Covid-19 có phải sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm Covid-19 có phải sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm

Dưới góc độ pháp lý và khía cạnh thực hiện hợp đồng trong kinh doanh, một vấn đề pháp lý được đặt ra là liệu rằng Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng để được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng hay không?

Sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng là một vấn đề pháp lý cơ bản được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (khoản 1 điều 156), một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng phải hội đủ các yếu tố sau đây: là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Như vậy, không phải sự kiện nào xảy ra khách quan, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng, thực hiện không đúng, vi phạm hợp đồng thì đều là sự kiện bất khả kháng mà phải đáp ứng đủ các điều kiện luật định như nêu trên.

Ý nghĩa của việc chứng minh sự kiện bất khả kháng là làm cho doanh nghiệp, bên vi phạm hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm, chẳng hạn như không phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Cụ thể, khoản 2 điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điểm b khoản 1 điều 294 Luật Thương mại 2005 cũng quy định bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Cũng cần lưu ý rằng, bên vi phạm hợp đồng muốn được miễn trừ trách nhiệm thì phải chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình, trường hợp này là bất khả kháng (khoản 2 điều 294, khoản 3 điều 295 Luật Thương mại).

Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra; khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại (khoản 1, khoản 2 điều 295 Luật Thương mại).

Do đó, sự kiện bất khả kháng không phải là sự kiện đương nhiên được miễn trừ trách nhiệm khi nó xảy ra mà còn gắn liền với thủ tục thông báo và chứng minh của bên vi phạm.

Covid-19 có phải là sự kiện bất khả kháng?

Rõ ràng rằng dịch bệnh bùng phát và nhanh chóng lan rộng là một sự kiện khách quan, không thể lường trước được. Tuy vậy, nếu chứng minh sự kiện này là sự kiện bất khả kháng thì còn phải chứng minh các yếu tố còn lại theo luật định như “không thể khắc phục được”, “mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

“Không thể khắc phục được” là không thể khắc phục được sự kiện xảy ra. Rõ ràng đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa chấm dứt; nhiều vùng, nhiều nơi vẫn còn thực hiện cách ly và các biện pháp y tế nghiêm ngặt khác...

Do vậy, nếu một doanh nghiệp bị tác động do sự kiện này thì doanh nghiệp đó không thể khắc phục được sự kiện này dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, thực tế là vượt quá khả năng khắc phục của doanh nghiệp đó, nên cần coi đây là sự kiện bất khả kháng.

Có ý kiến cho rằng sự kiện bất khả kháng phải thỏa mãn yếu tố hợp đồng “không thể thực hiện được” và từ đó cho rằng bản thân Covid-19 không phải là sự kiện bất khả kháng. Thật ra, như trên đã chỉ ra, luật không hề quy định về yếu tố “không thể thực hiện được” đối với sự kiện để xác định đó là sự kiện bất khả kháng. Hơn nữa, hợp đồng vẫn có thể thực hiện được trong trường hợp bất khả kháng, nhưng có thể thực hiện không đúng, không đầy đủ (vi phạm hợp đồng).

Chẳng hạn, Covid-19 làm cho một số khu vực bị cách ly hoặc kiểm soát nghiêm ngặt khi hàng hóa và người vận chuyển đến khu vực đó. Việc này sẽ làm mất thời gian khiến cho thời gian giao hàng trễ hạn nhưng cuối cùng hàng hóa vẫn đến địa điểm giao, hợp đồng vẫn được thực hiện chứ không phải là không thực hiện được. Việc giao hàng trễ trong trường hợp này cần được xem miễn trừ trách nhiệm vì bất khả kháng. Tất nhiên, như trên đã đề cập, bên vi phạm phải có thông báo cho bên bị vi phạm để được hưởng miễn trừ.

Trong trường hợp vì Covid-19 mà dẫn đến cơ quan có thẩm quyền có quyết định hạn chế, cấm đoán (chẳng hạn như hạn chế lưu thông, bốc hàng, dỡ hàng, cấm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa...) thì chính quyết định này cũng được xem là một sự kiện miễn trừ trách nhiệm theo quy định của Luật Thương mại 2005.

Cụ thể, điểm d khoản 1 điều 294 luật này quy định một trong các trường hợp miễn trừ là “Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.

Như vậy, nếu doanh nghiệp vừa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vừa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến doanh nghiệp đó không thực hiện được hợp đồng hoặc vi phạm hợp đồng thì doanh nghiệp đó vừa được hưởng miễn trừ theo sự kiện bất khả kháng, đồng thời còn được miễn trừ với lý do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại (“miễn trừ kép” theo hai cơ sở pháp lý).

Khuyến nghị

Sự kiện bất khả kháng là một vấn đề pháp lý quan trọng. Do đó, trong thực tiễn hợp đồng kinh doanh - thương mại, các bên cần đưa điều khoản này vào hợp đồng, xác định rõ các yếu tố của sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật và có thể thỏa thuận các trường hợp cụ thể được xem là bất khả kháng, các trường hợp cụ thể được miễn trừ trách nhiệm. Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng rằng dịch bệnh là sự kiện được miễn trừ trách nhiệm...

Theo điều 294 Luật Thương mại 2005, các trường hợp được miễn trừ ngoài sự kiện bất khả kháng, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng thì còn có trường hợp được miễn trừ theo thỏa thuận hoặc hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia

Các doanh nghiệp trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng kinh doanh cần nắm các quy định về miễn trừ trách nhiệm theo luật định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

(*) Công ty Luật TNHH KAV Lawyers

LS. Kiều Anh Vũ(*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/300534/covid-19-co-phai-su-kien-bat-kha-khang-de-duoc-mien-tru-trach-nhiem.html