COVID-19 có thể thay đổi vai trò của Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu
Ngày càng có nhiều người đồng ý rằng đại dịch COVID-19 sẽ khiến thế giới hoài nghi Trung Quốc hơn, làm thay đổi môi trường đã giúp Trung Quốc từ một nước lạc hậu trở thành công xưởng của thế giới.
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, cho đến nay đã giết chết hơn 200.000 người và hơn 3 triệu người mắc bệnh, khiến nhiều người ở Trung Quốc lo rằng liệu họ có thể tiếp tục thịnh vượng khi dư luận nhiều quốc gia đang giận dữ về cách Bắc Kinh xử lý COVID-19, khi nó khởi đầu từ Vũ Hán.
Một trong những thách cấp bách nhất mà chính quyền Trung Quốc phải xử lý là đẩy nhanh việc tái tổ chức chuỗi giá trị toàn cầu, điều có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm của Trung Quốc trong ngắn hạn và làm yếu vai trò lâu dài của nước này trong nền kinh tế toàn cầu, các nhà nghiên cứu và phân tích về Trung Quốc nhận định.
Dù mâu thuẫn về chính trị và tư tưởng với phương Tây, Trung Quốc vẫn sẽ quyết giữ vị trí của mình trong thị trường toàn cầu.
Liệu Trung Quốc có thể duy trì vị trí của mình trong nền kinh tế thế giới hay rơi vào cảnh bị cô lập sau khi đại dịch được khống chế? Đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất trong giai đoạn hậu khủng hoảng.
Hoàng Kỳ Phàm, cựu chủ tịch Trùng Khánh, nói trong bài phát biểu đầu tháng này rằng hệ thống phân phối theo chiều ngang của chuỗi giá trị toàn cầu sẽ đối diện với một cuộc đại tu vì virus corona đã phơi bày nhiều điểm yếu. Nó có thể được thay thế bằng hệ thống hội nhập theo chiều dọc ở một số khu vực cụ thể.
Theo ông Hoàng, hệ thống sản xuất trong tương lai sẽ được hình thành theo “căn cứ sản xuất”, nghĩa là những khu vực có bán kính 50-200km, tập trung đến 70% các bộ phận cốt lõi của chuỗi giá trị và các bán thành phẩm. Với khả năng tiếp cận dễ dàng mạng lưới vận tải toàn cầu và được đặt trong môi trường kinh doanh thuận lợi, những khu vực như vậy sẽ là điều xảy ra trong tương lai.
Theo ông Hoàng, Trung Quốc, với hệ thống hiện đại và năng lực công nghiệp tốt, có cơ hội để nâng cao vai trò của mình trong nền kinh tế toàn cầu nếu chứng minh được sự chân thành trong mở vửa với thế giới bên ngoài.
“Đại dịch đã phơi bày những mắt xích yếu trong mô hình toàn cầu hóa cũ…Trung Quốc và các nước khác phải nghĩ lại và điều chỉnh lại bố cục công nghiệp toàn cầu”, ông Hoàng nói.
“Nhưng sự điều chỉnh đó không phải phủ nhận hoàn toàn toàn cầu hóa…vì nếu làm vậy sẽ không khác gì tự lấy đá ghè chân mình. Cách tiếp cận đúng đắn là mở cửa hơn nữa, thay vì quay đầu 180 độ”, ông Hoàng giải thích thêm.
Quan điểm của chuyên gia này phù hợp với cam kết của Bắc Kinh rằng sẽ thân thiện hơn với các nhà đầu tư và mở cửa thị trường hơn nữa cho doanh nghiệp nước ngoài. Một ví dụ là Samsung đã được chấp thuận cho việc đưa 200 nhân viên đến Tây An để hoàn tất dự án mở rộng nhà máy sản xuất chip ở đó.
Dù các nguy cơ về việc phân tách và cô lập Trung Quốc đang là tiêu đề của nhiều bài báo, nước này vẫn là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, điều mà các công ty đa quốc gia không thể bỏ qua.
Tesla vừa đạt được doanh số bán hàng cao nhất trong tháng trước, với hơn 12.000 chiếc xe, tăng 450% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 40% tổng doanh số bán xe ở Trung Quốc.
“Elon Musk nhảy nhót chỗ đông người khi các xe Model 3 đầu tiên được giao cho khách trong năm nay, và bạn có thể thấy ông ấy vui thế nào”, Chen Fengying, cựu giám đốc Viện Kinh tế thế giới thuộc Viện Qua n hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nói.
“Trung Quốc vẫn là một thị trường không thể bỏ qua”, ông Chen đánh giá.
Nhà nghiên cứu này cho rằng virus corona có thể đẩy nhanh quá trình hình thành các khối kinh tế vùng, với 3 khối chính nổi lên ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á.
“Trung Quốc sẽ là trung tâm của lực hấp dẫn của khối Đông Á…điều được quyết định bởi hệ thống công nghiệp và thị trường rộng lớn của Trung Quốc”, ông Chen nói. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có khả năng kết nối với Nhật Bản và Hàn Quốc ở phía bắc và Đông Nam Á ở phía nam.
Sự chuyển dịch đó đã được thể hiện trong các quan hệ thương mại của Trung Quốc. Trong quý 1 năm nay, ASEAN thay thế EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Ding Yifan, một nhà nghiên cứu cộng tác với Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, cho rằng sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc quá lớn để có thể thất bại.
Trung Quốc đã chứng tỏ năng lực cạnh tranh quốc tế trong hầu hết các ngành công nghiệp, từ thiết bị viễn thông đến đường sắt cao tốc, và năng lực đó vẫn được duy trì trong giai đoạn đại dịch, ông Ding nói.
“Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong những ngày đầu tiên phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài, và mỗi khi các nước phương Tây nói về việc rời khỏi Trung Quốc, Trung Quốc thực sự rất lo lắng. Nhưng trên thực tế, điều này giờ không còn quan trọng nữa. Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống công nghiệp của riêng mình”, ông Ding nói.