COVID-19 châu Âu: Có tín hiệu lạc quan, vẫn kéo dài phong tỏa

Tình hình đại dịch COVID-19 tại châu Âu có nhiều dấu hiệu khả quan nhưng các nước vẫn cân nhắc kéo dài lệnh phong tỏa.

Tình hình đại dịch COVID-19 ngày 8-4 tại các điểm nóng ở châu Âu có nhiều tín hiệu lạc quan hơn trước.

Tại Pháp, ngày 8-4 có tổng số ca tử vong là 10.869 và tổng số ca nhiễm COVID-19 là 112.950. Con số trên đã tổng hợp từ các bệnh viện và các viện dưỡng lão tại Pháp, theo hãng tin Reuters.

Theo Tổng giám đốc Cơ quan y tế Pháp Jerome Salomon, số ca tử vong mới vì COVID-19 tại các bệnh viện đã tăng chậm lại.

Cụ thể, tổng số người chết tại các bệnh viện ở mức 7.632 người, tăng 541 người so với một ngày trước. Ngày 8-4 cũng là ngày ghi nhận số người tử vong tăng thấp hơn so với hai ngày trước đó, khoảng 8% (ngày 7-4 là 9%, ngày 6-4 là 10%).

Về số ca nhiễm COVID-19, ngày 8-4 Pháp ghi nhận 3.881 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với ngày 7-4 (với 11.058 ca nhiễm mới).

Hiện Pháp có 7.148 người được điều trị tích cực (ICU) tính đến ngày 8-4, tăng 17 người so với 24 giờ trước đó. Đây là ngày có mức tăng số người điều trị tích cực (ICU) thấp nhất trong những tuần gần đây.

"Đó là một chỉ số quan trọng. Nhưng áp lực đối với các bệnh viện tại Pháp vẫn cực kỳ cao" - ông Salomon nói.

Một người phụ nữ đang được bác sĩ kiểm tra tại trạm y tế COVID-19 tiên tiến gần Bệnh viện Saint Roch, TP Montpellier (Pháp). Ảnh: AFP

Một người phụ nữ đang được bác sĩ kiểm tra tại trạm y tế COVID-19 tiên tiến gần Bệnh viện Saint Roch, TP Montpellier (Pháp). Ảnh: AFP

Điện Elysee (Phủ tổng thống Pháp) nói rằng thời hạn phong tỏa đất nước đang được cân nhắc kéo dài thêm. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ thông báo vấn đề trên trong một bài phát biểu vào ngày 13-4 tới.

Ngày 8-4, Thủ tướng Edouard Philippe cho biết việc phong tỏa sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan đại dịch COVID-19 và thời gian dỡ bỏ lệnh phong tỏa thì “vẫn chưa đến”.

Ý vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về tổng số người tử vong vì COVID-19 và ghi nhận ngày thứ năm liên tiếp số người điều trị tích cực giảm.

Theo Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý, tổng số người tử vong tại Ý là 17.669 người. Ngày 8-4, nước này chỉ ghi nhận 542 ca tử vong mới, thấp hơn so với ngày trước đó (với 604 ca tử vong mới).

Trong khi đó có tới 3.836 ca nhiễm COVID-19 tại Ý, cao hơn 979 người so với ngày 7-4 (với 3.039 ca mắc mới). Ý hiện đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm COVID-19 với 139.422 người, sau Tây Ban Nha (148.220 người) và Mỹ (434.581 người), theo Worldometer.

Một tín hiệu đáng mừng về tình hình dịch bệnh tại Ý là ngày 8-4 có tổng cộng 3.693 người được điều trị tích cực (ICU), thấp hơn so với ngày 7-4 (3.792 người). Số ca bình phục ở Ý cũng tăng lên mức 26.491 người, cao hơn nhiều so con số 24.392 ca bình phục một ngày trước đó.

Ý vẫn đang trong thời kỳ phong tỏa đất nước. Ảnh: AFP

Ý vẫn đang trong thời kỳ phong tỏa đất nước. Ảnh: AFP

Mặc dù có số người tử vong và nhiễm bệnh có vẻ giảm nhưng những con số vẫn ở mức cao. Thêm vào đó, thời tiết nắng ấm và lễ Phục Sinh đang tới cũng khiến người dân lơ là, phớt lờ cảnh báo phong tỏa. Giới chức Ý vẫn tiếp tục cảnh báo người dân nên ở nhà và nâng cao cảnh giác.

Cảnh sát Ý hiện đang gấp rút thắt chặt kiểm soát vào dịp lễ Phục Sinh cuối tuần này. Tại Milan, một lượng lớn hàng rào ngăn đường sẽ được dựng ở khắp nơi nhằm ngăn dòng người rời khỏi thành phố thăm người thân hay đi nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần, theo trang tin The Local.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đang tham khảo ý kiến của Ủy ban Khoa học chính phủ về các cách thức có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc gần một tháng qua một cách an toàn nhất.

Một điểm nóng khác tại châu Âu, và cũng của thế giới, là Tây Ban Nha.

Ngày 8-4 là ngày thứ hai có số ca tử vong mới tăng liên tiếp. Theo thống kê từ Worldometer, COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 747 người (ngày 7-4 có 704 ca), nâng tổng số ca tử vong lên con số 14.792.

Có tổng cộng 148.220 người nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha, tăng 6.278 ca nhiễm mới so với 24 giờ trước đó. Theo hãng tin AFP, sở dĩ số ca nhiễm mới tăng mạnh như vậy là do nước này tăng cường việc xét nghiệm COVID-19.

Một người đàn ông đang khử trùng nhà của mình ở khu đô thị Grinon, thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hôm 8-4. Ảnh: REUTERS

Một người đàn ông đang khử trùng nhà của mình ở khu đô thị Grinon, thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hôm 8-4. Ảnh: REUTERS

Tây Ban Nha vẫn là một trong các quốc gia châu Âu thực hiện phong tỏa đất nước một cách nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan COVID-19. Người dân hiện chỉ có thể ra khỏi nhà để mua thức ăn và khám chữa bệnh cần thiết.

Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến hệ thống chăm sóc y tế công cộng của Tây Ban Nha gần như vượt quá công suất, thiếu hụt giường bệnh và trang thiết bị cần thiết. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các bệnh viện cho biết tình hình phần nào đã được cải thiện.

"Chúng tôi không thể mất cảnh giác, các dịch vụ khẩn cấp hiện hoạt động tốt, dưới mức bùng nổ hay quá tải. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi có thể thư giãn và luôn sẵn sàng túc trực ở phòng cấp cứu khi có người bị bệnh” -người phát ngôn Bệnh viện Severo Ochoa ở TP Leganes nói với AFP.

Trong khi đó có hơn 938 người chết mới hôm 8-4, nâng tổng số người chết vì COVID-19 trên toàn Vương quốc Anh lên đến 7.097 ca.

Các chuyên gia nói rằng với số người chết tăng nhanh như vậy, Anh đang tiến đến ngưỡng bằng Ý và Tây Ban Nha vào những ngày có số người chết nhiều nhất.

Mặc dù số người chết kỷ lục mới hằng ngày tăng nhưng số ca nhiễm bệnh và nhập viện mới ở Anh đang bắt đầu có dấu hiệu chậm lại, theo Giáo sư Stephen Powis - Giám đốc cơ quan y khoa của Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia Anh.

Số ca nhiễm mới ngày 8-4 là 5.491 người, tỉ lệ gần như tương tự trong vài ngày qua.

Bên ngoài Bệnh viện NHS Nightingale NHS ở trung tâm ExCel London, Anh. Ảnh: THE GUARDIAN

Bên ngoài Bệnh viện NHS Nightingale NHS ở trung tâm ExCel London, Anh. Ảnh: THE GUARDIAN

Ông Powis nói trong buổi họp báo ngày 8-4: “Chúng tôi bắt đầu thấy những tín hiệu tốt nhưng tôi tin rằng điều quan trọng nhất là tiếp tục tuân theo các quy định, các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn virus không lây lan”.

Tờ The Guardian nói rằng giới chức cảnh sát trên toàn nước Anh mong muốn chính phủ xem xét thắt chặt lệnh phong tỏa. Nhiều lo ngại được đưa ra khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh sắp tới và một bộ phận thiểu số người Anh có thể phớt lờ các biện pháp phong tỏa.

NGUYÊN VĂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/covid19-chau-au-co-tin-hieu-lac-quan-van-keo-dai-phong-toa-904222.html