COVID-19: Đức siết biên giới, cách ly bệnh viện ở Berlin vì biến thể

Các bác sĩ tại bệnh viện Humboldt - Nguồn: dw.com

Truyền thông Đức đưa tin, từ sáng 24/1, cảnh sát liên bang Đức tiến hành siết chặt kiểm soát biên giới trong bối cảnh Chính phủ liên bang vừa đưa hàng chục quốc gia vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đại dịch COVID-19.

Việc siết chặt kiểm soát biên giới được thực hiện nhằm ngăn chặn những người nhiễm virus gây đại dịch COVID-19 nhập cảnh Đức, đặc biệt là những trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bộ Nội vụ Đức đã chỉ thị "kiểm soát chặt" mọi trường hợp nhập cảnh từ các nước/khu vực có chỉ số lây nhiễm cao theo danh sách của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI). Theo kế hoạch này, cảnh sát liên bang đã huy động thêm nhân lực để tăng cường kiểm soát mọi hành khách ở các sân bay lớn như Frankfurt và München.

Để ngăn ngừa các trường hợp nhiễm COVID-19 nhập cảnh Đức, Chính phủ liên bang đã đưa tổng cộng 32 nước vào danh sách các nước có nguy cơ lây nhiễm cao, cụ thể là các nước có chỉ số lây nhiễm mới trong bảy ngày vượt quá 200 ca. Theo đó, tất cả trường hợp từ những nước như vậy cần phải làm xét nghiệm sớm nhất 48 giờ trước khi nhập cảnh Đức và chỉ các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính mới được nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh cũng cần thực hiện quy định cách ly đủ 10 ngày.

Trong số các nước châu Âu nằm trong danh sách có nguy cơ cao gồm có Estonia, Latvia, Lítva, Bồ Đào Nha, Slovenia, Tây Ban Nha và Cộng hòa Czech. Ngoài ra, Đức cũng sẽ kiểm soát chặt mọi trường hợp đến từ các nước phát hiện biến thể của virus SARS-CoV-2 là Nam Phi, Brazil, Ireland và Anh.

Ngoài việc phải làm xét nghiệm (có kết quả âm tính) trước khi vào Đức, các trường hợp liên quan cũng cần phải thực hiện khai báo trực tuyến tình trạng y tế bản thân nhằm giúp kiểm soát việc cách ly sau này. Theo kế hoạch, riêng trong ngày 24/1 sẽ có ít nhất 17 chuyến bay từ các nước/khu vực nguy cơ cao hạ cánh ở Đức.

Trong khi đó tại Berlin, bệnh viện Humboldt thuộc quận Reinickendorf ngày 23/1 đã phải cách ly toàn bộ sau khi phát hiện 20 ca, gồm 14 bệnh nhân và sáu nhân viên y tế, nhiễm biến thể phát hiện ở Anh. Toàn bộ nhân viên và bệnh nhân phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc, trong khi bệnh viện phải đóng cửa và tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới.

Theo thông báo của các cơ quan y tế Đức tối 23/1, trong 24 giờ qua nước Đức ghi nhận thêm khoảng 14.000 ca nhiễm mới và 617 ca tử vong. Hiện số ca còn mắc COVID-19 ở Đức là trên 270.000 người.

Tại châu Á, Malaysia ngày 23/1 thông báo số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua của nước này là 4.275 ca - mức cao nhất trong 1 ngày ghi nhận được kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này.

Theo giới chức y tế Malaysia, trong tổng số ca nhiễm mới có 11 ca nhập cảnh và 4.264 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 180.455 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 667 ca tử vong do COVID-19.

Tại Indonesia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 12.191 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 977.474 ca, trong đó có 27.664 ca tử vong. Bộ Y tế Indonesia cho biết dịch COVID-19 hiện lây lan toàn bộ 34 tỉnh của nước này.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo phát hiện thêm 1.797 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên 467.886 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này này là 10.190 người. Bộ Y tế Philippines khẳng định không phát hiện bất cứ trường hợp lây nhiễm nào trong cộng đồng liên quan đến 17 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2

Bộ Y tế Phillipines kêu gọi người dân phối hợp thực hiện các quy định y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch của nhà nước.

Ngày 23/1, Nhật Bản ghi nhận số người tử vong do COVID-19 vượt con số 5.000 người trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó làn sóng lây nhiễm thứ 3. Thời gian gần đây, tốc độ tử vong liên quan đến COVID-19 ở Nhật Bản tăng mạnh, buộc Thủ tướng Yoshihide Suga phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 11 trong số 47 tỉnh thành của đất nước, bao gồm cả Tokyo, Osaka và Kyoto, hồi đầu tháng. Ở Nhật Bản, số người tử vong do bệnh này lên đến 1.000 người vào tháng 7 sau khi xác định trường hợp lây nhiễm đầu tiên vào ngày 15/1/2020, và con số này đã vượt quá 3.000 người vào cuối tháng 12/2020. Hiện Nhật Bản có tổng cộng 351.020 ca mắc COVID-19.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cảnh báo những nỗ lực của họ nhằm khống chế đại dịch COVID-19 đối mặt với một thách thức to lớn tiềm ẩn từ sự lây lan của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Giới chức Úc thông báo phát hiện 3 ca dương tính với biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tại Anh. Cả ba người này đều là du khách và hiện đang cách ly tại khách sạn ở Melbourne. Họ đều tham gia cách ly từ ngày 15/1 sau khi nhập cảnh vào Úc.

Theo trang thống kê worldometers.info, thế giới đã ghi nhận hơn 98,84 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 2,11 triệu người tử vong do bệnh COVID-19.

Toàn thế giới có 71,05 triệu người bình phục. Hiện vẫn còn 25,67 triệu người mang trong mình virus và số ca mắc COVID-19 cần điều trị tích cực chiếm 0,4% trong số đó.

Với tổng số 25,39 triệu ca nhiễm và hơn 424.000 ca tử vong, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất trong đại dịch COVID-19. Trong 24 giờ qua, California - bang đông dân nhất nước Mỹ, một lần nữa ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, 764 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại bang này hiện đã lên tới 35.768 người. Trước đó, California ghi nhận ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất là vào 2 tuần trước.

Cũng trong 24 giờ qua, bang này ghi nhận thêm 23.024 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại bang này lên 3.062.068 ca. California cũng là bang đầu tiên của Mỹ trong tuần qua có tổng số ca nhiễm vượt 3 triệu ca.

Trong khi đó, nhiều nước trong đó có Panama, Bồ Đào Nha và Bulgaria đã công bố những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và Anh.

Nỗi lo về biến thể của SARS-CoV-2 tăng cao hơn khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/1 thông báo, có bằng chứng cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện vào cuối năm ngoái ở nước này có thể liên quan với tỉ lệ tử vong cao hơn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh khẳng đinh tất cả những bằng chứng hiện tại cho thấy các loại vắcxin ngừa COVID-19 vẫn có hiệu quả đối với thể cũ cũng như biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Anh đang phải hứng chịu làn sóng dịch COVID-19 thứ ba đồng thời là làn sóng tồi tệ nhất. Việc ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 tử vong hàng ngày cao kỷ lục trong thời gian gần đây đã đẩy tổng số ca chết vì đại dịch này ở Anh lên gần 100.000 người.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251579/covid-19--duc-siet-bien-gioi-cach-ly-benh-vien-o-berlin-vi-bien-the.html