Covid-19 chia rẽ 'lục địa già'

Đại dịch Covid-19 ngày càng làm lộ rõ những chia rẽ trong khối Liên minh châu Âu (EU) trước thực tế các nước thành viên đang cho thấy sự khác biệt khi thực thi chính sách 'thân ai nấy lo' trong khủng hoảng…

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đình chỉ áp dụng các quy định hạn chế viện trợ hồi giữa tháng 3, cũng như đình chỉ các quy tắc nghiêm ngặt về quản lý thâm hụt công của khối, 27 nước thành viên được phép tự do chi tiêu nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, an sinh xã hội, cũng như bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế và các doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch.

Quy định mới này dẫn tới việc các nước thành viên thực thi những chính sách hỗ trợ thời kỳ đại dịch không nhất quán, gây lo ngại kéo theo những hệ lụy ngoài mong muốn. Ủy viên EU về cạnh tranh, bà Margrethe Vestager đã bày tỏ quan ngại rằng, sự khác biệt về quy mô gói cứu trợ ở các nước thành viên làm nảy sinh nguy cơ thay đổi sự cạnh tranh và làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế. Nhưng trên hết, sự khác biệt này giữa các nước thành viên sẽ làm biến dạng thị trường chung đơn nhất của khối.

 Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen sau cuộc họp trực tuyến bàn về ứng phó với đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen sau cuộc họp trực tuyến bàn về ứng phó với đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images.

Đơn cử, như trường hợp của Đức, chính sách hỗ trợ của quốc gia đầu tàu trong khối EU với những biện pháp tài chính, đã chiếm hơn 50% giá trị gói cứu trợ khẩn cấp quốc gia được EU thông qua. Điều này làm dấy lên lo ngại nhiều nước với ngân sách hạn hẹp có thể không được hưởng những lợi thế cạnh tranh công bằng trong khối thị trường chung này.

Trong bối cảnh đại dịch tàn phá nền kinh tế, Đức hồi tháng 4 đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 750 tỷ euro nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch. EC cũng đã thông qua kế hoạch cứu trợ kinh tế này của Đức, nhưng hiện nay các biện pháp cứu trợ kinh tế được hiện thực hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy của nước này lại đang gây sự chú ý. Trước đây, bà Margrethe Vestager cũng từng phàn nàn kế hoạch giải cứu của Đức đối với các doanh nghiệp nước này bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể gây ra phản ứng dây chuyền ở khắp các nước trong khối với tư cách là nền kinh tế số 1 của châu Âu. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả khi Đức mạnh tay giải cứu nền kinh tế như vậy cũng không giúp nước này thoát khỏi suy thoái kỹ thuật sau hai quý sụt giảm tăng trưởng liên tiếp.

Trường hợp của Đức chỉ là một trong số các ví dụ cho thấy “lục địa già” trong khi đang phải chật vật đương đầu với đại dịch, còn phải lo vấn đề chia rẽ và làm thế nào để chia sẻ trách nhiệm chung. Còn nhớ ở hội nghị trực tuyến đầu tiên hồi tháng 3 bàn về nỗ lực tài chính chung của Hội đồng châu Âu nhằm ứng phó đại dịch, 27 nước thành viên đã ra về tay trắng vì không thống nhất được biện pháp kinh tế nào. Cả hai giải pháp phát hành trái phiếu của khu vực đồng euro và dùng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu để cấp tín dụng cho các nước ứng phó dịch bệnh đều không được nhất trí. Trong khi một số nước tán thành, một số nước lại phản đối vì lo toàn bộ các nước thành viên của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ phải cùng gánh nợ.

Sự bất đồng lớn tới mức bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC đã phải lên tiếng chỉ trích một số nước thành viên hành động thiếu tinh thần đoàn kết, chỉ tính đến lợi ích quốc gia trong lúc cả châu Âu cần phải “kề vai, sát cánh” để đối phó với đại dịch. Còn nhật báo kinh tế Pháp Les Echos dẫn ý kiến của nhà kinh tế Pháp Hélène Rey cho rằng, sức mạnh của EU không được thể hiện trong việc hành động chung ngăn chặn dịch bệnh, bằng chứng là đã để nước thành viên Italy đơn độc trong đại dịch.

Còn hiện nay, kế hoạch phục hồi kinh tế của EU dự kiến được công bố ngày 27-5 tới đây cũng không mấy triển vọng do sự bất đồng của các nước thành viên. Theo bà Margrethe Vestager, không có sự bảo đảm kế hoạch giải cứu này sẽ được thông qua, song bà cho biết các quan chức đang cố gắng làm hết sức mình.

Trước đó, hồi tháng 4, lãnh đạo các nước thành viên EU đã thông qua các biện pháp giải cứu ngay lập tức trị giá ít nhất 500 tỷ euro. Thế nhưng, mặc dù đã đạt được sự đồng thuận chung về tính cần thiết phải cứu trợ khẩn cấp, nhưng những bất đồng về cách thức triển khai khiến tiền cứu trợ vẫn còn nguyên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel mong muốn gói cứu trợ đi vào hoạt động vào ngày 1-6 tới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nước vẫn chưa thống nhất sẽ vận hành quỹ như thế nào, đặc biệt là có cung cấp các khoản vay hay viện trợ cho các nước bị thiệt hại nhiều nhất như Tây Ban Nha và Italy hay không. Đức, Hà Lan và Áo kiên quyết phản đối việc viện trợ vì điều này có nghĩa là các nước sẽ phải gánh nợ chung ở một mức độ nhất định.

Vẫn biết tình trạng chia rẽ kiểu này không phải là hiếm ở châu Âu, nhưng tình hình “nước sôi, lửa bỏng” vì đại dịch như bây giờ chẳng lẽ cũng không làm lay chuyển nổi các thành viên dưới mái nhà chung? Thực tế cho thấy những di chứng nặng nề mà nền kinh tế “lục địa già” phải gánh chịu do khủng hoảng sẽ không chờ có câu trả lời mới xuất hiện.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/covid-19-chia-re-luc-dia-gia-618360