Covid-19 buộc Bưu điện Việt Nam có nhiều sáng tạo vượt qua khó khăn
Trên trang web chính thức của UPU nhận định: 'Khi Covid-19 đang lây truyền với tốc độ nhanh chóng trên khắp thế giới, các nhà khai thác bưu chính đã tìm ra được những cách thức mới và sáng tạo để duy trì hoạt động của mình'.
Nhân dịp này phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với bà Chu Thị Lan Hương, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
PV: Bà có bình luận gì về nhận định của Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) khi nói rằng các nhà khai thác bưu chính đã tìm ra được những cách thức mới và sáng tạo để duy trì hoạt động của mình trong đại dịch Covid-19?
Bà Chu Thị Lan Hương: Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình với nhận định trên của UPU, bởi khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Chính phủ các nước đều áp dụng các biện pháp mạnh nhằm khống chế sự lây lan của dịch, trong đó có biện pháp hạn chế di chuyển giữa các quốc gia và chính trong các nước, đặc biệt là các lệnh giới nghiêm được ban bố nhiều nơi và tình trạng tạm dừng bay trong một thời gian của các nước. Điều này đã khiến dịch vụ bưu chính nội địa và quốc tế trên toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo thống kê của Liên minh bưu chính thế giới UPU, trong 2 tháng đầu năm số lượng bưu gửi giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Các bưu gửi có trọng lượng dưới 2 kg giảm đáng kể nhất, tới 16% số lượng bưu gửi.
UPU đã chỉ ra rằng trong đại dịch COVID-19 dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ quan trọng và thiết yếu của các quốc gia. Khi các lựa chọn liên lạc, chuyển phát khác cho người dân bị giới hạn, bưu chính trở thành kênh phục vụ tin cậy cho các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình từ việc chuyển phát hồ sơ tài liệu, bưu gửi đến các giải pháp thanh toán. Nhiều quốc gia coi bưu chính là một dịch vụ thiết yếu và đã cho phép bưu chính tiếp tục hoạt động mặc dù đã có lệnh phong tỏa trên toàn quốc.
Khi toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách đóng băng và chính sách cách ly xã hội triển khai đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu của mạng lưới bưu chính quốc tế, ngay lập tức, UPU đã kêu gọi và định hướng giải pháp nhanh cho các tổ chức thành viên. Theo đó, họ cần chủ động và vận dụng sáng tạo để đáp ứng các yêu cầu vận chuyển, để duy trì và đảm bảo sứ mệnh và nhiệm vụ cộng đồng của Bưu chính các nước. Bưu điện Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trong thời gian qua, Bưu điện Việt Nam đương đầu với những khó khăn do Covid-19 gây ra như thế nào?
Bà Chu Thị Lan Hương: Duy trì, vận hành hoạt động của mình trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện toàn cầu đang áp dụng mạnh mẽ các biện pháp đẩy lùi sự lây lan của dịch Covid-19, tổ chức UPU và bản thân bưu chính các nước bắt buộc phải linh hoạt và tìm ra những cách thức mới để đảm bảo hoạt động cung cấp dịch vụ. Điển hình như thông qua chiến dịch hợp tác của UPU với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) giúp lưu thông các chuyến bay chở hàng; hoạt động hợp tác của UPU với Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) hỗ trợ các nước thành viên trong vận hành chuỗi cung ứng bưu chính toàn cầu; một lượng lớn các bưu gửi đã được chuyển từ vận chuyển hàng không sang vận chuyển đường bộ và đường sắt...
Trong đó một hình thức mới đầy sáng tạo được một số hãng bưu chính thực hiện là hợp tác với các hãng hàng không để xây dựng các tuyến và chuỗi cung ứng mới trong vận chuyển hàng hóa.
Với vai trò tiên phong trong khu vực ASEAN, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên minh Bưu chính Thế giới, Bưu điện Việt Nam đã nhanh chóng hợp tác với Vietnam Airlines – hãng hàng không quốc gia để cùng nhau có giải pháp vượt khó cho cả 2 doanh nghiệp, khẳng định vai trò của hoạt động vận chuyển công văn, tài liệu và hàng hóa đem lại lợi ích phục vụ xã hội, cộng đồng thông qua các chuyến bay hàng hóa giành riêng cho bưu điện.
Các chuyến bay này được vận hành trên cơ sở sử dung tàu bay hành khách, đáp ứng nhu cầu luân chuyển tài liệu, hàng hóa của Bưu điện Việt nam, kết nối hai đầu đất nước. Từ thứ 3 đến thứ 7, chuyến bay đặc biệt này được bố trí vận chuyển các sản phẩm tài liệu, hàng hóa được ưu tiên theo mức độ quan trọng và yêu cầu dịch vụ gồm: công văn, tài liệu của các tổ chức, cá nhân, hàng hóa thiết yếu của người dân. UPU đánh giá đây là một giải pháp tốt, là kinh nghiệm có thể chia sẻ với bưu chính các nước.
Chỉ tính riêng 15 ngày thực hiện các chuyến bay hàng hóa, Vietnam Airlines và Vietnam Post đã vận chuyển được hơn 200 tấn tài liệu, bưu gửi, hàng hóa gửi qua dịch vụ EMS chiều Hà Nội – TP. HCM và ngược lại. Do vậy, các sản phẩm bưu gửi của Bưu điện Việt Nam luân chuyển trên hành trình Bắc - Nam, vẫn đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu thời gian toàn trình, góp phần hỗ trợ và giảm bớt khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Bà Chu Thị Lan Hương ( người đứng thứ 3 bên phải) tại lễ bổ nhiệm Phó TGĐ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam
Ngoài ra, trong thời kỳ dịch bệnh Covid_19, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch và không tập trung nơi đông người, Bưu điện Việt nam đã phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.
Để hỗ trợ người dân, Bưu điện Việt Nam thực hiện giảm cước chuyển phát từ 20 - 30% (tùy theo từng loại hồ sơ). Bên cạnh đó, hệ thống các điểm giao dịch cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến hoặc nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tính đến tháng 3/2020 đã có hơn 4 triệu lượt hồ sơ được người dân và các tổ chức doanh nghiệp lựa chọn theo hình thức nhận hồ sơ tại các bưu cục, nhận hồ sơ tại nhà và trả kết quả tại địa chỉ yêu cầu, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Để chung tay cùng cả nước thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, thực hiện công cuộc chuyển đổi số, tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội, Bưu điện Việt nam còn tổ chức chi trả các chế độ an sinh xã hội cho hơn 6 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người có công, …tại cơ sở bưu điện và tại địa chỉ; xây dựng bản đồ vùng dịch tại ứng dụng NCOVI, hiển thị dữ liệu về dịch bệnh, giúp người biết rõ vùng cách ly, khoảng cách đến các điểm cần quan tâm liên quan đến dịch bệnh...; Đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử thông qua miễn cước chuyển phát các ngày cuối tuần cho các giao dịch trên sàn Postmart; Chuyển phát miễn phí cho khách hàng tại Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên của Việt Nam,....
Bà có những dự báo gì về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành bưu điện sau dịch Covid-19?Tổng công ty đã có kế hoạch gì để khi đại dịch đi qua có thể khôi phục sản xuất kinh doanh?
Bà Chu Thị Lan Hương: Dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng tới quá trình hợp tác cung ứng các sản phẩm, dịch vụ chuyển phát, tuy nhiên với năng lực hiện có, thời gian qua Vietnam Post khẳng định vẫn tiếp tục duy trì ổn định mạng lưới khai thác, vận chuyển. Bưu điện Việt Nam luôn cố gắng đảm bảo lưu thoát tốt nhất hàng hóa và dịch vụ.
Sau dịch Covid-19, có thể sẽ có nhiều thay đổi trong đời sống. Ví dụ như trên giác độ vĩ mô của nền kinh tế thế giới, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề chuyên môn hóa, toàn cầu hóa có thể phải điều chỉnh. Trên phương diện quốc gia thì phải triển khai toàn diện và triệt để Chính phủ điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt…
Đối với ngành Bưu điện, chúng tôi quan tâm nhiều đến xu thế mua sắm online, phát triển thương mại điện tử và giao hàng do trong thời gian qua người tiêu dùng đã quen dần với các sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số và tương tác số. Những thay đổi này cũng sẽ tạo điều kiện để dịch vụ bưu chính phát triển.
Bưu điện Việt Nam luôn bám sát diễn biến Covid-19, đưa ra các phương án tổ chức cung cấp dịch vụ trong điều kiện đối phó với dịch bệnh cũng như các phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh qua đi. Bưu điện Việt Nam cũng đã có phương án điều chỉnh các giải pháp kinh doanh, tập trung tối đa các nguồn lực để bắt kịp các nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.