Covid-19: Cơ chế COVAX gặp khó

Chương trình tiêm chủng Covid-19 của khoảng 60 quốc gia có thể gặp trở ngại vì gần như toàn bộ nguồn cung của COVAX (cơ chế tiếp cận vắc-xin Covid-19 toàn cầu) đang bị đình trệ.

Theo dữ liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trong 2 tuần tính đến ngày 10-4, COVAX phân phối chưa đến 2 triệu liều vắc-xin cho 92 quốc gia đang phát triển, bằng với số liều được tiêm ở Anh trong cùng giai đoạn. Tình trạng khan hiếm vắc-xin chủ yếu đến từ quyết định của Ấn Độ về việc ngừng xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất từ Viện Huyết thanh Ấn Độ, nơi cung cấp phần lớn vắc-xin AstraZeneca cho cơ chế COVAX.

Không gì lạ khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros A. Ghebreysus tỏ thái độ bất bình với điều ông mô tả là "sự bất bình đẳng gây sốc" trong chương trình tiêm chủng Covid-19 trên toàn thế giới. Theo ông Tedros, tỉ lệ người được tiêm vắc-xin ở các nền kinh tế lớn là 25%, so với mức 0,2% ở các nước thu nhập thấp.

Tài liệu nội bộ của WHO cũng cho thấy sự bấp bênh trong quá trình bàn giao vắc-xin "đang khiến một số nước mất niềm tin vào cơ chế COVAX", vốn chỉ phân phối những vắc-xin được WHO thông qua. Theo AP, tình trạng này buộc WHO cân nhắc tăng tốc phê duyệt vắc-xin của Trung Quốc và Nga.

Một container chứa vắc-xin AstraZeneca được đưa đến TP Alajuela - Costa Rica, trong khuôn khổ của cơ chế COVAX hôm 7-4 Ảnh: REUTERS

Một container chứa vắc-xin AstraZeneca được đưa đến TP Alajuela - Costa Rica, trong khuôn khổ của cơ chế COVAX hôm 7-4 Ảnh: REUTERS

Hồi đầu tháng này, WHO kêu gọi các nước giàu chia sẻ khẩn cấp 10 triệu liều vắc-xin để đáp ứng mục tiêu tiêm chủng của Liên Hiệp Quốc (LHQ): Bắt đầu tiêm phòng Covid-19 ở mọi quốc gia trong 100 ngày đầu năm 2020. Đến nay, các nước đã cam kết hàng trăm triệu USD cho COVAX nhưng cơ chế này không tìm được vắc-xin để mua trong khi không nước nào đồng ý chia sẻ nguồn cung tức thì.

Bất chấp những lời hứa ban đầu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi cuối tháng 3 tuyên bố rằng khối Liên minh châu Âu (EU) sẽ không chia sẻ vắc-xin cho những quốc gia khác cho đến khi "tình hình sản xuất ở EU được cải thiện".

Giới chuyên gia y tế nhấn mạnh khả năng tiếp cận vắc-xin Covid-19 công bằng trên toàn cầu là yếu tố then chốt để chấm dứt đại dịch. Các cơ quan hậu thuẫn COVAX, gồm WHO, Liên minh Vắc-xin GAVI và Liên minh Đổi mới Phòng ngừa dịch bệnh (CEPI) hôm 8-4 kỷ niệm cột mốc cung cấp 38 triệu liều vắc-xin cho hơn 100 quốc gia.

Tuy nhiên, chuyên gia vắc-xin Brook Baker của Trường ĐH Northeastern (Mỹ) khẳng định đây không phải là điều đáng ca ngợi, đặc biệt là khi lượng vắc-xin trên chỉ đủ dùng cho 19 triệu người, tương đương 0,25% dân số toàn cầu.

Theo đài BBC, ngay cả khi COVAX đạt được mục tiêu phân phối hơn 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 cho 190 quốc gia trong chưa đầy 1 năm, họ vẫn cần nhiều năm để hoàn thành cột mốc tiêm phòng cho ít nhất 70% dân số toàn cầu để đạt được miễn dịch cộng đồng như khuyến nghị của WHO.

Thừa nhận bất ngờ của Trung Quốc

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc vừa thừa nhận rằng các vắc-xin Covid-19 của nước này "không có hiệu quả quá cao" và Bắc Kinh đang xem xét biện pháp khắc phục. "Chúng tôi đang tìm hiểu có nên sử dụng các loại vắc-xin sản xuất bởi nhiều dây chuyền kỹ thuật khác nhau phục vụ tiêm chủng hay không" - ông Cao Phúc cho biết tại một hội nghị ở TP Thành Đô hôm 10-4. Các chuyên gia cho rằng việc kết hợp các loại vắc-xin có thể tăng hiệu quả. Tại Anh, các nhà nghiên cứu đang xem xét khả năng sử dụng kết hợp vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) với vắc-xin AstraZeneca. Vắc-xin Pfizer-BioNTech dựa trên công nghệ mRNA trong khi AstraZeneca sử dụng công nghệ truyền thống, tương tự vắc-xin của Trung Quốc.

Ông Cao Phúc không đưa ra chi tiết về những thay đổi trong chiến lược vắc-xin nhưng có đề cập đến mRNA, một kỹ thuật thử nghiệm được các nhà phát triển vắc-xin phương Tây sử dụng. Một hướng đi khác được nói đến là điều chỉnh liều lượng, khoảng cách giữa các lần tiêm hoặc tăng số lần tiêm. AP dẫn một nghiên cứu tại Brazil cho thấy vắc-xin Sinovac của Trung Quốc chỉ có hiệu quả 50,4%, so với mức 97% của vắc-xin Pfizer-BioNTech. Trung Quốc hiện chưa phê chuẩn bất kỳ loại vắc-xin nước ngoài nào để tiêm cho người dân trong nước.

Huệ Bình

Cao Lực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/co-che-covax-gap-kho-20210411214228371.htm