Covid-19 ở Việt Nam tối 25/8: 12.096 ca mắc mới tại 36 tỉnh thành; TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương vẫn rất cao; Lỗ hổng nguy hiểm của Hà Nội ở 'vùng đỏ'

Bản tin dịch Covid-19 tối 25/8 của Bộ Y tế cho biết, ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới, trong đó có 12.093 ca ghi nhận trong nước tại 36 tỉnh, thành phố, 7.321 ca trong cộng đồng. 5 tỉnh thành có số ca mắc mới cao nhất là TP. Hồ Chí Minh (5.294), Bình Dương (4.129), Đồng Nai (618), Long An (460), Tiền Giang (319).

Vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam từ nguồn hỗ trợ của COVAX Facility. (Nguồn: VGP)

Vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam từ nguồn hỗ trợ của COVAX Facility. (Nguồn: VGP)

Thông tin các ca mắc mới Covid-19

- Tính từ 18h ngày 24/8 đến 18h ngày 25/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 12.096 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 12.093 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (5.294), Bình Dương (4.129), Đồng Nai (618), Long An (460), Tiền Giang (319), Đà Nẵng (162), Khánh Hòa (150), Tây Ninh (119), Bình Thuận (106),

Hà Nội (96), Nghệ An (95), Đồng Tháp (93), Cần Thơ (90), Bà Rịa - Vũng Tàu (75), An Giang (50), Đắk Lắk (40), Cà Mau (28), Phú Yên (27), Trà Vinh (24), Kiên Giang (23), Bình Định (18), Hà Tĩnh (15), Quảng Nam (9), Bạc Liêu (7), Bình Phước (7), Ninh Thuận (6), Vĩnh Long (5), Đắk Nông (5), Sơn La (4), Hậu Giang (4), Sóc Trăng (4), Thanh Hóa (3), Bắc Ninh (3), Thái Bình (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Bình (1) trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng.

- Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.296 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 667 ca, Bình Dương tăng 501 ca, Đồng Nai giảm 181 ca, Long An tăng 67 ca, Tiền Giang tăng 226 ca.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 377.245 ca, trong đó có 167.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 7/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang.

+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

+ Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (190.166), Bình Dương (81.182), Đồng Nai (19.728), Long An (19.046), Tiền Giang (8.155).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

- 7.646 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/8.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 169.921 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 749 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.

- Ngày 24/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (266), Bình Dương (31), Long An (16), Đồng Nai (13), Đà Nẵng (3), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Thừa Thiên Huế (1), Tiền Giang (1).

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 25/8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Tình hình xét nghiệm

- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 370.556 xét nghiệm cho 677.016 lượt người.

- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 10.370.358 mẫu cho 29.387.170 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19

Trong ngày 24/8 có 432.460 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 18.095.473 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 16.056.222 liều, tiêm mũi 2 là 2.039.251 liều.

Những hoạt động của ngành y tế trong ngày

- Bộ Y tế tham gia Lễ ra mắt văn phòng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Đông Nam Á, đặt ở Hà Nội. Văn phòng đặt tại tầng 5 tòa nhà Tung Shing, số 2 Ngô Quyền, Hà Nội- Bộ Y tế ban hành Công văn số 7020/BYT-MT ngày 25/8/2021 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc cách ly phòng, chống dịch Covid-19 đối với trẻ em.

- TP. Hồ Chí Minh tổ chức các Trạm Y tế lưu động kết hợp với đội phản ứng nhanh của địa phương để chăm sóc, theo dõi sức khỏe F0 khi điều trị tại nhà. Mỗi phường thành lập từ 2-3 trạm y tế lưu động tùy số lượng F0 trên địa bàn. Đến ngày 23/8, đã có tổng số 274/400 trạm y tế lưu động được thành lập.

- Trong các ngày 23 và 24/8, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Đây là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch của UBND TP. Hồ Chí Minh về thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn Thành phố.

- Tỉnh Hà Tĩnh xây dựng phương án, kịch bản 1.000 ca nhiễm, ước tính có khoảng 460 người triệu chứng vừa và nặng, chuẩn bị 1.000 giường điều trị và 20.000 giường cách ly.

Chủ tịch Hà Nội chỉ ra lỗ hổng nguy hiểm trong "vùng đỏ"

Ngày 25/8, kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), phát hiện "lỗ hổng" trong vùng đỏ - một số người dân vẫn đi lại trong khu phong tỏa, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu bố trí các chốt trực thành 3 lớp, bảo đảm nghiêm giãn cách nhà với nhà, người với người trong khu cách ly...

Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có 10/11 phường của quận Thanh Xuân ghi nhận ca bệnh Covid-19. Riêng ổ dịch tại ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi đến nay đã ghi nhận 42 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa nói trên; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát Covid-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng phát hiện hết các F0.

Đánh giá của CDC Hà Nội, có thể nguồn lây cho các ca bệnh trong ổ dịch phường Thanh Xuân Trung là từ người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Trên cơ sở đó, CDC Hà Nội đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch, kết hợp với phát huy vai trò tự quản của nhân dân; huy động đoàn thể tham gia, tính toán phương án an toàn cho người cao tuổi tham gia giám sát cộng đồng. Chính quyền các cấp cũng lưu ý người trong các khu tập thể ở địa bàn quận Thanh Xuân "ai ở đâu ở đó" để phục vụ công tác truy vết nhanh chóng hơn.

Liên quan đến việc xét nghiệm, ông Chu Ngọc Anh đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu ở một số nơi chưa "quét" trúng "vùng đỏ", "nhóm đỏ" nên đã xảy ra bùng phát ổ dịch.

Vì vậy, quận Thanh Xuân cần xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc. Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải được coi là F1 để xét nghiệm. Cùng với đó, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ chu đáo hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa.

Hà Nội đã qua 31 ngày giãn cách xã hội. Trong những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao.

(theo Bộ Y tế)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-o-viet-nam-toi-258-12096-ca-mac-moi-tai-36-tinh-thanh-tp-ho-chi-minh-binh-duong-van-rat-cao-lo-hong-nguy-hiem-cua-ha-noi-o-vung-do-156265.html