phải tuân theo các hướng dẫn phòng ngừa của các cơ quan y tế, bởi nếu đang trong một cuộc tụ tập đông người, có khả năng có những người chưa được tiêm chủng, bạn hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.

(theo Yalemedicine.org)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-5-su-that-nen-biet-ve-sat-thu-delta-de-chu-dong-phong-ngua-152289.html