COVID-19 hết 8/9 tại ASEAN: Indonesia và Philippines có trên 3.000 ca bệnh trong 24 giờ qua
Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 8/9, số người mắc COVID-19 tại ASEAN là 515.250, trong đó 12.405 người tử vong.
Trong ngày 8/9, ASEAN ghi nhận 6.551 ca mắc tại 7 quốc gia và 126 ca tử vong tại hai quốc gia.
Hai quốc gia có số ca mắc cao nhất trong ngày 8/9 tại ASEAN là Philippines và Indonesia, đều trên 3.000 ca. Tiếp đó là Malaysia và Myanmar với trên dưới 100 ca trong ngày 8/9.
Về ca tử vong, hai quốc gia có người chết vì COVID-19 trong ngày 8/9 là Philippines (26 ca) và Indonesia (100 ca).
Ca nhiễm mới ở Indonesia và Philippines đều trên 3.000 ca/ngày
Trong số các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Philippines và Indonesia là hai nước chịu ảnh hưởng nhất của dịch COVID-19.
Ngày 8/9, Bộ Y tế hai nước công bố số liệu báo cáo tình hình dịch bệnh cho biết hai nước này đều ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm trong ngày, cụ thể 3.046 ca tại Indonesia và 3.260 ca tại Philippines.
Trong 24 giờ qua, Indonesia thông báo có thêm 100 ca tử vong, trong khi Philippines ghi nhận thêm 26 ca tử vong. Đến nay, Philippines ghi nhận tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 lần lượt là 241.987 ca và 3.916 ca, trong khi con số này của Indonesia là 200.035 ca mắc và 8.230 ca tử vong - cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhiều chùa Campuchia không phòng dịch
Theo Bộ Y tế Campuchia, các biện pháp chống dịch tại nước này hiện đang bị lơi lỏng. Một số chùa và những người đi lễ chùa đã không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong dịp Lễ Pchum Ben.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine phát biểu với tờ Khmer Times, cho hay tình trạng không thực hiện các biện pháp y tế về phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội, đã xảy ra ở nhiều chùa thuộc các tỉnh Stung Treng, Tboung Khmum và Kampong Cham.
Bà Or Vandine kêu gọi các chùa và phật tử đi lễ áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ nhất có thể. Việc phòng dịch phải được thực hiện mỗi ngày. Những người đi lễ phải tự bảo vệ bản thân bằng cách sử dụng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và ngồi làm lễ cách nhau ít nhất 1,5 m. Các chùa cũng nên tổ chức các buổi lễ đảm bảo giãn cách giữa chư tăng và phật tử.
Tổ chức Tôn giáo Campuchia cũng đã hướng dẫn tất cả các chùa trên cả nước tham gia phòng chống dịch COVID-19, đề nghị những người đi lễ chùa kiểm tra thân nhiệt và rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn. Lễ Pchum Ben tưởng nhớ những người đã khuất tại Campuchia diễn ra từ 3-18/9.
Sáng 8/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo không có ca nhiễm mới COVID-19 và thêm một bệnh nhân đã khỏi bệnh. Như vậy tính đến sáng nay, Campuchia xác nhận tổng cộng 274 ca nhiễm COVID-19 tại nước này, trong đó 273 người đã bình phục.
Trong khi đó, phát biểu trực tuyến tại Đại Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 41, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và đoàn kết giữa các nước trong khu vực để ứng phó với dịch bệnh hiện nay. Ông nhấn mạnh dịch bệnh COVID-19 mang đến nhiều thách thức chưa từng có như những quan ngại về y tế công cộng, tập trung đông người, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, tác động nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội toàn cầu.
Số ca mới mắc COVID-19 tại Malaysia quay trở lại mức 3 con số
Ngày 8/9, Malaysia ghi nhận 100 ca mới mắc COVID-19, mức tăng cao nhất kể từ khi nước này áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) từ ngày 10/6.
Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc Cơ quan Y tế trực thuộc Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah cho biết, trong số 100 ca mới mắc nói trên, 85 ca là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu liên quan đến ổ dịch tại Benteng LD, bang Sabah trên đảo Borneo và ổ dịch Sungai ở bang Kedah tiếp giáp với Thái Lan. 15 ca còn lại là các ca ngoại nhập.
Hôm 7/9, Malaysia ghi nhận 62 ca mới mắc, tăng hơn 10 lần so với con số 6 ca vào ngày trước đó. Tính đến ngày 8/9, Malaysia có tổng cộng 9.559 ca mắc COVID-19, trong đó 128 trường hợp tử vong và 295 ca đang phải điều trị.
Indonesia dành hơn 2,7 tỷ USD để mua và phát triển vaccine phòng COVID-19
Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartanto cho biết chính phủ nước này đã dành 3.700 tỷ rupiah để thanh toán trước cho hợp đồng mua vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Bộ trưởng cao cấp này cho biết năm tới, chính phủ Indonesia dự tính dành 37.000 tỷ rupiah cho chương trình phát triển vaccine kéo dài nhiều năm.
Chính phủ Indonesia đang xem xét một số loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng đang được phát triển. Trong đó, đầu tiên là vaccine Merah Putih (Đỏ và Trắng – đặt tên theo màu quốc kỳ Indonesia) đang được Bộ Nghiên cứu và Công nghệ phối hợp với Viện Sinh học Phân tử Eijkman phát triển. Hai là loại vaccine đang được công ty dược phẩm nhà nước PT Bio Farma hợp tác với tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Ba là loại vaccine do Tập đoàn 42 (G42) của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phát triển.
Bộ trưởng Airlangga cho hay Indonesia có kế hoạch mua 30 triệu liều vaccine G42 trong năm nay và 290 triệu liều vaccine Sinovac trong năm tới. Ông cũng cho biết bộ y tế đã chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng, dự kiến bắt đầu vào đầu năm tới.
Ngoài một số quốc gia như Brazil và Bangladesh, vaccine Sinovac đang được các hãng PT Bio Farma, Sinovac Biotech cùng Đại học Padjadjaran (Unpad) tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên hơn 1.000 người tham gia tại huyện Bandung, tỉnh Tây Java, dự kiến tiến hành trong 6 tháng.
Chính phủ Indonesia cũng cho Viện Eijkman thời hạn 12 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2021, để phát triển các nguyên mẫu vaccine đã được thử nghiệm trên động vật, trước khi trao cho Bio Farma để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên người. Bio Farma đặt mục tiêu sau khi được phê duyệt sẽ sản xuất hàng loạt vaccine Merah Putih vào năm 2022, đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu trong nước.
Thái Lan cảnh giác trước tình hình COVID-19 ở Myanmar
Bộ Y tế Thái Lan vẫn lo ngại về các ca lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Myanmar sau khi có những dự đoán rằng dịch bệnh có thể vươn tới biên giới Thái Lan-Myanmar trong vòng 2 tuần tới.
Truyền thông sở tại ngày 8/9 dẫn lời Cục trưởng Cục Các bệnh Truyền nhiễm Sophon Iamsirithavorn nói rằng tình hình COVID-19 ở Myanmar là một mối lo ngại lớn vì nước này đang ghi nhận hơn 100 ca mỗi ngày ở rất nhiều thành phố.
Theo ông Sophon, dịch bệnh đã bắt đầu lây lan từ bang Rakhine ở bờ biển phía Tây tới miền Trung, và mặc dù các điểm nóng COVID-19 của Myanmar vẫn còn cách xa Thái Lan, có dự báo rằng virus gây bệnh sẽ lan tới các khu vực biên giới trong vòng 2 tuần.
Tiến sĩ Sophon nói rằng các biện pháp nghiêm ngặt đã được áp dụng dọc theo biên giới.
Về tình hình dịch bệnh tại Thái Lan, tính đến ngày 8/9, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 3.446 ca COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Đến nay, 95,2% bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan đã bình phục và có 106 trường hợp đang được điều trị ở các bệnh viện.