Covid-19, công tác bảo hộ công dân và chia sẻ từ người trong cuộc
Chiều 7/5, tại Cục Lãnh sự, Đoàn thanh niên Cục Lãnh sự phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm 'Công tác bảo hộ công dân, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19'.
Tọa đàm "Công tác bảo hộ công dân, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19" diễn ra theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp và đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19, với sự tham dự của đoàn viên thanh niên các đơn vị trong Bộ, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh.
Các diễn giả tại Tọa đàm gồm anh Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; anh Chu Tuấn Việt, Trưởng phòng chế độ chính sách, Vụ Tổ chức Cán bộ và anh Lưu Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng cho rằng, để xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, cán bộ ngoại giao cần được trau đồi, trang bị tốt các kỹ năng ngoại giao, trong đó lãnh sự là một mảng nghiệp vụ lớn.
Anh mong rằng, thông qua các ý kiến trao đổi tại tọa đàm này, các đoàn viên thanh niên có thể thu hoạch được một số kiến thức bổ ích, phục vụ chuyên môn nghiệp vụ cũng như bổ sung kỹ năng ngoại giao cần thiết.
Bảo hộ công dân tốt nhất, kịp thời và hiệu quả
Trong vai trò diễn giả, anh Đỗ Hoàng Tùng cho biết, bảo hộ công dân là việc Nhà nước can thiệp để bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân ở nước ngoài hoặc cung cấp sự giúp đỡ công dân về mọi mặt khi họ gặp khó khăn, hoạn nạn, rủi ro ở nước ngoài mà bản thân không thể tự khắc phục được.
Trong những năm qua, người Việt Nam ra nước ngoài không ngừng gia tăng về số lượng và đa dạng về thành phần.
Theo thống kê, số công dân được bảo hộ tăng dần qua từng năm, trong đó năm 2017 có 8.024 người nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 21.384 người (gồm trường hợp công dân gặp hoạn nạn, không bao gồm số công dân được đưa về trên các chuyến bay về nước tránh dịch).
Số lượng các cuộc gọi của công dân Việt Nam cần tư vấn về các vấn đề liên quan ở nước ngoài thông qua tổng đài bảo hộ công dân tăng cao… đã đặt ra những vấn đề khó khăn, phức tạp cho công tác bảo hộ công dân.
Đặc biệt, trong năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác bảo hộ công dân đã góp phần giúp đỡ hàng nghìn công dân Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, được bảo hộ tính mạng, tài sản, quyền lợi và lợi ích chính đáng.
Những chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu cấp thiết về nước cũng là những chuyến bay mang nặng nghĩa đồng bào, thực sự làm lay động hàng triệu con tim.
Trong quá trình bảo hộ công dân giữa mùa dịch, các Cơ quan đại diện, đặc biệt là những địa bàn tập trung đông người lao động có nhu cầu về nước lớn phải chịu nhiều sức ép; việc tổ chức các chuyến bay gặp nhiều phức tạp do có chuyến phải chuyên chở nhiều trường hợp công dân bị nhiễm bệnh, việc xin phép bay gặp khó khăn, địa điểm hẻo lánh, xa xôi…
Mặc dù ngân sách hạn hẹp, khó khăn thách thức còn nhiều, nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tổ chức các chuyến bay đưa công dân bị mắc kẹt về nước một cách bài bản chuyên nghiệp, an toàn và đảm bảo được công tác phòng chống dịch hiệu quả.
Tính đến ngày 13/4, Bộ Ngoại giao đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện gần 400 chuyến bay đưa khoảng 103.000 công dân từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.
Trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử, với nguồn lực trong nước còn hạn chế, quy định chống dịch đòi hỏi phải tỉ mỉ, chặt chẽ, an toàn, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự nỗ lực vượt bậc, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao với các cơ quan chuyên trách, đã đảm bảo, nâng cao hiệu quả bảo hộ công dân ở nước ngoài, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Bên cạnh đó, đối với các công dân Việt Nam và kiều bào ta còn ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kịp thời trao đổi, đề nghị phía sở tại tiếp tục gia hạn lưu trú đối với các trường hợp công dân hết hạn lưu trú, sớm bố trí lại việc làm cho người lao động mất việc, từng bước duy trì bình thường dần trở lại việc học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam..., và tiến hành những biện pháp bảo hộ tốt nhất khác đối với công dân ta một cách kịp thời, hiệu quả.
Tổng lực trước thách thức chưa từng có
Với vai trò là “hậu phương vững chắc”, Vụ Tổ chức Cán bộ đã nhanh chóng những phương án đặc biệt hỗ trợ thiết thực cho các Cơ quan đại diện việt Nam ở nước ngoài - những người trực tiếp tham gia vào công tác bảo hộ công dân.
Theo anh Chu Tuấn Việt, do đặc thù, nhiều Cơ quan đại diện phải kiêm nhiệm nhiều địa bàn, số lượng cán bộ ít, khối lượng công việc lại nhiều. Đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xảy ra và lây lan nhanh trên toàn cầu với mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng chưa từng có đã nảy sinh những tình huống vô cùng khó khăn cho công dân như nhiều người bị mắc kẹt tại sân bay do các nước đóng cửa biên giới, việc làm bị ảnh hưởng, không có chỗ ở hay bị nhiễm bệnh, khó khăn trong việc tiếp cận chăm sóc y tế…
Những điều này đã tạo ra những thách thức chưa từng có cho công tác bảo hộ công dân, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lúc này phải "tổng lực" toàn bộ sức lực của lực lượng cán bộ, tập trung trong thời gian ngắn và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp xử lý một khối lượng công việc "đồ sộ" với nguồn lực có hạn.
Trong thời gian qua, những cán bộ ngoại giao công tác tại Cơ quan đại diện ở nước ngoài trở thành những "chiến sĩ" ở tuyến đầu chống dịch ở nước ngoài.
Công cuộc chống dịch dù gặp nhiều nguy cơ lây nhiễm, cuộc sống khó khăn, nhưng cán bộ ngoại giao đã luôn nỗ lực vượt khó để kiên trì bám trụ địa bàn, đặt ưu tiên cao nhất cho công tác bảo hộ công dân, thường xuyên liên lạc, động viên giúp đỡ cộng đồng người Việt, trực tiếp ra sân bay hỗ trợ bà con, tích cực làm việc với cơ quan chức năng sở tại để đề nghị đảm bảo cuộc sống cho bà con....
Trong quá trình đó, nhiều cán bộ đã bị mắc Covid-19, tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm nên phải tự cách ly, nhiều cán bộ đã hết nhiệm kỳ nhưng được yêu cầu ở lại phục vụ công dân, thậm chí một số cán bộ gặp tin buồn như bố mẹ mất cũng không thể về làm tròn bổn phận người con...
Với những khó khăn như vậy, anh Chu Tuấn Việt cho biết, ngay từ khi dịch mới khởi phát và sau đó là lan rộng trên toàn thế giới, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo một số đơn vị liên quan tập hợp thông tin, nguyện vọng chung của các cán bộ Cơ quan đại diện để tiến hành hỗ trợ kịp thời. Trong đó, điều chỉnh các chế độ chính sách hỗ trợ các cán bộ đang công tác tại địa bàn có chiến tranh, dịch bệnh.
Cùng với đó, Lãnh đạo Bộ chỉ đạo Cơ quan đại diện lập phương án xử lý tình huống khẩn cấp phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, Vụ Tổ chức Cán bộ phối hợp với Cục Quản trị tài vụ hỗ trợ vật tư y tế cho các cán bộ đang công tác tại các Cơ quan đại diện nước ngoài hơn 15.000 hộp khẩu trang, 1.3000 bộ đồ bảo hộ, cùng hàng chục mặt nạ, hàng trăm lít nước sát khuẩn. Đây đều là những vật dụng vô cùng cần thiết đối với các cán bộ thường xuyên thực hiện công tác bảo hộ công dân.
Để kịp thời cập nhật tin tức, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, chia sẻ kiến thức phòng chống dịch trao đổi thông tin xử lý, cách chăm sóc người mắc Covid-19, Vụ Tổ chức Cán bộ đã tổ chức lập nhóm thông tin thường xuyên trao đổi giúp cán bộ ta yên tâm công tác.
Đặc biệt, để giúp các cán bộ ta kịp thời phản ứng với những khó khăn trước mắt, Bộ Ngoại giao đã phối hợp, kết nối với nhóm y bác sĩ đầu ngành để giúp các Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cập nhật những thông tin, kiến thức y tế, trao đổi cách xử lý các tình huống liên quan đến dịch bệnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Đối với các cán bộ ngoại giao chuẩn bị đi công tác tại nước ngoài cũng tổ chức tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trước khi lên đường nhận nhiệm vụ.
Những câu chuyện bảo hộ công dân, những chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước giữa tâm dịch thực sự trở thành câu chuyện nhân đạo cảm động, làm lay động hàng triệu con tim.
Anh Lưu Tuấn Dũng đã chia sẻ về những câu chuyện thực tiễn trong công tác bảo hộ công dân ngay tại tọa đàm như: câu chuyện đau lòng về vụ việc 39 người Việt Nam thiệt mạng trong một xe tải ở Anh khi đang trên con đường nhập cư bất hợp pháp vào nước này, hay câu chuyện về bảo hộ công dân trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến anh Dũng không thể quên đó là chiến dịch di chuyển công dân Việt Nam ra khỏi tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hồi đầu tháng 2/2020...
Từ những câu chuyện thực tế, các đoàn viên thanh niên có thể hình dung được công tác bảo hộ công vừa đòi hỏi sự chủ động, nhanh nhạy, vừa đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, cũng như đối với các công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua những chia sẻ từ các diễn giả, đoàn viên thanh niên và các cán bộ ngoại giao trẻ có thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ công tác chuyên môn và đặc biệt là đối với các cán bộ khi đi công tác nhiệm kỳ lần đầu tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.