Covid-19 có thể 'dạy' thế giới rất nhiều về các mối đe dọa toàn cầu
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo sự gia tăng đột biến số ca Covid-19. Trong khi đó, một mối nguy hiểm khác là biến đổi khí hậu đang rình rập và không hành động, nhân loại có thể phải hứng chịu hậu quả thảm khốc.
Tình trạng khẩn cấp khí hậu
Mặc dù có tin tức về việc phát thải CO2 vào bầu khí quyển ở giai đoạn đầu của đại dịch giảm, nguy cơ biến đổi khí hậu vẫn hiển hiện. Nghiên cứu mới đã cho thấy, ngay cả sau một năm ngừng hoạt động và ngừng sản xuất, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ không ngừng.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, nếu muốn giảm thiểu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, loài người cần tập trung có mục đích vào việc giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch xuống gần bằng 0, nhưng ngay cả trong trường hợp đó, con người cũng cần tìm cách loại bỏ hơn nữa khí nhà kính khỏi khí quyển.
Khí hậu thay đổi nhanh chóng là do hoạt động của con người gây ra và đây là một kết luận khoa học. Trở lại năm 1988, các nhà khoa học đặt vấn đề Trái Đất nóng lên trong chương trình nghị sự, nhấn mạnh nhân loại đang phải đối mặt với “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Năm 2020, 11.000 nhà khoa học trên khắp thế giới đã công bố một tuyên bố cùng tên, kêu gọi hành động ngay lập tức.
Theo cộng đồng khoa học, việc chúng ta không giảm lượng carbon dioxide (CO2) trong khí quyển sẽ biến những đợt nắng nóng bất thường, bão, cháy rừng và sông băng tan chảy thành “chuyện thường ngày” và có thể “khiến phần lớn diện tích Trái Đất không thể ở được”.
Giới nghiên cứu lưu ý, các hành động chống lại biến đổi khí hậu của các nhà lãnh đạo thế giới không thể được gọi là đủ và hiệu quả. Đồng thời, phản ứng của phương tiện truyền thông đối với đại dịch Covid-19 ví dụ như sử dụng khẩu trang và cách ly xã hội, đã minh họa một mô hình hành động hữu ích, hiệu quả. Con người cũng nên làm như vậy với biến đổi khí hậu. Vì CO2 vẫn tồn tại trong bầu khí quyển trong nhiều thập kỷ, con người chờ đợi hành động quyết định càng lâu, thời tiết càng khắc nghiệt và càng có nhiều khả năng vượt qua các điểm không quay trở lại hoặc không thể kiểm soát.
Đại dịch Covid-19 và sự nóng lên toàn cầu
Đại dịch có thể ít ảnh hưởng đến quá trình biến đổi khí hậu, nhưng Covid-19 chắc chắn có thể dạy chúng ta rất nhiều về các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu. Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học King's College London đã kết luận rằng, các quốc gia chuẩn bị tốt hơn cho tình huống khẩn cấp về khí hậu có nhiều ưu thế hơn nhiều trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Quan trọng hơn, các nhà khoa học cũng đã kết luận rằng các quốc gia nên coi khủng hoảng khí hậu như một đại dịch.
Nghiên cứu lấy dữ liệu từ 110 quốc gia chứng tỏ rằng các xã hội “trong đó mọi người quan tâm đến nhau” đối phó tốt hơn với đại dịch. Công trình nêu bật nhu cầu cấp thiết về đầu tư vào cả hành động khí hậu và cơ sở hạ tầng y tế công cộng để các quốc gia có thể chuẩn bị tốt hơn cho những thảm họa tương tự trong tương lai, như Sciencealert viết. Bằng cách xem xét các biện pháp xã hội, kinh tế và sức khỏe mà mỗi quốc gia đang đề xuất để đối phó với đại dịch, các nhà nghiên cứu tại Đại học King nhận thấy, sự thiếu “gắn kết xã hội” ở Mỹ và Tây Âu đã dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Năm ngoái, suy thoái kinh tế do đại dịch toàn cầu gây ra đã cắt giảm lượng khí thải CO2 khoảng 7%, mà theo một số nghiên cứu, chỉ 10% của sự sụt giảm mạnh ban đầu này là do lượng du lịch hàng không giảm. Một nghiên cứu khác cho thấy, đại dịch Covid-19 sẽ chỉ làm mát hành tinh khoảng 0,01 °C vào năm 2030. Đây là một sự khác biệt nhỏ, nhưng tin tốt lành là nếu hợp lực, sau đó là cắt giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, chúng ta có thể tránh được tình trạng ấm lên 0,3 °C trong tương lai vào năm 2050.
Nhà hóa học Ed Dlugokenski cho biết, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch tăng lên có thể không hoàn toàn là nguyên nhân về sự gia tăng nồng độ khí mêtan trong khí quyển Trái Đất, nhưng việc giảm lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch là một bước quan trọng để giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Thực tế chỉ ra rằng, ngay cả khi mọi người trên khắp thế giới quyết định ở nhà, đi du lịch ít hơn, bay ít hơn và tiêu thụ ít hơn, thì đó vẫn không phải là một giải pháp, bởi vì hơn 71% lượng khí thải từ năm 1988 chỉ được tạo ra bởi 100 siêu công ty của thế giới. Đây là những công ty và hệ thống liên quan đến các công ty này cần được thay đổi. Vì vậy, sẽ cần nhiều hơn một đại dịch toàn cầu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu./.