Covid-19: Chuyên gia y tế cảnh báo sự bùng phát dịch ở Bắc Kinh
Chiều nay (14-6), Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết không có ca nhiễm mới trong ngày. Đến nay tổng số trường hợp nhiễm Covid-19 được chữa khỏi ở nước ta là 323/334 bệnh nhân (chiếm 96,7% tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam).
Đã 59 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Hiện vẫn còn hơn 10.000 người đang được cách ly chống dịch ở Việt Nam. Nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 đã ngưng máy thở, tự thở được 48 giờ, ngưng toàn bộ các loại kháng sinh.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới nhìn chung vẫn biến vô cùng phức tạp, đã có gần 8 triệu ca nhiễm, khiến hơn 432.000 người tử vong vì đại dịch này.
Hôm nay, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo phát hiện thêm 2 ca mới nhiễm Covid-19 nâng số ca nhiễm bệnh tại Campuchia lên 128 trường hợp, trong đó 125 ca đã khỏi bệnh. Hai ca mới được phát hiện là hai bệnh nhân nam (22 tuổi và 29 tuổi) sống tại tỉnh Kampong Cham vừa trở về Campuchia từ Indonesia trên chuyến bay ngày 12-6.
Cơ quan Quản lý và Phòng, chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 14-6 cho biết nước này ghi nhận thêm 34 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tổng số ca nhiễm Covid-19 tại nước này đã lên tới 12.085 ca. Tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh WHO tiếp tục cảnh báo các nước cần cảnh giác cao đội trước nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai nhiều khả năng bùng phát do đến nay chưa có vắcxin phòng bệnh này.
Hàn Quốc đã nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và chuyển sang tiến hành "kiểm tra y tế trong cuộc sống hàng ngày" bắt đầu từ 6-5 vừa qua, song ngay sau đó cơ quan y tế nước này đã phát hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm tới gần một nửa dân số Hàn Quốc.
Cũng trong hôm nay, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết, 43 nước ở Lục địa Đen đang đóng cửa biên giới hoàn toàn để phòng chống sự dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo Africa CDC, hiện 54 quốc gia châu Phi đang thực hiện quy định hạn chế tập trung nơi công cộng, 38 quốc gia đóng cửa toàn bộ các cơ sở giáo dục, trong khi hoạt động thăm viếng nhà tù và bệnh viện cũng bị cấm tại 20 nước.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều nước châu Phi đã đề xuất việc xét nghiệm và sàng lọc quy mô lớn, 41 nước hiện đã thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng. Hiện, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại châu Phi đã lên tới trên 230.000 ca, trong đó có hơn 6.300 ca tử vong.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt, ngày 14-6, cho biết Canberra đang xem xét kế hoạch mở cửa biên giới cho các doanh nghiệp, thương gia nước ngoài được phép nhập cảnh vào Australia. Thông báo này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Scott Morrison xác nhận phương án đưa sinh viên quốc tế quay trở lại Xứ sở Chuột túi sớm nhất có thể. Theo kế hoạch thí điểm, một số lượng du khách có một số loại thị thực kinh doanh và sinh viên quốc tế nhất định sẽ được phép đến Australia từ tháng Bảy tới.
Việc đóng cửa biên giới kéo dài đã gây ra những thiệt hại lớn cho ngành giáo dục Australia. Các trường Đại học Australia ước tính có thể mất tới 16 tỷ AUD (tương đương 11,2 tỷ USD) doanh thu trong vòng bốn năm tới, nếu sinh viên quốc tế không thể nhập học bởi các hạn chế đi lại do dịch Covid-19 gây ra.
Một diễn biến khác rất đáng chú ý, nhiều chuyên gia y tế nói rằng sự gia tăng số ca nhiễm liên quan đến chợ ở Bắc Kinh không khác gì giai đoạn đầu của đại dịch ở thành phố Vũ Hán, nên Bắc Kinh phải hết sức cẩn thận.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc vừa công bố, trong ngày hôm qua (13-6), nước này ghi nhận thêm 57 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đây là số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày cao nhất kể từ ngày 13-4 đến nay. Trong số các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ghi nhận, có 38 ca lây lan trong cộng đồng và có đến 36 ca có nguồn gốc tại Bắc Kinh. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm cao nhất từng xảy ra ở Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc giám sát số liệu liên quan đến Covid-19.
Tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca ký thỏa thuận với Liên minh Vắc-xin toàn châu Âu để cung cấp lên tới 400 triệu vắc-xin thử nghiệm Covid-19, trong nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất vắc-xin theo tiến độ. Liên minh do Đức, Pháp, Italy và Hà Lan xúc tiến thành lập nên sẽ phân phối vắc-xin do Đại học Oxford thử nghiệm vào cuối năm 2020.
Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) mới đây cảnh báo các nước Mỹ Latinh cần đẩy nhanh tiến độ để các hãng hàng không khu vực nối lại các chuyến bay nội địa muộn nhất là trong tháng Bảy, trước khi có thêm nhiều công ty phải công bố phá sản hoặc chấm dứt hoạt động.
Sau nhiều tuần thực thi các biện pháp cách ly cùng lệnh đóng cửa biên giới hàng không các nước để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, hai hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh là LATAM Airlines và Avianca Holdings đã buộc phải đệ trình đơn xin bảo hộ phá sản tại một tòa án Mỹ, khiến Mỹ Latinh trở thành khu vực đầu tiên của thế giới có các hãng hàng không lớn bị phá sản do tác động của đại dịch.
Xem thêm: Chung tay phòng chống Covid-19