COVID-19: Miễn nhiễm cộng đồng và sai lầm của Anh
Hôm 14-3 (giờ địa phương), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức lên tiếng quan ngại về cách tiếp cận tạo cơ chế miễn nhiễm cộng đồng để chống dịch COVID-19 của chính phủ Anh, theo tờ The Evening Standard.
Cụ thể, phát ngôn viên của WHO - bà Margaret Harris cho rằng lý do chủ yếu là vẫn chưa đủ nghiên cứu khoa học về virus SARS-CoV-2 cũng như các tác động virus lên hệ thống miễn dịch của con người.
Do vậy, bà Harris khuyến nghị các chính phủ cần kết hợp tất cả biện pháp để bảo vệ đất nước trong dài hạn. “Mỗi virus hoạt động khác nhau trong cơ thể con người và kích thích miễn dịch khác nhau. Chúng ta có thể nói về các lý thuyết nhưng hiện nay thế giới đang thực sự đối mặt với tình huống cần phải đưa ra hành động” - phát ngôn viên WHO nêu rõ.
Trước đó, vào ngày 13-3, trưởng cố vấn khoa học chính phủ Anh Patrick Vallance đã có phát biểu chấn động rằng sẽ cần hàng triệu người Anh nhiễm COVID-19 để kiểm soát dịch COVID-19 và “những đợt bùng phát trong tương lai”. Vị này lập luận COVID-19 có thể sẽ quay lại và trở thành một loại cúm phổ biến như cúm mùa trong khi đến nay vẫn chưa có vaccine chính thức.
“Cộng đồng (khi lây nhiễm trên diện rộng) sẽ miễn nhiễm với chủng virus này và đó sẽ là phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch về dài hạn. Khoảng 60% (dân số) là con số mà các bạn cần để tạo ra miễn dịch cộng đồng” - ông Patrick Vallance giải thích. Dân số Anh tính đến năm 2020 vào khoảng 67 triệu người.
Theo định nghĩa của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), khái niệm miễn dịch cộng đồng (herd immunity) dùng để chỉ việc trong một cộng đồng xã hội có một tỉ lệ người nhất định miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm và số lượng này đủ lớn để chặn đứng khả năng lây lan từ người sang người của bệnh.
Thông thường, khả năng miễn dịch nói trên có được là nhờ áp dụng tiêm phòng vaccine đại trà. Khi tỉ lệ người được tiêm vaccine trong cộng đồng đủ cao, chuỗi lây nhiễm sẽ bị phá vỡ và chặn đứng được khả năng lây lan của bệnh. Ngược lại, khi tỉ lệ tiêm chủng giảm, nhiều người dễ mắc bệnh hơn, dẫn đến gia tăng mức độ lây lan của bệnh và nguy cơ xuất hiện các đợt bùng phát dịch.
Quay lại phát biểu của cố vấn khoa học Patrick Vallance, nhiều chuyên gia cảnh báo đây là một chiến lược cực kỳ mạo hiểm vì hiện chưa có nước nào bào chế được vaccine ngừa COVID-19 chính thức, cũng như chưa ai tìm ra kháng thể của virus. Trong khi đó, trên thế giới đã xuất hiện nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 dù đã được điều trị thành công. Nói cách khác, không có gì để đảm bảo việc cho người dân nhiễm COVID-19 để tự hình thành kháng thể sẽ thành công, theo tờ The Guardian.
Trong khi đó, cây bút Shaun Lintern của tờ The Independent còn quả quyết hiện Anh “không có cơ hội nào để hình thành miễn dịch cộng đồng với COVID-19”. Một ý kiến khác từ GS Willem van Schaik thuộc ĐH Birmingham (Anh) nhận định nhược điểm lớn nhất của miễn dịch cộng đồng là sẽ làm tăng số lượng người nhiễm bệnh và tử vong. Nếu muốn miễn dịch cộng đồng hình thành ở Anh, ít nhất 36 triệu người cần phải bị cho nhiễm bệnh và được chữa khỏi, vốn sẽ đặt một gánh nặng quá lớn lên hệ thống y tế đang quá tải của nước này.
Bên cạnh đó, nếu London vẫn quyết định thực hiện chiến lược trên, tờ The Sydney Morning Herald (úc)dự đoán các cơ quan phải đảm bảo đồng bộ hai yếu tố cực kỳ quan trọng sau: (1) Thông tin và số liệu về tình hình dịch phải rất chính xác để kiểm soát hướng lây lan của dịch; (2) Các biện pháp cách ly phải được triển khai nhanh chóng để giảm tốc độ lây lan của dịch không vượt ngưỡng an toàn.
Hai yêu cầu đặt ra thách thức cực kỳ khó khăn mà chính phủ Anh phải vượt qua nếu muốn thực thi thành công kế hoạch đầy tham vọng của mình.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/covid19-mien-nhiem-cong-dong-va-sai-lam-cua-anh-896989.html