COVID-19 hết 10/9 tại ASEAN: Số ca mắc tăng mạnh, Indonesia và Myanmar siết chặt phòng dịch
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 10/9, số người mắc COVID-19 tại ASEAN là 529.997, trong đó 12.787 người tử vong.
Trong ngày 10/9, ASEAN ghi nhận 7.917 ca mắc tại sáu quốc gia và 202 ca tử vong tại ba quốc gia.
Hai quốc gia có số ca mắc cao nhất trong ngày 10/9 tại ASEAN vẫn là Philippines và Indonesia, đều trên 3.600 ca. Tiếp đó là Myanmar với 120 ca. Số ca mắc tại Myanmar có xu hướng giảm trong mấy ngày gần đây, nhưng số ca mắc/ngày vẫn ở mức ba con số.
Về ca tử vong, ba quốc gia có người chết vì COVID-19 trong ngày 10/9 là Indonesia (120 ca), Philippines (80 ca) và Myanmar (2 ca).
Tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến thủ đô Jakarta của Indonesia phải áp đặt lại biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn, còn thành phố Yangon của Myanmar phải gia hạn lệnh ở nhà.
Indonesia: Jakarta tái áp đặt giãn cách xã hội quy mô lớn
Ngày 10/9, số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy có thêm 3.861 ca, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 207.203 ca. Số ca tử vong cũng tăng 120 ca lên 8.456 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Tại thủ đô Jakarta, trên 1.000 ca mắc COVID-19 ghi nhận mỗi ngày trong tháng 9. Các bác sĩ cảnh báo tình hình dịch vẫn chưa được kiểm soát và các phòng chăm sóc tích cực gần như hoạt động hết công suất. Theo chính quyền thành phố Jakarta, tỷ lệ kín chỗ tại các phòng cách ly ở 67 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện là 77%, trong khi con số này ở các phòng chăm sóc tích cực là 83%. Người phát ngôn của Hiệp hội Y tế Indonesia, Halik Malik đánh giá gánh nặng đặt lên đối với hệ thống y tế ở Jakarta là rất lớn.
Lo ngại hệ thống y tế ở Jakarta có thể sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải, Thống đốc Anies Baswedan ngày 9/9 đã tái áp đặt các biện pháp phong tỏa ở thành phố này từ ngày 14/9. Theo đó, tất cả các hoạt động của văn phòng, công sở sẽ được thực hiện tại nhà. Chỉ có 11 lĩnh vực thiết yếu sẽ được phép hoạt động, trong khi 11 lĩnh vực không thiết yếu đã được cấp phép hoạt động sẽ được đánh giá lại.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã quyết định kể từ ngày 14/9 tới tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB) giống như giai đoạn đầu của dịch. Với việc tái áp đặt PSBB, người dân Jakarta sẽ trở lại hoạt động, cầu nguyện, làm việc và học tập tại nhà.
Tất cả các địa điểm vui chơi giải trí sẽ đóng cửa trở lại và các hoạt động tụ tập đông người cũng sẽ bị cấm. Các địa điểm thờ tự chỉ được phép mở cửa ở cấp độ làng hoặc khu dân cư và chỉ những người dân địa phương mới được phép sử dụng. Đặc biệt, các địa điểm thờ tự nằm trong các vùng và khu vực “đỏ” có nhiều trường hợp mắc COVID-19 sẽ không được mở cửa.
Thành phố lớn nhất Myanmar gia hạn lệnh ở nhà
Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 ở Myanmar chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 10/9, Myanmar đã siết chặt các biện pháp phong tỏa ở Yangon, thành phố lớn nhất nước này với khoảng 5 triệu dân, sau khi phát hiện thêm 120 ca bệnh trên cả nước, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.
Theo đó, nhà chức trách Myanmar đã gia hạn lệnh ở nhà tại gần 50% số khu vực ở thành phố Yangon, nơi ghi nhận phần lớn số ca mắc mới. Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ và nhà máy vẫn được phép mở cửa và người lao động được miễn trừ lệnh trên.
Hiện Myanmar có tổng cộng 2.009 ca mắc COVID-19, trong đó có 14 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm ở nước này hiện tăng gấp 4 lần so với thời điểm một tháng trước. Tình hình dịch diễn biến phức tạp buộc nhà chức trách phải ra lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc và tái áp đặt các hạn chế.
Philippines có số ca mắc mới cao nhất trong 11 ngày
Bộ Y tế Philippines thông báo thêm 3.821 ca mới, mức cao nhất trong 11 ngày qua, và 80 ca tử vong mới. Như vậy, tính đến nay, nước này có 248.947 ca, cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 4.066 ca tử vong. Số ca bình phục hiện là 186.058 ca.
Thủ đô Manila tiếp tục là tâm dịch ở Philippines, ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày 10/9 ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, với 2.079 ca. Tính đến thời điểm này, Philippines đã tiến hành hơn 2,76 triệu lượt xét nghiệm COVID-19.