COVID-19 đang diễn ra thế nào trên toàn cầu?
Các tín hiệu từ khu vực châu Âu và châu Phi đang cho thấy làn sóng dịch do biến chủng Omicron gây ra đang dần kết thúc.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge dự báo rằng tình hình đại dịch COVID -19 ở châu Âu có thể sắp kết thúc nhưng sẽ có phần mạnh hơn vào cuối năm sau sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
“Thật là hợp lý khi khu vực này đang tiến gần đến sự kết thúc của đại dịch”, ông Kluge đánh giá. Châu Âu sẽ có một khoảng thời gian yên tĩnh sau Omicron trước khi COVID-19 có thể quay trở lại vào cuối năm, tuy nhiên làn sóng dịch có khả năng không bùng phát với quy mô lớn.
Chuyên gia này cũng cho biết thêm, mức độ miễn dịch toàn cầu ở châu Âu có thể đạt được trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng tới do sự kết hợp giữa số lượng người nhiễm tương đối cao cùng việc tiếp tục tiêm vắc xin và tính chất “suy giảm theo mùa” của dịch khi mùa xuân sắp tới ở Bắc bán cầu.
Trên thực tế, các chuyên gia chỉ ra, biến chủng Omicron đang bùng phát chưa từng có ở châu Âu, bởi vì nó rất dễ lây lan, có nghĩa là hầu hết mọi người khó tránh bị nhiễm căn bệnh này. Ngay cả khi Omicron ít gây chết người hơn so với các biến thể trước, nhưng các bệnh viện và các dịch vụ quan trọng khác vẫn phải đối mặt với sự quá tải trong những tuần tới do nhiều nhân viên bị nhiễm hoặc phải cách ly.
Tuy nhiên, thông qua các biện pháp cứng rắn của chính phủ nhiều nước châu Âu, việc tiêm chủng diện rộng đã diễn ra nhanh chóng. Điều này cho thấy các mũi tiêm tăng cường dường như có hiệu quả và Omicron ít nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó. Có nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể này tập trung ở đường hô hấp trên, ít xâm nhập vào khu vực phổi nhạy cảm hơn trước đây vốn gây ra các biến chứng tử vong do COVID-19.
Các dữ liệu từ các quốc gia trong khu vực cũng cho thấy, các ca nhiễm mới nhanh chóng vượt ngưỡng so với đợt dịch do biến chủng Delta gây ra. Nhưng số lượng bệnh nhân cần thở máy vẫn không thay đổi mặc dù ca nhiễm gia tăng. Đó là một tín hiệu tích cực cho châu Âu.
Tương tự, những tuyên bố từ Nam Phi cũng củng cố thêm lòng tin biến chủng Omicron sẽ kết thúc đại dịch COVID-19. Nam Phi đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ 0h đến 4h để cho phép người dân tổ chức các hoạt động đón năm mới. Giới chức y tế Nam Phi nhận định xu hướng số ca nhiễm giảm trong tuần qua cho thấy nước này đã qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch bệnh hiện nay, đặc biệt cũng không ghi nhận sự gia tăng chóng mặt các ca tử vong.
Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng: “Năm 2022, giai đoạn cấp bách của đại dịch với thảm kịch về số người nhập viện và tử vong có thể sẽ kết thúc. Virus SARS-CoV-2 rất khó biến mất hoàn toàn nhưng sẽ lắng xuống với sự lây lan ở mức độ thấp và chỉ thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát ở những nhóm người chưa được tiêm chủng."
Mặt khác, tại châu Á, bầu không khí thận trọng vẫn bao trùm khi khu vực này đang chứng kiến sự gia tăng của các ca nhiễm biến chủng Omicron. Tại Trung Quốc đại lục, chính quyền nhiều thành phố vẫn áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt khi xuất hiện ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore cũng bắt buộc cách ly đối với tất cả du khách quốc tế. Với Nhật Bản, quốc gia áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất, đã cấm hầu hết du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Hàn Quốc cấm các nhà hàng hoạt động sau 21h tối đến ít nhất ngày 16/1.
Với tỷ lệ tiêm chủng tại châu Á thuộc nhóm cao trên thế giới, các quy định như xét nghiệm đại trà, cách ly nghiêm ngặt đối với những người đến từ vùng có dịch, bắt buộc đeo khẩu trang rộng rãi, đã giúp các quốc gia châu Á làm chậm nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Shigeru Omi, cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản nhận định, với hệ thống y tế công cộng chịu nhiều áp lực từ các đợt dịch trước, nhiều quốc gia vẫn đang thận trọng với Omicron để tránh gia tăng áp lực lên nền kinh tế.
Tại khu vực châu Phi và châu Mỹ, tuy số lượng ca nhiễm do Omicron vẫn còn ở mức tương đối thấp so với các khu vực khác. Nhưng nhiều nước trong hai châu lục này có tỷ lệ tiêm chủng thấp do sự bất bình đẳng trong việc phân phối vắc xin.
Có thể thấy, mức độ giảm "nhiệt" do COVID-19 tại các khu vực là khác nhau, nhưng các chuyên gia đều kỳ vọng, COVID-19 sẽ dần trở thành một loại bệnh đặc hữu. Mọi người sẽ ít nhiễm bệnh hơn nếu có miễn dịch hoặc đã tiêm vắc xin. Do đó, để chấm dứt đại dịch, bên cạnh những công cụ hiệu quả trong việc phòng, chống dịch, việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo và đang phát triển cần được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới thông qua một mạng lưới hợp tác toàn cầu.