Covid-19 ở Campuchia: Ngày thứ năm thực hiện Lệnh phong tỏa, người ủng hộ, kẻ tức giận
Với các biện pháp mạnh tay đối với những người vi phạm lệnh phong tỏa của chính phủ và chính quyền thành phố, cuộc sống của nhiều người dân Phnom Penh, Campuchia bị đảo lộn.
Cấp tập chống dịch
Người dân Phnom Penh và thành phố Takhmao đang bước sang ngày thứ năm thực hiện lệnh phong tỏa (kéo dài từ 15-28/4) nhằm hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trong thời gian này, mọi công dân không được phép đi ra ngoài ngoại trừ có công việc khẩn cấp.
Những người thực thi pháp luật tuyên bố sẽ không nương tay đối với những người vi phạm lệnh phong tỏa.
Hàng nghìn cảnh sát quân sự đã được triển khai để kiểm soát sự đi lại qua các rào chắn và truy bắt những người cố tình vi phạm.
Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở ngoài cộng đồng tăng cao, Bộ Y tế Campuchia hôm 18/4 bắt đầu sử dụng thiết bị xét nghiệm nhanh Panbio Covid-19 Ag cho kết quả sau 15 phút nhằm tăng cường hiệu suất xét nghiệm và truy vết.
Người ủng hộ, kẻ tức giận
Trong khi nhiều người dân ủng hộ biện pháp phong tỏa của chính phủ, những người khác tỏ ra tức giận khi việc đi lại trở nên vô cùng khó khăn. Theo ghi nhận của truyền thông Campuchia, nhiều nhà báo và thậm chí cả nhân viên y tế cũng bị cảnh sát chặn lại và buộc phải quay về.
Trong khi đó, giá thực phẩm tăng gấp đôi, gấp ba. Nhiều nơi người dân rơi vào tình trạng hoảng sợ, chen lấn để cố gắng mua trữ thực phẩm. Có người phàn nàn về giá thực phẩm tăng, cho rằng, chính quyền Phnom Penh dường như không có kế hoạch rõ ràng trước khi ban hành lệnh phong tỏa.
Đô trưởng Phnom Penh, ông Khuong Sreng nói: “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2 là một tình huống tồi tệ, khiến virus corona lây lan nhanh chóng. Vì vậy cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn sự lây truyền của Covid-19”.
Chính quyền Phnom Penh yêu cầu chủ sở hữu các công ty, nhà máy và xí nghiệp phải nộp danh sách nhân viên được yêu cầu làm việc để được phép đi lại trong thời gian phong tỏa. Các công ty cũng được khuyến cáo chỉ nên bố trí 2% nhân viên làm việc tại văn phòng trong khi số còn lại nên làm việc tại nhà.
Để ngăn dịch lây lan, nhiều khu chợ ở Phnom Penh cũng bị đóng cửa. Ngày 17/4, chợ Doeum Kor, đầu mối phân phối rau quả lớn của thủ đô, cũng đã bị tạm dừng hoạt động tạm thời đến hết ngày 1/5 khi phát hiện khoảng 100 tiểu thương và nhân viên bảo vệ của chợ nhiễm Covid-19.
Lúng túng ở cấp thực thi
Do những vấn đề phát sinh trong những ngày phong tỏa vừa qua, chính phủ Campuchia vừa thông báo sửa đổi một số quy định về lệnh phong tỏa, làm rõ giới hạn về hoạt động kinh doanh và đi lại trong vùng dịch.
Trong giai đoạn phong tỏa, các lò mổ gia súc, gia cầm, các nhà máy và đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm ở Phnom Penh và Ta Khmao có thể tiếp tục hoạt động bình thường để đảm bảo an ninh lương thực. Các công ty sản xuất trang thiết bị y tế, dung dịch rửa tay, cồn và máy thở được hoạt động như trước khi áp dụng lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng bán gas, nhà hàng phục vụ đồ ăn mang đi chỉ được hoạt động với số nhân viên giới hạn. Chính quyền sẽ giám sát những hoạt động này để đảm bảo các dịch vụ thiết yếu.
Các dịch vụ viễn thông, bưu chính, tài chính và ngân hàng cũng được hoạt động với số nhân viên tối thiểu.
Một số nhà phân tích cho rằng, các việc áp dụng biện pháp phong tỏa là cấp thiết nhưng quá trình thực thi còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng lộn xộn ở nhiều khu dân cư. Tình trạng tranh cãi giữa cảnh sát và người dân tại chốt kiểm tra cũng diễn ra thường xuyên.
Nguy cơ nới rộng phong tỏa
Trong một tin nhắn thoại gần đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, ông sẽ xem xét việc gia hạn lệnh phong tỏa ở thủ đô và thành phố Takhmao, nếu người dân không tuân thủ nghiêm túc.
Thủ tướng Hun Sen tuyên bố: “Tôi muốn làm rõ rằng, nếu người dân vẫn vi phạm lệnh phong tỏa và tình hình không cải thiện, tôi sẽ gia hạn thời gian phong tỏa ở Phnom Penh và thành phố Takhmao, cũng như đưa thêm nhiều tỉnh khác vào danh sách”.
Ông cũng cho rằng, nếu không có sự hợp tác của người dân, công cuộc chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tính đến thời điểm này, Campuchia có tổng cộng 6.389 ca mắc Covid-19, trong đó có 43 ca tử vong.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Phnom Penh hiện đang bị tạm dừng trong bối cảnh nhiều nhân viên y tế không thể đi tới các điểm tiêm chủng. Hiện Campuchia đã tiêm vaccine cho khoảng 1,24 triệu người trên cả nước.
(Theo Khmer Times)