Thỏa thuận Xanh sang trang mới?

Mọi con mắt đang đổ dồn vào cách Chủ tịch EC sẽ đi 'thăng bằng' thế nào giữa kinh tế và môi trường trong nhiệm kỳ thứ hai, để kiên định với con đường đổi mới trên khắp 'lục địa già', cũng như giữ vững lộ trình tăng trưởng xanh cho EU trong tương lai.

Thỏa thuận Xanh châu Âu có tham vọng đưa EU lên vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dẫn dắt xu hướng tăng trưởng xanh trên toàn cầu. (Nguồn: Getty Images)

Thỏa thuận Xanh châu Âu có tham vọng đưa EU lên vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dẫn dắt xu hướng tăng trưởng xanh trên toàn cầu. (Nguồn: Getty Images)

Bà Ursula von der Leyen vừa chính thức được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) nhiệm kỳ thứ hai. Đối mặt với hàng loạt thách thức phức tạp để hồi phục kinh tế từ sau đại dịch Covid-19, đường hướng phát triển bền vững của Liên minh và tiếp tục hiện thực hóa những chính sách tham vọng hơn về môi trường, qua đó, nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của EU, bà Leyen đã sẵn sàng định hình tương lai của châu Âu, như cách bà đã thuyết phục những người ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu?

Dẫn đầu xu hướng tăng trưởng xanh

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực hàng đầu trên thế giới có sự quan tâm và đạt được nhiều bước tiến lớn trong việc xanh hóa nền kinh tế. Năm 2020, Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) được thông qua, chính thức khởi động xu hướng mang tính bước ngoặt trên toàn cầu, đồng thời tạo nên kế hoạch cụ thể để nền kinh tế EU phát triển bền vững.

Đặt mục tiêu huy động ít nhất 1.000 tỷ Euro đầu tư bền vững trong thập kỷ tới, Thỏa thuận Xanh nhằm giúp châu Âu chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng tài nguyên hiệu quả, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường an ninh lương thực và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các lĩnh vực thực hiện được đặt ra cho tới năm 2030, bao trùm từ năng lượng, vận tải, nông nghiệp và xây dựng...

Do vậy, EGD được xem là một kế hoạch toàn diện với các hành động cắt giảm triệt để lượng phát thải khí nhà kính ít nhất là 55% vào năm 2030 (so với năm 1990) và biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành bước tiến để phát triển bền vững hơn trong tương lai. Thỏa thuận cũng xây dựng kế hoạch cho các khoản đầu tư cần thiết và các công cụ tài chính để đạt được mục tiêu trong quá trình chuyển đổi này.

Theo đó, một loạt chính sách có tầm nhìn 2050 đã được ban hành là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030.

Trên nền tảng này, nhiều quốc gia EU đã vươn lên dẫn đầu về đầu tư cho tăng trưởng xanh. Theo xếp hạng chỉ số Green Future Index 2022, Top 5 quốc gia dẫn đầu về nền kinh tế carbon thấp đều thuộc EU. Trong đó, vị trí dẫn đầu thuộc về Iceland - một trong hai quốc gia châu Âu tạo ra lượng điện từ năng lượng tái tạo nhiều hơn mức tiêu thụ nội địa. Nền kinh tế Iceland đang vận hành dựa trên 85% năng lượng tái tạo và hướng tới việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Đan Mạch đứng thứ hai, với các nỗ lực đầu tư cho năng lượng bền vững và chuyển đổi xanh. Và nhiều quốc gia thành viên khác bày tỏ quyết tâm tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh, nhanh chóng từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Trong “bước ngoặt xanh” này có dấu ấn đậm nét của Chủ tịch EC Leyen – người góp phần khởi động chính sách EGD, với tham vọng đưa EU lên vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, dẫn dắt xu hướng tăng trưởng xanh trên toàn cầu. Những người ủng hộ hy vọng bà Leyen sẽ tiếp nối các chính sách đã thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trong đó, những chính sách mang tính chiến lược, có tác động lớn đến tương lai EU như EGD sẽ có thể được hiện thực hóa tối đa để đạt được mục tiêu vào năm 2050.

Thách thức lớn đối với nhà cải cách

Trong bối cảnh tăng trưởng xanh đã trở thành con đường tất yếu mà nhiều quốc gia trên toàn cầu theo đuổi, EU đã trở thành một trong những nhà tiên phong. Nhưng để tiến bước vững chắc trên con đường này là điều không hề dễ dàng, câu chuyện của bà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong nhiệm kỳ đầu tiên là một ví dụ.

Giới quan sát bình luận, bà Leyen đã thành công ở nhiệm kỳ đầu tiên nhờ áp dụng và phát triển các chính sách xanh. Nhưng trước một bài toán quá phức tạp với quá nhiều biến số, khiến thách thức để “người cầm lái” con tàu EU có thể dung hòa hai mục tiêu môi trường và kinh tế - xã hội cho 27 quốc gia thành viên nhân lên gấp bội, thậm chí có thể rất khó để tiếp tục kiên định với mục tiêu.

Một trong những bằng chứng thực tế là, cuối nhiệm kỳ đầu tiên, Chủ tịch EC đã phải hủy bỏ một trong những cam kết - cắt giảm một nửa việc sử dụng thuốc trừ sâu, để xoa dịu cánh hữu dân túy và nông dân nổi dậy phản đối trên toàn khu vực, từ Bỉ, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Italy…

Thỏa thuận Xanh là chìa khóa để EU đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nhưng lại đòi hỏi nông dân phải đáp ứng những tiêu chuẩn quá cao. Chẳng hạn, Chiến lược Farm to Fork - trọng tâm của EGD đưa ra các mục tiêu tham vọng mà nông nghiệp EU cần đạt được vào năm 2030, như giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu và 20% lượng phân bón, chuyển đổi ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp sang canh tác hữu cơ…

Một quan chức cấp cao của ủy ban cho biết, đảng Nhân dân châu Âu (EPP) của chính bà Chủ tịch EC và các nhà lãnh đạo EU khác cũng đã gây áp lực buộc bà phải từ bỏ các cam kết quan trọng về khí hậu. Cử tri EU nói chung có xu hướng lo ngại về chi phí sinh hoạt gia tăng cho việc “sống xanh”, do giá nông sản cao hơn, hàng nhập khẩu giá rẻ hơn… - những thứ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của họ, thay vì nghĩ đến những tác động xa xôi của môi trường và biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, Nghị viện châu Âu đã đi đến thống nhất với đa số phiếu ủng hộ để thông qua đề xuất nới lỏng một số quy định về môi trường gắn với việc phân phối các khoản trợ cấp nông nghiệp của EU trị giá hàng chục tỷ Euro vào tháng 4/2024. Các chính sách “chữa cháy” phần nào đáp ứng các nhu cầu xã hội và xoa dịu những bức xúc của nông dân.

Trước những “cơn gió ngược chính trị”, EU tuyên bố kiên định với mục tiêu, khẳng định, việc nới lỏng không làm suy yếu các mục tiêu về môi trường, mà chỉ là đơn giản hóa các quy định để bảo đảm nông dân có thể bảo vệ môi trường, đồng thời duy trì sản xuất hiệu quả.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong một tương lai mà các ngành nông nghiệp và công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu, mọi cải cách đều đòi hỏi sự hy sinh đau đớn, bất kỳ sự trì hoãn quá trình chuyển đổi xanh có thể phải trả giá bằng việc mất đi lợi thế dẫn đầu. Đó là thách thức rất lớn đặt ra với nhà lãnh đạo EC Leyen, cần tìm kiếm một con đường trung dung hơn để không bỏ lỡ mục tiêu lớn.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-xanh-sang-trang-moi-277430.html