Covid-19: Nga, Anh chịu trận, Ý lại tăng mạnh ca tử vong
Ông Segei Sobyanin, thị trưởng thủ đô Moscow của Nga, cho biết số ca nhiễm virus Sars-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 thật sự của thành phố là 250.000 ca, gấp đôi số liệu công bố chính thức.
Theo số liệu được công bố, số ca nhiễm mới tại Nga hôm qua đã đạt mức kỷ lục 9.623 ca, thêm vào đó là 57 trường hợp tử vong nữa được ghi nhận.
Thị trưởng Segei Sobyanin ước tính riêng rằng khoảng 2% dân số Moscow đã bị Covid-19 tấn công, biến thủ đô thành một điểm nóng so với phần còn lại của đất nước. Nếu đúng, điều này có nghĩa là khoảng 253.800 người đã nhiễm virus ở Moscow theo một tính toán dựa trên sàng lọc.
Nga chính thức thừa nhận khoảng 214.800 người đang bị giám sát y tế vì nghi nhiễm virus. Quốc gia này đã có 124.054 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, trong đó có Thủ tướng Mikhail Mishustin đang nằm viện với triệu chứng sốt cao.
57 trường hợp tử vong được ghi nhận mới nhất đã nâng tổng số người chết vì Covid-19 tại Nga lên thành 1.222 (37 trong số 57 ca tử vong mới nhất đều ở Moscow). Tuy vậy, tỉ lệ tử vong của Nga (theo số liệu được công bố) vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác như Ý, Tây Ban Nha và Mỹ.
Trong khi đó ở Anh, số ca tử vong vì Covid-19 đã tăng thêm 621 người trong ngày 1-5, nâng tổng số người chết vì dịch này lên 28.131 người. Hiện Anh là nước có số ca tử vong cao thứ hai châu Âu chỉ sau Ý.
Khi mà Anh đang theo chiều hướng dần thay thế Ý trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 ở châu Âu, Thủ tướng Boris Johnson cũng đối mặt làn sóng chỉ trích từ các đảng đối lập. Họ cho rằng chính phủ của ông Johnson đã mắc sai lầm ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Thủ tướng Johnson ban đầu không đồng ý phong tỏa nhưng sau đó phải đổi ý khi các ước tính chỉ ra rằng 1/4 dân số Anh có thể tử vong. Chính ông cũng mắc Covid-19 hồi tháng trước, trong đó có 3 ngày được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Trong một phát ngôn mới nhất, ông Johnson nói rằng nước Anh đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 23-3, vì ông lo ngại một đợt bùng phát thứ hai sẽ đánh gục các bệnh viện.
Còn tại Ý – quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19 nặng nề nhất tại châu Âu, số người tử vong hôm 2-5 đã tăng đột biến thêm 474 người trong khi ngày trước đó có 269 người, đánh dấu ngày "chết chóc" nhất của nước này kể từ ngày 21-4.
Số ca tử vong tăng đột biến chủ yếu tại Lombardy, vùng dịch lớn nhất của Ý (329 ca). Còn số ca nhiễm mới tăng thêm vẫn duy trì ổn định ngày thứ 3 liên tiếp: Thêm 1.900 ca mới so với con số 1.965 ca ghi nhận vào ngày 1-5.
Tổng số ca tử vong ở Ý đến nay đã là 28.710, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Trong một diễn biến khác, hàng ngàn người Tây Ban Nha đã đổ ra đường lần đầu tiên sau 2 tháng sau khi lệnh phong tỏa quốc gia được nới lỏng. Nhiều khu vực công cộng như bãi biển, công viên vẫn bị hạn chế nhưng hầu như công chúng đã có thể ra ngoài tập thể dục, miễn là đảm bảo những quy định của chính phủ về giới hạn độ tuổi và khung giờ để tránh tụ tập đông người.
Các cá nhân và cặp vợ chồng sống cùng nhau trong độ tuổi 14 đến 70 tuổi có thể ra ngoài tập thể dục cá nhân trong 2 khung giờ từ 6 giờ sáng đến 10 giờ sáng và 8 giờ tối đến 11 giờ. Những người trên 70 tuổi có thể ra ngoài trong 2 khung giờ từ 10 giờ sáng đến trưa và 7 giờ tối đến 8 giờ tối và có thể đi cùng một người chăm sóc nếu cần.
Trẻ em dưới 14 tuổi có thể ra ngoài giữa trưa và 7 giờ tối, đi dạo với một phụ huynh nhưng không được đi chơi với những đứa trẻ khác. Các thị trấn và những ngôi làng có ít hơn 5.000 người được miễn quy định này.