COVID-19: Đại dịch có thể ngày càng tồi tệ, Việt Nam nguy cơ xâm nhập từ ngoài vào rất cao
WHO cảnh báo khủng hoảng COVID-19 có thể ngày càng xấu đi. Nếu các quy tắc cơ bản không được tuân thủ, tình hình đại dịch sẽ ngày càng tồi tệ. Đối với Việt Nam, hiện nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào vẫn cao, do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...
Theo đó, bản tin mới nhất cập nhật từ Bộ Y tế cho biết, hiện thế giới ghi nhận 13.229.075 người mắc; 574.977 người tử vong. 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
Việt Nam đứng thứ 160 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
Việt Nam: 373 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Theo Bộ Y tế, nước Mỹ là tâm dịch lớn nhất thế giới với hơn 3,4 triệu ca mắc; hơn 138.000 người tử vong. Tiếp đó là các nước Brazil, Ấn Độ, Nga, Peru. WHO cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua cảnh báo khủng hoảng COVID-19 có thể ngày càng xấu đi. Nếu các quy tắc cơ bản không được tuân thủ, tình hình đại dịch sẽ ngày càng tồi tệ.
Mặc dù hiện nay, rất nhiều quốc gia đang trong giai đoạn từng bước mở cửa trở lại, nhưng cũng có không ít quốc gia phải phong tỏa cục bộ trở lại một số khu vực trong nước do dịch bệnh. Các chuyên gia nhận định nguy cơ dịch bệnh đối với Việt Nam vẫn còn. Tại Việt Nam, nước ta vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Mặc dù có phát hiện ca mắc mới nhưng đều từ nước ngoài trở về và được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Hiện nguy cơ dịch xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn cao, do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly...
Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Chính phủ Việt Nam xác định phòng chống dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ kéo dài nhiều năm, nên sẽ phải thực hiện vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh.
Việt Nam tiếp tục đưa hàng trăm công dân ở nước ngoài có nhu cầu về nước. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, việc kiểm soát người nhập cảnh vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, tất cả các trường hợp nhập cảnh đều được thực hiện cách ly phù hợp, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.