Covid-19: Phép thử cho sức 'đề kháng' của du lịch Việt Nam
Ngành du lịch đang bước vào giai đoạn căng thẳng, thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Tuy là thời gian khó khăn, nhưng đồng thời cũng là thời điểm tốt để các DN rà soát lại hoạt động, tăng cường kiến thức, trau dồi kinh nghiệm.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ngành du lịch cần khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, giải pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và phục hồi thị trường chứ không chờ hết dịch.
Ngành du lịch phân tích, theo các chuyên gia y tế Việt Nam, dịch bệnh có thể lên đến đỉnh điểm vào trung tuần tháng 2. Như vậy, dự báo kịch bản là: dịch bệnh sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4. Nếu kịch bản này xảy ra thì ngành du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa (bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5). Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa du lịch hè mà khách du lịch nội địa sẽ chi nhiều nhất và đi du lịch nhiều nhất. Đồng thời, các DN du lịch cũng có thể xúc tiến các hoạt động du lịch outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) để bù đắp những tổn thất từ đầu năm.
Cũng theo phân tích, trong tháng 2 đến tháng 4-2020, thị trường khách Trung Quốc coi như bằng 0, giảm 100%, mất đi khoảng 1,7-1,9 triệu lượt khách. Các thị trường khách quốc tế còn lại và thị trường nội địa cũng giảm khoảng 50-70%. Tâm lý bình thường của cả khách quốc tế và khách nội địa sẽ là phải đi qua đỉnh dịch hoặc tìm ra vắc-xin chống dịch thì mới đi du lịch trở lại.
Cũng theo dự báo, khách du lịch quốc tế có thể trở lại Việt Nam vào tháng 6 và để khách tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm (từ tháng 10-2020 đến tháng 4-2021) thì ngay trong thời gian từ tháng 4 đến 9-2020, ngành du lịch cần phải có những biện pháp tăng cường công tác xúc tiến quảng bá trong nước và nước ngoài. Thông thường thì thị trường quốc tế mất nhiều thời gian hơn thị trường nội địa để khôi phục sau khủng hoảng. Bên cạnh đó, còn một kịch bản khác theo các chuyên gia y tế thế giới, Covid-19 có thể được đẩy lùi hoàn toàn sớm nhất là sau mùa hè năm 2020. Tức là các hoạt động du lịch có thể trở lại vào đầu quý 4-2020. Như vậy, hoạt động du lịch nội địa khó có thể hồi phục ngay mùa du lịch hè, các hoạt động xúc tiến thị trường này cũng gặp khó khăn nhưng thị trường quốc tế vẫn có thể triển khai xúc tiến theo phương án trên.
Trong các nhóm giải pháp mà ngành du lịch đã và đang triển khai, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã gửi thư tới các đối tác, bạn bè quốc tế vào ngày 2-2 và 12-2 thông tin về việc ngành du lịch Việt Nam đang chủ động phòng chống dịch Covid-19 và các điểm du lịch Việt Nam vẫn mở cửa bình thường, các DN quốc tế đã có những phản hồi rất tích cực, đánh giá cao công tác truyền thông kịp thời và phòng chống dịch hiệu quả của Việt Nam.
Ông Lý Xương Căn - Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay, hàng ngày có tới 500 câu hỏi gửi đến Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở Hàn Quốc để tìm hiểu về tình hình và công tác phòng chống dịch ở Việt Nam, thể hiện sự quan tâm lớn đến du lịch Việt Nam. Ông Lý Xương Căn đánh giá, thư chính thức của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã được gửi đi rất kịp thời, làm căn cứ để văn phòng trả lời cho các bên quan tâm.
Ngày 13-2, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng khai mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các DN hội viên, nằm trong chương trình hướng tới khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19. Bởi theo đánh giá của Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hiện tại tuy là thời gian khó khăn, nhưng đồng thời cũng là thời gian tốt để các DN rà soát lại hoạt động, tăng cường kiến thức, trau dồi kinh nghiệm. Đối với những người làm lữ hành, việc đầu tiên là củng cố kiến thức nghiệp vụ; những người làm khách sạn, cơ sở lưu trú cần rà soát cải tạo, trang bị cơ sở vật chất. Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch gồm 6 buổi đào tạo liên tục, chủ yếu liên quan đến lữ hành với các nội dung chia sẻ kinh nghiệm phát triển các thị trường riêng biệt, gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái, Campuchia (bằng đường bộ), Mỹ, Canada, Australia, UAE, Ấn Độ... Khóa học sẽ cập nhật kiến thức và thông tin mới nhất của từng thị trường, góp phần giúp các DN có thể phục hồi ngay thị trường của mình ngay khi hết dịch, vững vàng chuyển hướng kinh doanh những thị trường mới tiếp cận trong tương lai.
Cũng trong thời gian này, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia đã có thư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, dựa trên nghiên cứu của Hội đồng, các thị trường du lịch đường dài vẫn mở ra nhiều cơ hội kinh doanh. Vì vậy, Hội đồng đánh giá cao quyết định của Thủ tướng về việc tiếp tục mở cửa các điểm danh lam, thắng cảnh du lịch để không làm tê liệt thị trường du lịch quốc tế. Đồng thời, Hội đồng kiến nghị biện pháp trước mắt nên được xem xét để làm tăng lượng du khách đến từ các thị trường là miễn visa du lịch thời hạn 30 ngày cho một số thị trường.
Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã nêu kiến nghị mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho những thị trường du lịch lớn, thị trường tiềm năng của du lịch Việt Nam như: Ấn Độ, Australia, New Zealand… và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu… Đến nay, khi ngành du lịch đang gặp khó khăn, việc miễn thị thực đơn phương và miễn lệ phí thị thực cho khách quốc tế nếu thực hiện được sẽ là giải pháp tích cực giúp ngành vượt qua cơn sóng gió.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, lúc này, ngành du lịch cần chủ động nâng cấp chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với các Bộ, ngành, địa phương cũng cần có những giải pháp duy trì hoạt động, nâng cấp chất lượng dịch vụ. UBND các tỉnh, TP tăng cường quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ, không tăng giá vé tham quan, không để tình trạng “chặt chém” khách du lịch xảy ra sau dịch… Đồng thời, ngành du lịch cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, giảm sự phụ thuộc vào thị trường quá lớn. Đẩy mạnh kích cầu, tăng cường sự liên kết, đặc biệt là liên kết giữa hàng không và du lịch; liên kết giữa Trung ương và địa phương; liên kết công- tư…