COVID-19 đưa đến những thay đổi vĩnh viễn trong nền kinh tế toàn cầu
Nhân viên Công ty ZoraBots kiểm tra hoạt động của robot CRUZR tại Bệnh viện Trường đại học Y Antwerp ở Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Những cú sốc kinh tế như đại dịch COVID-19 chỉ diễn ra một lần trong vài thế hệ và sẽ đưa đến những thay đổi lớn và vĩnh viễn.
Đại dịch COVID-19 sẽ định hình cách chúng ta làm việc, chi tiêu và đi lại cũng như định hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhiều năm tới.
Một số thay đổi đã trở nên rõ ràng. Sự thay thế của robot trong những công việc tại nhà máy hay trong lĩnh vực dịch vụ sẽ gia tăng, trong khi nhân viên văn phòng sẽ làm việc tại nhà nhiều hơn.
Tình trạng bất bình đẳng giữa các nước và ở mỗi quốc gia sẽ lớn hơn. Các chính phủ sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống của người dân, chi tiêu nhiều hơn và cũng nợ nhiều hơn.
Thâm hụt ngân sách tăng
Việc các nhà chức trách giám sát chuyện người dân đi đâu và gặp ai, trả lương cho người lao động khi người sử dụng họ không có khả năng chi trả đã trở thành điều bình thường.
Ở những nước mà ý tưởng về thị trường tự do đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, các mạng lưới an toàn phải được tăng cường.
Thâm hụt ngân sách đã gia tăng khi các chính phủ hành động để bảo vệ nền kinh tế trước đại dịch. Theo McKinsey & Co, mức thâm hụt ngân sách của các chính phủ trên khắp thế giới lên đến 11.000 tỉ USD trong năm nay.
Vấn đề được đặt ra là liệu những khoản chi như vậy có thể kéo dài trong bao lâu và khi nào thì người đóng thuế bắt đầu phải tham gia.
Ít nhất, ở các nền kinh tế phát triển, các mức lãi suất siêu thấp và các thị trường tài chính chưa bị xáo trộn không cho thấy một cuộc khủng hoảng trong tương lai gần.
Về dài hạn, các ý kiến cùng nhất trí rằng các chính phủ có nhiều khả năng chi tiêu hơn trong điều kiện lạm phát thấp và nên sử dụng chính sách tài khóa một cách chủ động hơn để điều hành nền kinh tế.
Các điều kiện tài chính dễ dàng hơn
Các ngân hàng trung ương bị cuốn trở lại vào việc in tiền. Lãi suất đã xuống đến các mức thấp kỷ lục. Các ngân hàng trung ương đã tăng cường nới lỏng định lượng, mua trái phiếu doanh nghiệp cũng như chính phủ.
Tất cả những can thiệp về tiền tệ này đã tạo ra những điều kiện tài chính dễ dàng nhất trong lịch sử và một làn sóng đầu tư vì mục đích đầu cơ. Tuy nhiên, các chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ khó đảo ngược, đặc biệt là khi các thị trường lao động vẫn chưa phục hồi và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục các kế hoạch cắt giảm chi phí.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã hạ lãi suất trong năm nay. Lịch sử cho thấy các lần đại dịch đã khiến lãi suất giảm trong một thời gian dài. 1/4 thế kỷ sau khi đại dịch bùng phát, lãi suất thường giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm so với bình thường.
Nợ và các doanh nghiệp “xác sống”
Các chính phủ đã cấp các khoản tín dụng như một chiếc phao cứu sinh trong đại dịch và các doanh nghiệp đã nắm lấy. Kết quả là nợ doanh nghiệp ở các nước phát triển tăng.
Ngân hàng Thanh toán quốc tế tính toán rằng các doanh nghiệp phi tài chính đã vay ròng 3.360 tỉ USD trong nửa đầu năm 2020.
Với doanh thu trong nhiều lĩnh vực giảm do các biện pháp phong tỏa và sự thận trọng của người tiêu dùng và mức lỗ được ghi vào bản cân đối kế toán, những điều kiện cho một cuộc khủng hoảng lớn về thanh toán của doanh nghiệp đã hội tụ.
Những doanh nghiệp “xác sống” với doanh thu không đủ chi phí đang gánh số nợ chưa từng có là 2.000 tỉ USD.
Những khác biệt lớn
Các nước nghèo không đủ nguồn lực để bảo vệ việc làm và doanh nghiệp hoặc đầu tư cho vaccine như cách mà các nước giàu đã làm và sẽ phải "thắt lưng buộc bụng" sớm hơn nếu không sẽ bị rơi vào khủng hoảng tiền tệ và thất thoát vốn.
Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo đại dịch đang khiến một thế hệ lại rơi vào đói nghèo và khủng hoảng nợ, và các nước đang phát triển có nguy cơ bị thụt lùi một một thập kỷ.
Các nước chủ nợ trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đã có một số động thái nhằm giảm bớt khó khăn cho các nước đi vay nghèo nhất, nhưng bị chỉ trích khi chỉ giảm nợ có hạn chế và không kêu gọi được sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.
Đà phục hồi theo hình chữ K
Những người làm các công việc có mức lương thấp trong lĩnh vực dịch vụ thường phải tiếp xúc nhiều hơn với khách hàng có xu hướng sẽ bị mất việc đầu tiên khi các nền kinh tế bị phong tỏa.
Và các thị trường tài chính, nơi mà các tài sản chủ yếu hầu như thuộc về những người giàu, phục hồi nhanh hơn các thị trường việc làm. Sự phục hồi như vậy được cho là theo hình chữ K.
Robot thay thế con người
Đại dịch đã gây ra những lo ngại mới về việc tiếp xúc trực tiếp trong những lĩnh vực mà việc giãn cách xã hội là khó khăn như bán lẻ, khách sạn và xếp kho.
Một giải pháp là thay thế con người bằng robot. Nghiên cứu cho thấy tự động hóa thường được thúc đẩy trong thời kỳ suy thoái.