Covid-19: Các bệnh nhân có thể tái nhiễm chỉ sau vài tháng, Trung Quốc-WHO đạt đồng thuận về truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2

Ngày 13/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, các chuyến gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Trung Quốc để hợp tác nghiên cứu nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Các bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể mất khả năng miễn dịch và đối mặt nguy cơ tái nhiễm chỉ trong vòng vài tháng sau khi hồi phục. (Nguồn: Enriquelopezgarre)

Phát biểu họp báo, bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ, sau cuộc tham vấn giữa hai bên, Chính phủ Trung Quốc đã nhất trí, WHO sẽ cử các chuyên gia đến Bắc Kinh để trao đổi ý kiến với những đồng nghiệp Trung Quốc về hợp tác trên cơ sở khoa học về việc truy tìm nguồn gốc của SARS-CoV-2. Bà này nhấn mạnh, Trung Quốc và WHO đạt được sự đồng thuận cơ bản rằng, việc truy tìm nguồn gốc là vấn đề khoa học nên được các nhà khoa học nghiên cứu thông qua nghiên cứu và hợp tác quốc tế trên toàn cầu.

Theo bà, quan điểm của WHO là việc truy tìm nguồn gốc là một tiến trình đang diễn ra có thể liên quan đến nhiều nước và địa phương. WHO sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến đi tương tự đến các nước và khu vực khác nếu thực sự cần thiết.

* Thông tin liên quan về bệnh Covid-19, "các bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể mất khả năng miễn dịch và đối mặt nguy cơ tái nhiễm chỉ trong vòng vài tháng sau khi hồi phục." Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này mới được các nhà khoa học Anh công bố. Giới chuyên gia tin rằng, kết quả nghiên cứu sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới cách thức các chính phủ ứng phó với đại dịch.

Trong nghiên cứu do trường King's College London thực hiện, các chuyên gia đã kiểm tra mức độ kháng thể trong cơ thể của hơn 90 bệnh nhân Covid-19 và đánh giá sự thay đổi của kháng thể theo thời gian. Các xét nghiệm máu chỉ ra ngay cả những bệnh nhân có các triệu chứng bệnh nhẹ cũng có phản ứng miễn dịch rất mạnh với virus SARS-CoV-2.

Trong nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu, 60% có phản ứng mạnh với virus ngay trong những tuần đầu tiên bị nhiễm. Tuy nhiên, sau 3 tháng, chỉ còn khoảng 16,7% số này duy trì các kháng thể Covid-19 ở mức cao và sau 90 ngày một số bệnh nhân thậm chí không còn đủ lượng kháng thể Covid-19 trong máu để có thể đo được.

Để chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, như một loại virus, cơ thể người sẽ huy động các tế bào để tìm và diệt thủ phạm gây nguy hiểm. Trong quá trình đó, cơ thể sản sinh ra một loại protein gọi là kháng thể, được lập trình để nhắm tới loại kháng nguyên đặc biệt mà cơ thể đang chiến đấu. Khi có đủ kháng thể, cơ thể người sẽ tránh được nguy cơ nhiễm lại cùng loại virus đó, gọi là sự miễn dịch. Nhưng nghiên cứu trên chỉ ra khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 không phải là điều luôn tồn tại và có thể mất đi chỉ sau vài tháng, giống như khả năng miễn dịch của cơ thể người với virus cúm.

Các chuyên gia cho rằng, kết quả trên có thể làm thay đổi cách thức chuẩn bị cho giai đoạn dịch bệnh tiếp theo của chính phủ các nước, trong đó có kế hoạch phân bổ vốn và tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa Covid-19.

Lawrence Young, Giáo sư chuyên ngành Ung thư học phân tử tại Đại học Warwick, cho rằng, đây là một nghiên cứu quan trọng, mở ra quá trình xác định động lực lâu dài của phản ứng kháng thể với virus SARS-CoV-2. Kết quả này cũng một lần nữa nhắc nhở cần tìm hiểu sâu hơn về một phản ứng miễn dịch bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 để có thể phát triển một loại vaccine phòng ngừa hiệu quả.

James Gill, giảng viên danh dự tại Trường Y Warwick, cho rằng nghiên cứu này chỉ ra rằng mọi người cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn virus lây lan. Kể cả những người có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính, đặc biệt là những người không rõ nguồn lây, cần tiếp tục thận trọng thực hiện các quy định giãn cách và đeo khẩu trang một cách hợp lý.

* Tại Nga, Giám đốc Viện nghiên cứu y học, Trường đại học tổng hợp công nghệ sinh học Nga Vađim Tarasov cho biết, Trường Đại học Tổng hợp Xetrenovski đã hoàn thành thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới trên người tình nguyện. Ông cho biết, các tình nguyện viên đã được cách ly trong một thời gian dài. Họ bị hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài từ khi bắt đầu tham gia thử nghiệm, để loại trừ khả năng lây nhiễm Covid-19.

Theo ông Tarasov, việc cách ly đã tác động lên tâm lý của các tình nguyện viên – trong thời gian tiến hành nghiên cứu ở họ đã xuất hiện các xung đột, xuất phát từ những căng thẳng tâm lý, vì vậy trong quá trình thử nghiệm các bác sĩ tâm lý đã phải can thiệp.

Nhóm tình nguyện viên đầu tiên sẽ được xuất viện vào thứ tư tuần tới ngày 15/7. Nhóm tình nguyện viên thứ hai cũng sẽ được xuất viện vào ngày 20/7.

Thử nghiệm được tiến hành từ ngày 18/6. Vaccine được nghiên cứu bởi các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu quốc gia dịch tễ học và vi sinh vật học mang tên Gamalei.

Giám đốc Viện nghiên cứu ký sinh trùng học, bệnh nhiệt đới và bệnh lây nhiễm thuộc Trường đại học tổng hợp Xetrenovxki Alexadre Lukasev cho rằng, trong giai đoạn hiện nay của thử nghiệm các nhà khoa học đã chứng minh được độ an toàn của vaccine đối với sức khỏe con người. Một nhóm những người tình nguyện đã tiếp nhận 1 liều vaccine, nhóm kia tiếp nhận hai liều vaccine. Tất cả những người tham gia thử nghiệm đều cảm thấy khỏe mạnh, vaccine không gây ra bất kỳ phản ứng bất lợi nào cho cơ thể, ngoại trừ việc tăng thân nhiệt trong những ngày đầu tiêm.

Sau khi cho phép các tình nguyện viên ra viện các nhà khoa học tiếp tục theo dõi để đánh giá những thay đổi của hệ miễn dịch ở họ.

Ông Lukasev cho biết, kế hoạch tiếp theo của việc nghiên cứu vaccine đánh giá chiến lược khai thác, trong đó tính phức tạp của các tình huống dịch tễ học và khả năng sản xuất đại trà loại vaccine này.

(theo THX, TTXVN, Aif.ru)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-cac-benh-nhan-co-the-tai-nhiem-chi-sau-vai-thang-trung-quoc-who-dat-dong-thuan-ve-truy-tim-nguon-goc-sars-cov-2-119297.html