Covid-19 không ngừng càn quét toàn cầu, hơn 185.000 người tử vong
Thế giới tiếp tục hứng chịu những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, với danh sách người nhiễm bệnh và tử vong không ngừng tăng lên.
Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 18h chiều ngày 23/4, virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 2,56 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 185.000 người khác ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh sách hồi phục đạt gần 730.000 người.
Mỹ vẫn là nước bị Covid-19 tấn công mạnh nhất thế giới. Hơn 849.000 người Mỹ dương tính với Covid-19, trong khi gần 47.700 người thiệt mạng vì chủng virus đáng sợ này.
Đứng kế tiếp Mỹ trong danh sách nạn nhân của Covid-19 là Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Anh.
Trung Quốc góp thêm 30 triệu USD cho WHO
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23/4 thông báo khoản tiền này là để trợ giúp cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch Covid-19, đặc biệt nhằm mục đích tăng cường hệ thống y tế của các quốc gia đang phát triển. Hồi tháng 3, Trung Quốc đã chi cho WHO 20 triệu USD.
Động thái mới của Trung Quốc được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hồi giữa tháng 4 rằng Mỹ sẽ dừng đóng góp cho WHO, cáo buộc tổ chức y tế toàn cầu "quản lý kém" cuộc khủng hoảng Covid-19. Washington và Bắc Kinh cũng cáo buộc qua lại về nguồn gốc virus corona gây bệnh.
Ông Trump nói Mỹ đã dành 400-500 triệu USD mỗi năm cho WHO, trong khi Trung Quốc chỉ góp khoảng 40 triệu USD, thậm chí ít hơn. Hiện WHO cũng chịu sức ép lớn từ Australia và các quốc gia phương Tây khác với cáo buộc quá chậm chạp trong việc ứng phó với sự bùng phát dịch Covid-19.
Indonesia chi 52 triệu USD nhập khẩu thiết bị y tế
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt Indonesia (DJBC) Heru Pambudi cho biết, tính đến ngày 19/4, các cơ quan chức năng nước này đã nhập khẩu các loại hàng hóa để xử lý dịch Covid-19 với tổng giá trị lên tới 777,59 tỷ Rupiah (khoảng 52 triệu USD).
Theo ông Heru Pambudi, phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường hàng không, bao gồm khẩu trang y tế, bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh, bộ bảo vệ cá nhân (PPE) và dược phẩm. Đến nay, Indonesia ghi nhận 7.775 người nhiễm Covid-19, 647 trường hợp tử vong và 960 ca hồi phục.
Thái Lan có ca nhiễm mới thấp
Ngày 23/4, Thái Lan thông báo thêm 13 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong, nâng tổng số danh sách nhiễm lên 2.839 người và 50 ca tử vong. Đây là ngày nước này ghi nhận số ca nhiễm mới thấp nhất trong 40 ngày qua.
Người phát ngôn Trung tâm Quản lý tình hình Covid-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin nhấn mạnh, Thái Lan đã đạt được "thành công nhỏ", cho thấy người dân hợp tác bằng cách ở nhà để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc chiến chống Covid-19 chưa kết thúc, vì đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu và còn tiếp diễn.
Đức hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp
Các đảng liên minh của Đức, ngày 23/4, nhất trí tiến hành các biện pháp cứu trợ tiếp theo trị giá khoảng 10 tỷ Euro (10,81 tỷ USD) để bảo vệ người lao động và các doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh.
Gói cứu trợ bao gồm hỗ trợ tiền cho người lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, tạm thời bớt gánh nặng thuế cho ngành thực phẩm thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với mặt hàng thực phẩm, và miễn thuế cho các doanh nghiệp nhỏ.
Khoản tiền trên cũng dự kiến giúp các trường học và học sinh đẩy mạnh các chương trình giảng dạy trực tuyến và số hóa ngành giáo dục.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Đức đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp 750 tỷ Euro với mục tiêu ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường.