Covid -19 làm tăng nguy cơ tái nghèo

Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động tới sự phát triển kinh tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đảm bảo an sinh - xã hội. Điều này khiến nhiều địa phương lo ngại cho tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo có thể tăng mạnh cuối năm 2020.

Người nghèo ở đô thị là nhóm khó khăn nhất do giá cả sinh hoạt leo thang, trong khi đó họ lại không có công việc thu nhập ổn định. Ảnh: Lan Anh

Người nghèo ở đô thị là nhóm khó khăn nhất do giá cả sinh hoạt leo thang, trong khi đó họ lại không có công việc thu nhập ổn định. Ảnh: Lan Anh

Địa phương lo ngại tình trạng tái nghèo xảy ra

Phường Cổ Nhuế 1 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những địa phương đi đầu trong công tác giảm nghèo. Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo mà từ năm 2019, phường này có tới 41 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo nhưng tới đầu năm 2020, chỉ còn 5 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo.

Kết quả tốt là vậy nhưng theo bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch phường Cổ Nhuế 1 thì thành quả này đang có nguy cơ bị phá hủy bởi dịch Covid -19 bùng phát.

"Nhìn chung dịch Covid -19 đã tác động không nhỏ tới đời sống của một bộ phận người nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường. Tuy nhiên, nhờ huy động được các nguồn lực hỗ trợ mà 100% người nghèo, cận nghèo trên địa bàn phường vẫn giữ được cuộc sống ổn định dù thu nhập có giảm sút" - bà Nguyễn Thị Thúy Hà nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hà, vấn đề làm đau đầu địa phương nhất lúc này chính là nguy cơ gia tăng tỷ lệ hộ nghèo trong nhóm lao động tự do, nhất là lao động di cư tự do không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Đây chính là đối tượng chịu tác động mạnh nhất vì họ không có nhà, không có công việc ổn định, thu nhập giảm sút, thậm chí khi hết giãn cách, cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường nhưng họ vẫn chưa thể tìm được công việc ổn định.

Bà Chu Thị Hà - Trưởng phòng Lao động –Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết, năm 2020 toàn quận chỉ còn 27 hộ nghèo và 813 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, công tác giảm nghèo của quận cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức.

"Dịch bệnh khiến cho kinh tế, dịch vụ suy thoái. Nhiều lao động tự do trong hộ nghèo, cận nghèo bị mất việc, ngừng việc, giảm sâu thu nhập. Đó là chưa kể một bộ phận lao động ngấp nghé ngưỡng cận nghèo có nguy cơ tái nghèo trở lại" - bà Chu Thị Hà nói.

Gia tăng hộ nghèo là điều khó tránh khỏi

Thống kê của các địa phương gửi Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đầu năm 2020 cả nước hiện có 1,3 triệu hộ nghèo và 1,23 triệu hộ cận nghèo với tổng số gần 10 triệu người.

Ông Hoàng Xuân Thành - chuyên gia trong lĩnh vực giảm nghèo cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh người nghèo càng bị tác động dữ dội. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo không có tích lũy, vì thế nguy cơ nghèo, tái nghèo là điều khó tránh khỏi. Mặc dù Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho các nhóm lao động chịu ảnh hưởng dịch bệnh, trong đó có người nghèo, nhưng số tiền ủng hộ có vẻ chưa thấm vào đâu so với nhu cầu để họ có thể duy trì cuộc sống tối thiểu.

Rõ ràng, cần phải có những chính sách mạnh hơn nữa dành cho cộng đồng nghèo. Vì bản thân họ đa phần đều là người không có công cụ sản xuất, bị mất việc làm và tác động nhiều nhất.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), thì cho rằng, điều đáng lo ngại nhất lúc này chính là việc gia tăng tỷ lệ người nghèo do dịch bệnh. Một số hộ vừa thoát nghèo thì nay có nguy cơ tái nghèo do bị thất nghiệp, mất việc làm. Đặc biệt là các hộ cận nghèo ở khu vực đô thị, lao động tự do, lao động di cư, nhóm này có khả năng bị tác động nhiều nhất.

"So với khu vực nông thôn, người nghèo ở đô thị là nhóm khó khăn nhất do giá cả sinh hoạt leo thang, trong khi đó họ lại không có công việc thu nhập ổn định. Chính bởi vậy, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc duy trì cuộc sống tối thiểu" - ông Dũng nói.

Bản thân ông Dũng cũng cảnh báo, có thể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong năm nay sẽ bị gia tăng trong cả nước nếu như dịch bệnh, hạn hán xâm nhập mặn ở miền Nam không sớm bị đẩy lùi.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Tô Đức - Chánh văn phòng Giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đơn vị đang có những điều chỉnh trong việc thiết kế chính sách cũng như thay đổi mức chuẩn nghèo. Ngoài ra, trong quá trình thiết kế chính sách giảm nghèo giai đoạn mới, đơn vị cũng sẽ tính toán cụ thể phương thức để có thể giảm nghèo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn... cụ thể./.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn năm 2016-2020. Thống kê kết quả giảm nghèo cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên công tác giảm nghèo chưa bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh cao (17,82%) chủ yếu do tách hộ, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh; cơ chế giảm vẫn còn vướng mắc; chính sách đặc thù vùng núi, dân tộc thiểu số chưa phát huy hiệu quả; xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 5%.

Bùi Tư

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2020-08-29/covid-19-lam-tang-nguy-co-tai-ngheo-91679.aspx