Covid-19 ở Việt Nam sáng 8/9: 10.253 ca khỏi bệnh; Hà Nội vẫn dùng giấy đi đường cũ; lý do TP. Hồ Chí Minh tiêm mũi 1 vaccine Moderna, mũi 2 Pfizer
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 550.996 ca nhiễm Covid-19, các địa phương ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.601 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 546.683 ca, trong đó có 308.936 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (265.846), Bình Dương (138.593), Đồng Nai (30.365), Long An (26.432).
Tính từ 17h ngày 6/9 đến 17h ngày 7/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.208 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 14.193 ca ghi nhận trong nước tại 40 địa phương, trong đó có 8.161 ca trong cộng đồng. Như vậy, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.716 ca.
Tình hình điều trị:
Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 7/9: 10.253; tổng số ca được điều trị khỏi: 311.710.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.369 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (4.015); Thở ô xy dòng cao HFNC (1.274); Thở máy không xâm lấn (119); Thở máy xâm lấn (926); ECMO (35)
Trong ngày 6/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 316 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.701 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).
Hà Nội sử dụng cả giấy đi đường cũ và mới; tiêm vaccine xuyên đêm
Ngày 7/9, trao đổi về tình hình tổ chức phân vùng phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, việc thực hiện phương án phân 3 vùng từ ngày 6/9 nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới.
Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc cấp và kiểm tra giấy đi đường góp phần tích cực thực hiện giãn cách ở Vùng 1.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, cầu thị các ý kiến để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch và an toàn của người dân.
Trước mắt, các lực lượng tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư (giấy có mã QR), đồng thời điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Đặc biệt, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, khi chưa nhập 2 loại giấy thành một thì chỉ phạt người ra đường không thuộc các trường hợp theo quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Hà Nội cho phép người dân có giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.
Cùng ngày, theo Sở Y tế Hà Nội, về công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, thành phố có 1.000 dây chuyền tiêm chủng (tối đa 1.200 dây chuyền) có thể đáp ứng tiêm 200.000 mũi/ngày (thời gian qua đã tổ chức tiêm, có ngày đạt đến 150.000 mũi tiêm/ngày).
Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức tiêm vào buổi tối, mở thêm điểm tiêm tại nhà văn hóa, trường học. Trước khi tiêm, tất cả các trường hợp phải test nhanh Covid-19 để sàng lọc, phát hiện sớm F0 trong cộng đồng.
Tính đến chiều 6/9, thành phố đã tiêm được 2.457.329 mũi vaccine (mũi một: 2.190.772; mũi 2: 266.557), tỷ lệ tiêm đạt 29,1% dân số.
Thành phố đang triển khai kế hoạch tiêm chủng đợt 12 với 980.000 mũi và đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung vaccine để phấn đấu đến 15/9 sẽ tiêm cho 100% người dân trên 18 tuổi.
TP. Hồ Chí Minh: Thiếu vaccine Moderna tiêm mũi 2, có thể thay thế bằng vaccine Pfizer
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn chiều 7/9, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, thông tin, vaccine Moderna và Pfizer có cùng công nghệ sản xuất, có điểm tương đồng. Trong trường hợp thiếu vaccine Moderna để tiêm mũi 2, vaccine Pfizer có thể được thay thế.
Theo ông Nam, hiện tại trên thế giới có 4 công nghệ sản xuất vaccine khác nhau.
Công nghệ thứ nhất sử dụng một loại virus khác nhưng có đoạn gen tương đồng của SARS-CoV-2. Hiện tại, các loại vaccine sử dụng công nghệ này là AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnik V.
Công nghệ thứ 2 dùng mã di truyền. Hiện thế giới có 2 loại vaccine Covid-19 áp dụng công nghệ này là Pfizer và Moderna.
Công nghệ thứ 3 sử dụng một đoạn protein của virus.
Công nghệ thứ 4 sử dụng virus gây bệnh nhưng đã làm giảm độc lực.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo phân loại, vaccine Covid-19 Pfizer và Moderna sử dụng cùng một công nghệ sản xuất. Hiện nay, theo các hướng dẫn của ngành y, thành phố có thể tiêm các loại vaccine Covid-19 có công nghệ tương đồng với nhau.
Theo ông Nam, Canada và Mỹ đã áp dụng phương án tiêm trộn vaccine. Các nghiên cứu cho thấy, việc tiêm trộn đạt hiệu quả tốt và chưa ghi nhận tình huống nguy hiểm nào.
Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, hiện tại, việc khan hiếm vaccine Covid-19 là vấn đề của toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ. Do đó, các đội tiêm trên toàn địa bàn đang sử dụng các loại vaccine phù hợp nhất để tiêm mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi một.
"Quan điểm của ngành y thành phố là nếu thiếu một loại vaccine nào đó để tiêm mũi 2 cho người dân, các đơn vị cần cân đối, lựa chọn loại vaccine khác. Loại vaccine đó cần đảm bảo an toàn nhất và phù hợp nhất", lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Tổng cộng từ trước đến nay, hơn 6,9 triệu người trên 18 tuổi tại TP. Hồ Chí Minh đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, đạt tỷ lệ 89%.